Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?
13/08/2015 09:31:35
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, bình luận thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có sự sụt giảm mạnh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Tin liên quan

TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, bình luận thị trường chứng khoán toàn cầu cũng có sự sụt giảm mạnh sau quyết định điều chỉnh tỷ giá CNY/USD của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC). Nếu Mỹ phản ứng lại căng thẳng thì nguy cơ dẫn đến chiến tranh tiền tệ là có thực. Có thể Mỹ sẽ điều chỉnh tỷ giá sớm hơn dự kiến.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa việc phá giá Nhân dân tệ (CNY) của PBoC?

Thông thường, một ngân hàng trung ương khi chủ trương phá giá đồng tiền của họ một cách tương đối mạnh đều nhằm mục tiêu quan trọng nhất là lập lại cân bằng kinh tế vĩ mô, trước hết là cân bằng về ngân sách.

Khi phá giá đồng tiền thì thường có lợi cho ngân sách, tức có sự chênh lệch nhất định giữa khoản thu ngân sách tính ra đồng nội tệ và tính ra đồng ngoại tệ và chi ngân sách tính ra đồng ngoại tệ.

Thứ hai, phá giá đồng tiền cũng làm cho lương thực tế của những người làm công ăn lương giảm đi, như vậy cũng có lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, họ muốn lập lại cân bằng của cán cân vãng lai dài hạn. Họ dự đoán Trung Quốc có những thay đổi căn bản về mặt cấu trúc nên họ phải tính toán trước.

Ngoài ra, họ dự định tái cấu trúc nền kinh tế dựa vào thị trường nội địa, nhưng hướng đó có vẻ thất bại vì thị trường nội địa của họ chưa đủ lớn để hấp thụ được toàn bộ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiện nay. Vì thế họ quay lại hướng cũ là dựa vào xuất khẩu, đương nhiên họ phải phá giá đồng CNY để có lợi cho xuất khẩu.

Phá giá đồng CNY của Trung Quốc vừa giữ ổn định thị trường nội địa vừa kích thích được xuất khẩu. Đó là ý tưởng dài hạn của họ.

Họ cũng đứng trước các sức ép ngắn hạn như đồng USD tăng giá (dự kiến có thể tăng hơn do FED có thể tăng lãi suất), thương mại quốc tế đang ở những điểm đáy của tăng trưởng.

Họ làm trước việc điều chỉnh tỷ giá để đón trước sự phục hồi của thương mại quốc tế, ngoài ra việc giá dầu giảm cũng ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của họ. Như vậy, có thể thấy, việc điều chỉnh tỷ giá của Trung Quốc là bài toán tốt về dài hạn cho nước này.

Quyết định phá giá đồng CNY của Trung Quốc ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt  Nam như thế nào?

Ảnh hưởng lớn nhất là xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc. Cụ thể, hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn tại Trung Quốc, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam tại Trung Quốc giảm. Điều này ảnh hưởng nhất định đến xuất khẩu của Việt Nam, nhưng những nhà nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lại được lợi.

Ta đang nhập khẩu nhiều công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc. Tuy nhiên nếu xuất khẩu sang các nước châu Á thì bất lợi vì không chỉ Trung Quốc, các nước châu Á khác cũng buộc phải phá giá đồng tiền, do đó ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.  Thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể tăng lên.

Tuy vậy, việc điều chỉnh này của Trung Quốc chưa có ảnh hưởng lớn đến dòng vốn đầu tư.

Nói như vậy, quyết định phá giá đồng CNY của Trung Quốc ảnh hưởng đến cả hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Đông Nam Á?

Đúng vậy. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Đông Nam Á, vào Trung Quốc gặp khó khăn, đặc biệt nhập siêu Trung Quốc tăng lên. 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc vào khoảng 3,4 tỷ USD, cả năm khoảng 5-6 tỷ USD.

Tuy vậy, vẫn chưa có những biến động lớn. Xuất khẩu Việt Nam có xu hướng tăng chậm hơn so với những năm trước nhưng không hoàn toàn do tỷ giá. Nguyên nhân chính là do giá nông sản toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt thủy hải sản.

Giá dầu giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu dầu mỏ của Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta đã ngừng xuất khẩu than trong năm nay.

Theo ông, liệu có diễn ra kịch bản điều chỉnh tỷ giá trong những tháng cuối năm không?

Tác động của việc giảm giá đồng CNY của Trung Quốc đối với tỷ giá USD/VND có dấu hiệu mạnh lên nhưng không nhất thiết phải điều chỉnh tỷ giá thời điểm này.

Thực tế, phản ứng nới biên độ tỷ giá USD/VND lên +/- 2% là rất kịp thời. Với biên độ này, thị trường có thể có dao động nhất định trong vài ngày đầu sau đó sẽ ổn định.

Tôi hy vọng duy trì biên độ tỷ giá từ nay đến cuối năm. Dù vậy, NHNN cần phải theo dõi động thái của Mỹ, các ngân hàng trung ương khác trước việc Trung Quốc giảm giá đồng CNY.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế: “Cần bớt lệ thuộc vào thương mại quá nhiều vào Trung Quốc”.

Việc điều chỉnh biên độ tỷ giá cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành của NHNN trong chính sách tỷ giá. Vì với việc nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá từ 1% lên 2% cho thấy vẫn giữ được cam kết của NHNN đầu năm là điều chỉnh tỷ giá năm nay không quá 2% nhưng biên độ giao dịch được nới rộng hơn.

Như vậy, VND có thể điều chỉnh lên hoặc xuống, tức là giao dịch trên thị trường lên hoặc là xuống trong biên độ 2% đó. Công cụ này cũng đã được các nước sử dụng trong thời gian vừa qua, kể cả Trung Quốc.

Tuy vậy, áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước. Vì vậy, NHNN tiếp tục theo sát thị trường, đặc biệt những thị trường có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam, nhất là Trung Quốc với nhiều chính sách khá bất ngờ trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là chúng ta cần làm là tạo sự cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không những với Trung Quốc mà cả các nước trong khu vực. Như vậy chúng ta có thể cân bằng hơn thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Về lâu về dài, chúng ta cần phải tái cấu trúc để bớt lệ thuộc thương mại quá nhiều với Trung Quốc.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ Tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng trước quyết định phá giá đồng CNY của PBoC, chúng ta cần xem lại một cách rất là kỹ lưỡng xác lập một tỷ giá như thế nào để cho tình trạng nhập siêu không lớn hơn nữa.

Việc nới lỏng biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái mà NHNN áp dụng sớm nay là bước đi phù hợp, vẫn giữ tỷ giá bình quân liên ngân hàng là không thay đổi, nhưng làm linh hoạt trong bối cảnh chúng ta còn nhập siêu với Trung Quốc.

Tuy vậy, NHNN cần theo dõi sát đồng CNY dài hơi hơn nữa. Trước hết, để xem Trung Quốc có đạt được mong muốn quốc tế hóa đồng CNY và trở thành đồng tiện dự trữ quốc tế không.

Phần còn lại của thế giới mà ở đây là Mỹ, Nhật và phương Tây sẽ phản ứng như thế nào trước việc đồng CNY mất giá nhiều như vậy. Đồng CNY yếu hơn giá trị thực hơn 20 năm qua đã tác động rất nhiều đến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật, các nước Châu âu. Chắc chắn thế giới sẽ có những phản ứng rất mạnh mẽ trước việc phá giá đồng CNY.

Tôi tin rằng đồng CNY có thể trong ngắn hạn có thể mất giá nhưng về lâu dài khoảng chừng 6 tháng trở lên sẽ quay đầu tăng giá. Với Việt Nam, chúng ta không chỉ xử lý vấn đề đơn lẻ với một đồng CNY của Trung Quốc mà xử lý trên một rổ tiền tệ đại diện cho các quốc gia có mối quan hệ tương tác về thương mại, đầu tư …để tính toán một cách đầy đủ hơn.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Vietcombank: “Thị trường đã biến động mạnh sau quyết định nới biên độ tỷ giá”

Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá USDVNĐ từ ±1% lên ±2%, thị trường liên ngân hàng biến động tương đối mạnh. Do đó, các NHTM cũng thực hiện điều chỉnh tỷ giá niêm yết theo thị trường để kịp thời cân đối nhu cầu cho các khách hàng.

Để phù hợp với diễn biến thị trường và đáp ứng nhu cầu khách hàng, Vietcombank đã điều chỉnh tỷ giá niêm yết USD/VND tăng khoảng 1% so với tỷ giá ngày 11/8.

Qua 4 lần điều chỉnh, hiện nay tỷ giá niêm yết USD/VND mua vào - bán ra của Vietcombank ở mức 21990 – 22060, xoay quanh mức giá bình quân liên ngân hàng. (Cụ thể 4 lần điều chỉnh: 21.960 - 21.040 đồng/USD; 21.990 – 21.090 đồng/USD; 22.000 – 22.070 đồng/USD; 22.000 – 22.060 đồng/USD).

Thực tế, quyết định điều chỉnh lần này của NHNN tạo thêm sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá USDVNĐ trước các biến động bất lợi trên thị trường quốc tế. Việc điều chỉnh này của NHNN có tác động tích cực đến xuất khẩu, hạn chế việc gia tăng thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc cũng như cán cân thương mại chung.

Thời điểm cuối năm là thời điểm cả cung và cầu ngoại tệ đều tăng mạnh. Cung từ các kênh xuất khẩu, kiều hối, vốn đầu tư. Cầu ngoại tệ cho nhập khẩu, thanh toán của các doanh nghiệp. Như đã nêu trên, cung ngoại tệ có khả năng tăng do điều chỉnh của NHNN có tác động tích cực đến xuất khẩu.

Với định hướng tỷ giá mục tiêu 2% và biên độ tỷ giá được nới rộng như hiện tại, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ hoạt động ổn định và hiệu quả.

Thực tế, Vietcombank vẫn mua ròng từ đầu năm đến nay, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của khách hàng. Do vậy, áp lực tỷ giá trong vòng 4 tháng từ nay tới cuối năm cũng sẽ như diễn biến các năm và có thể không đáng lo ngại sau việc điều chỉnh biên độ tỷ giá của NHNN.

Theo Bizlive

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến