Dòng sự kiện:
Cấm giáo viên bản ngữ dùng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn: Có khắt khe?
05/10/2017 06:51:52
Bên cạnh những ý kiến tán thành, vẫn còn nhiều người băn khoăn: ngành giáo dục thành phố ra quy định vậy liệu có quá khắt khe với giáo viên bản ngữ?

Trong văn bản hướng dẫn chuyên môn đối với bộ môn tiếng Anh trong trường tiểu học ban hành mới đây, Sở GD-ĐT TP HCM có yêu cầu giáo viên bản ngữ không đặt tên tiếng Anh cho học sinh và không sử dụng phương tiện hỗ trợ nghe nhìn trong quá trình đứng lớp. Bên cạnh những ý kiến tán thành, vẫn còn nhiều người băn khoăn: ngành giáo dục thành phố ra quy định vậy liệu có quá khắt khe với giáo viên bản ngữ?

Quy định cấm giáo viên bản ngữ sử dụng phương tiện nghe, nhìn gây tranh cãi.

Lý giải về việc yêu cầu giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, tuyệt đối không được gọi học sinh bằng tên tiếng Anh, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM cho rằng, việc sử dụng tên nước ngoài không phù hợp với môi trường giáo dục trong nước, đặc biệt là bậc tiểu học. Bên cạnh đó, khi giáo viên bản ngữ sử dụng cùng lúc 2 tên gọi như vậy sẽ dẫn đến nhiều khó khăn, nhầm lẫn trong việc điền thông tin vào sổ đánh giá học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết thêm: “Theo Sở GD-ĐT TP HCM, cách đặt tên như vậy không có lợi cho việc chúng ta giáo dục truyền thống cho học sinh. Tiếng Anh là phương tiện để chúng ta hội nhập nhưng chủ trương của chúng ta là vẫn phải giữ bản sắc của mình. Tên của mình là do cha mẹ đặt, vì vậy phải tự hào với cái tên của mình”.

Tuy nhiên với kinh nghiệm 30 năm giảng dạy bộ môn tiếng Anh, Tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân, Trưởng khoa Ngoại ngữ, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, việc đặt tên tiếng Anh cho học sinh trong giờ lên lớp sẽ không ảnh hưởng gì đến việc giáo dục văn hóa truyền thống. Ngược lại, nó còn tạo môi trường gần gũi, thoải mái giữa giáo viên và người học, giúp các giờ dạy sinh động, hiệu quả hơn. Ngoài ra, đối với những học sinh, sinh viên có mục tiêu đi du học, việc có tên gọi nước ngoài bên cạnh tên Việt là cần thiết.

Tiến sĩ Lê Thị Kiều Vân phân tích: “Chúng ta học một ngoại ngữ là chúng ta học nền  văn hóa của họ. Ở đây cái tên cũng là văn hóa. Bất kỳ một cái tên nào trong tiếng Anh cũng đều có ý nghĩa, vậy thì vì lý do gì chúng ta không đặt tên cho bản thân khi chúng ta tham gia học ở trong các lớp ngoại ngữ. Trong lớp, việc phát âm tên của người Việt đối với các giáo viên bản ngữ thật sự rất khó”.

Bên cạnh việc phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt, giáo viên bản ngữ còn không được sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, đĩa CD, bảng tương tác... trong giờ dạy. Theo Sở Giáo dục TP HCM, việc này sẽ giúp học sinh có thêm thời gian tương tác, thực hành tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.

Ông Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển ở quận Bình Thạnh cho rằng, quy định này khá hợp lý vì hiện tại đa phần thời gian đứng lớp của giáo viên bản ngữ trong các trường tiểu học khá ít:  “Mục đích mà các trường tổ chức cho giáo viên bản ngữ tham gia dạy một tiết mỗi tuần cho học sinh là giúp các em tăng cường khả năng tương tác, giao tiếp. Như vậy, nếu giáo viên bản ngữ dùng máy móc hỗ trợ thì thời gian học sinh tương tác trực tiếp với người nước ngoài sẽ mất đi”.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Phi cũng cho rằng, với những giáo viên bản ngữ có thời gian đứng lớp nhiều hơn thì nhà trường có thể để họ linh hoạt thay đổi, miễn sao đảm bảo được chất lượng đứng lớp theo yêu cầu. Còn theo nhiều giáo viên tiếng Anh, quy định như vậy là quá khắt khe và nếu các trường cứ áp dụng rập khuôn thì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi tiếp cận nhiều nguồn kiến thức của học sinh.

Bà Võ Ngọc Thu, nguyên Trưởng phòng Giáo dục– Đào tạo Quận 5 cho rằng: "Không nên cấm như vậy. Giáo viên bản ngữ hay giáo viên người Việt cũng vậy, các thầy cô sẽ biết cách linh hoạt tùy theo phương pháp giáo dục để sử dụng các thiết bị phù hợp. Có những tiết giáo viên cần sử dụng đồ dùng dạy học trực quan nhưng có những tiết thầy cô cần phải sử dụng thiết bị nghe nhìn hoặc bảng tương tác”.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, trẻ sẽ tiếp nhận kiến thức dễ dàng hơn khi phối hợp xen kẽ nhiều phương pháp giáo dục khác nhau. Đối với bộ môn tiếng Anh cũng vậy. Việc giáo viên kết hợp nhuần nhuyễn giữa giao tiếp với các đồ dùng dạy học và phương tiện hỗ trợ nghe nhìn sẽ giúp tiết học sinh động, hiệu quả hơn.

Vấn đề là nhà trường phải thường xuyên kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh những trường hợp giáo viên bản ngữ lạm dụng thiết bị hỗ trợ do lười tương tác với học sinh chứ không nên cấm đồng loạt.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến