Dòng sự kiện:
Cận cảnh những bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội
24/11/2017 13:40:42
Lần đầu tiên, Bảo tàng Hà Nội trưng bày 4 bảo vật, nhóm bảo vật quốc gia trong triển lãm "Bảo vật quốc gia Thăng Long - Hà Nội", kỷ niệm Ngày Di sản Việt Nam.

Trong số 12 hiện vật, nhóm hiện vật, Bảo tàng Hà Nội vinh dự lưu giữ 4 bảo vật quốc gia gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng; Chuông Thai Mai; Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ 16 của nghệ nhân Đặng Huyền Thông và Long đình gốm Bát Tràng thế kỷ 17.

Trống đồng Cổ Loa

Trống Cổ Loa thuộc hàng quý hiếm bởi kích thước lớn, hoa văn trang trí trên mặt và thân cầu kỳ. Chính giữa mặt trống là hình ngôi sao nổi 14 cánh, trang trí họa tiết lông công xen giữa các cánh. Băng hoa văn số 6 chia thành hai nửa giống nhau, mỗi nửa đều có khắc họa hình người hóa trang, mái nhà cong hình thuyền có chim đậu trên nóc, trong nhà có một cặp nam nữ ngồi đối diện nhau. Một đầu nhà có hình trống đồng đặt nghiêng, đầu kia có người ngồi co gối đánh trống, phản ánh lễ hội cầu mùa của cư dân nông nghiệp. Đặc biệt, đây là chiếc trống đầu tiên có minh văn (chữ khắc) được tìm thấy trong thành Cổ Loa.

Và bộ lưỡi cày đồng

Bộ sưu tập lưỡi cày đồng gồm 20 chiếc, có 3 kiểu chính là lưỡi cày hình tim, hình bầu dục và gần hình tròn. Trải qua hàng nghìn năm tuổi, những chiếc lưỡi cày màu xanh rỉ đồng có niên đại từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách đây 2000 - 2500 năm đã bị sứt mẻ, cong vênh phần nào.

Quả chuông Thanh Mai

Quả chuông này có niên đại năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, là 1 trong 10 kỷ lục Văn hóa Phật giáo Việt Nam năm 2006. Chuông có dáng hình trụ, miệng thẳng liền với thân. Thân chuông chia làm 4 khoang lớn, phân cách nhau bởi ba đường gờ nổi. Mỗi khoang chia làm hai ô. Ô trên là hình thang cân, ô dưới là hình chữ nhật. Trong lòng mỗi ô có khắc chữ Hán. Chuông có hai núm dùng để gõ chuông, hình tròn lồng trong nền cánh sen, đúc nổi trên thân chuông.

Quai chuông đúc nổi đôi rồng, đấu lưng vào nhau, uốn cong một cách khéo léo tạo thành núm treo chuông. Rồng quai chuông đơn giản, không vảy, đầu to, không bờm, miệng ngậm tỳ xuống đỉnh chuông. Đỉnh chuông được tạo theo hình chỏm cầu, đúc nổi bằng nhiều cánh sen kép và nhũ đinh. Có một đường gờ nổi chạy suốt mép đỉnh chuông.

Cây đèn gốm men lam xám thế kỷ 16 của tác giả Đặng Huyền Thông, một tượng nhân gốm tài hoa tiêu biểu ở thời Mạc.

Đèn có chiều cao 74,5 cm, gồm 2 phần rời lắp khớp lại. Hoa văn trang trí nổi ở phần thân và phần dưới chân đèn gồm hình rồng, vạch đứng song song, răng cưa, cánh sen, xen kẽ hình bông hoa 8 cánh nhọn, hình yên ngựa. Ngoài phần để mộc, phần còn lại được phủ men lam xám sẫm, có độ trong bóng và dày. Vai và thân trên của đèn phình ra, thân dưới eo. Chân đèn này là nguồn sử liệu quý giá, góp phần nghiên cứu lịch sử, văn hóa, Phật giáo Việt Nam thế kỷ 16.

Tòa long đình gốm Bát Tràng, một sản phẩm gốm thờ độc đáo của làng gốm Bát Tràng thế kỷ 17.

Long đình có cấu tạo gồm 3 phần liền nhau: mái, thân và chân đế. Đỉnh mái long đình tạo hình búp sen tròn đều, bốn mặt mái hình thang cân, các góc mái uốn cong, 4 đường gờ ghép mái tạo hình mây lửa tương tự vây lưng rồng. Thân long đinh tạo hình khối hộp chữ nhật với các góc kiểu cột vuông. Mặt trước có tường vây lan can như thu nhỏ bức tường trong thực tế... Chân đế long đình tạo hình khối hộp chữ nhật hai cấp, kiểu dáng tương tự chân đế lư hương chữ nhật.

Long đình là hiện vật có giá trị đặc biệt, góp phần nghiên cứu lịch sử nghề gốm cổ truyền Việt Nam.

Khách tham quan hứng thú với những bảo vật quốc gia lần đầu tiên được trưng bày

8 nhóm hiện vật còn lại của Hà Nội là: 82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Tượng Phật bà Quan Âm tại di tích chùa Đào Xuyên (Thánh Ân Tự) thôn Đào Xuyên (Đa Tốn, Gia Lâm); Bộ tượng Di đà Tam Tôn tại di tích chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) xã Sài Sơn (Quốc Oai); Tương phật thời Tây Sơn tại di tích chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) Thạch Xá (Thạch Thất); Pho tượng Trấn Vũ tại di tích đền Quán Thánh (quận Ba Đình); Pho tượng Trấn Vũ tại đền Trấn Vũ phường Thạch Bàn (Long Biên); Tượng thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tại di tích chùa Đậu (Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự) thôn Gia Phúc (Thường Tín) và Bức giá tượng (phù điêu) chạm khắc hình tượng đức Lạc Long Quân tại di tích đình Nội Bình Đà (Thanh Oai). Những hiện vật, nhóm hiện vật này đang được lưu giữ tại các di tích, được BTC giới thiệu bằng hình ảnh.

Cùng với đó là sự kiện Sở VHTT Hà Nội cho ra đời cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng Long Hà Nội” nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2017). Đây là một ấn phẩm có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần làm rõ những giá trị, kinh nghiệm bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa cách mạng hàng ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội.

Cuốn sách “Bảo vật quốc gia Thăng Long Hà Nội”

Theo ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Hà Nội trong những năm qua tuy có một số thành tựu nhưng còn bộc lộ một số khó khăn, thách thức không nhỏ.

Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1.185 di tích cấp quốc gia và 1.264 di tích cấp thành phố. Bên cạnh những giá trị về mặt kinh tế, vật chất, những di sản và bảo vật quốc gia hiện có tại Hà Nội đã và đang mang lại những giá trị về mặt tinh thần, văn hóa, tín ngưỡng vô cùng đặc sắc, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống nhiều đời nay cho chính quyền và nhân dân Thủ đô.

Mạnh Long

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến