Cam kết tỷ giá có “lung lay” ?
14/08/2015 17:49:14
Hai năm qua, cam kết ổn định tỷ giá của NHNN có một sức nặng đáng kể trong việc chi phối kỳ vọng của thị trường ngoại tệ. Tuy nhiên, trước cú sốc Trung Quốc ngày thứ 3 liên tiếp giảm giá đồng Nhân dân tệ (NDT) tiếp 1,1% so với đồng USD (cả thảy thành 4,6%) thậm chí còn có đồn đoán cho rằng đồng tiền này còn có thể bị phá giá tiếp, liệu thành trì cam kết ổn định tỷ giá VND/USD của NHNN có “đứng” vững?

Tin liên quan

Tỷ giá VND với một số đồng tiền khác sau khi Trung Quốc phá giá NDT và Việt Nam điều chỉnh biên độ tỷ giá. Nguồn: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Ảnh: Như Ý, Đồ họa: Trung Hiếu.

Lo tỷ giá tăng

Về động thái nới biên độ giao dịch tỷ giá VND/USD từ 1% lên 2% ngày 12/8 của NHNN, trong bản phân tích phát đi, công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra, mặc dù đây không phải là động thái làm giảm giá đồng tiền trực tiếp, nhưng về bản chất có tác động tương tự khi tiền đồng đang giao dịch ở mức trần trong thời gian qua. “Ngân hàng Nhà nước về mặt kỹ thuật có thể tiếp tục cam kết giữ mức phá giá tiền đồng tối đa 2% trong năm 2015 ở thời điểm hiện tại, nhưng cũng mở đường cho biến động tiền tệ lớn hơn nếu việc phá giá thông qua điều chỉnh tỷ giá bình quân là cần thiết”- VDSC nhìn nhận.

Công ty Chứng khoán HSC dự báo Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá.

Còn tính toán của TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) thì cho thấy, nếu tỷ giá tăng 1%, GDP sẽ tăng khoảng 0,08 điểm phần trăm trong 3 năm tiếp theo, nhưng nếu lãi suất tăng 1%, GDP sẽ bị giảm 0,24 điểm phần trăm trong cùng giai đoạn. “Khi việc phá giá VND bắt đầu gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến lãi suất, chính sách nới lỏng tỷ giá cần phải dừng lại. Đối với Việt Nam hiện nay, nếu mức phá giá vượt quá 3%, chính sách giảm lãi suất cho vay thêm 1-1,5% sẽ rất khó thực hiện”- TS Độ cho biết. “Từ nay đến cuối năm, NHNN nên giữ tỷ giá ổn định không?”, TS Độ cho rằng, NHNN nên tiếp tục đưa ra cam kết không điều chỉnh tỷ giá quá 3% trong vòng 365 ngày tới. Cam kết này cần được hậu thuẫn bằng chính sách can thiệp quy mô lớn khi tỷ giá chạm mức trần.

Liệu cam kết ổn định tỷ giá của NHNN có đứng vững trước biến động tiền tệ. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đừng để bị lôi vào “trò chơi” tiền tệ

Nhìn nhận về thị trường ngoại tệ thời gian qua, TS Nguyễn Đức Độ, lưu ý rằng, ở bất kỳ thời điểm nào, NHNN cũng luôn phải đưa ra một cam kết sẽ ổn định tỷ giá. “NHNN không thể tuyên bố với thị trường rằng vào ngày này, giờ này, tôi sẽ phá giá từng này phần trăm. Nếu NHNN không thể hiện một quan điểm cứng rắn, sẽ không thể khống chế được kỳ vọng của thị trường, nhất là khi bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đang ủng hộ cho xu hướng VND mất giá”- TS Độ phân tích.

Còn ông Trương Văn Phước, Phó Chu tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì nhận xét việc Trung Quốc liên tục điều chỉnh tỷ giá nói lên câu chuyện muốn xử lý một lúc nhiều yêu cầu của họ. “Điều quan trọng nhất là Trung Quốc muốn đồng NDT trở thành một đồng tiền tự do chuyển đổi, quốc tế hóa đồng NDT. Hiện Trung Quốc cùng với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang đàm phán việc đồng NDT có thể tham gia vào quyền rút vốn đặc biệt và là một trong những ngoại tệ cùng đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng Euro, đồng Yên Nhật trở thanh đồng tiền dự trữ quốc tế”- ông Phước phân tích.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia dự báo xuất khẩu của VN vào thị trường Đông Nam Á, vào Trung Quốc gặp khó khăn, đặc biệt nhập siêu Trung Quốc tăng lên. 7 tháng đầu năm nhập siêu vào khoảng 3,4 tỷ USD, cả năm khoảng 5-6 tỷ USD. Do đó chưa có biến động lớn. “Xuất khẩu VN có xu hướng tăng chậm hơn so với những năm trước nhưng không hoàn toàn do tỷ giá. Mà giá nông sản toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của VN, đặc biệt thủy hải sản. Giá dầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ của VN. Ngoài ra, chúng ta đã ngừng xuất khẩu than trong năm nay. Tác động của việc giảm giá đồng NDT của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/VND có dấu hiệu mạnh lên nhưng không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá thời điểm này” - ông Nghĩa nói.

Trong một vài ngày gần đây, các nước trong khu vực cũng đã và đang điều chỉnh tỷ giá chứ không riêng gì Việt Nam. Chính vì điều này, TS Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng Giám đốc BIDV cho rằng, chúng ta nới biên độ để tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực và có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu. Còn về lâu dài,theo ông Lực, hơn cả là Việt Nam cần tái cấu trúc nền kinh tế để bớt lệ thuộc thương mại quá nhiều vào Trung Quốc.

Theo Tiền Phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến