Dòng sự kiện:
Cần lộ trình dài hơn cho xăng sinh học
10/06/2018 18:00:20
Gần đây, một số doanh nghiệp xăng dầu đã đưa ra một kiến nghị gây tranh cãi, đó là loại bỏ xăng khoáng RON 95 khỏi thị trường để chỉ kinh doanh xăng sinh học.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc sử dụng xăng sinh học có lợi vì ba nguyên nhân: (i) Về mặt kinh tế, sản xuất nhiên liệu sinh học có giá thành thấp; (ii) Về mặt xã hội, sản xuất nhiên liệu sinh học từ các chế phẩm nông nghiệp tạo thêm việc làm và giá trị gia tăng cho nông dân, công nhân; (iii) Về môi trường, sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học có thể giảm các tác động xấu tới môi trường.

Theo thống kê của Mạng lưới chính sách năng lượng tái tạo cho thế kỷ 21, tính đến năm 2011 đã có 31 quốc gia và 29 bang, thành phố bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học. Theo Cục Thông tin năng lượng Mỹ, 95% lượng xăng tiêu thụ tại Mỹ được pha ít nhất 10% ethanol. Tổ chức Năng lượng thế giới (IEA) đã đặt mục tiêu nhiên liệu sinh học sẽ giải quyết một phần tư nhu cầu năng lực giao thông của thế giới vào năm 2050.

Tuy sử dụng xăng sinh học là xu thế ngày càng phổ biến trên thế giới, nhưng theo chúng tôi, việc chuyển hẳn sang sử dụng xăng sinh học ở Việt Nam cần một lộ trình dài hơn.

Trên thực tế, bên cạnh những ưu điểm, không phải không có những quan ngại về tác động tiêu cực của việc sản xuất nhiên liệu sinh học, như tình trạng phá rừng để trồng nguyên liệu sản xuất ethanol thực tế đã diễn ra ở Brazil, sự đe dọa an ninh lương thực, gây thiếu hụt nguồn nước, giảm sự đa dạng sinh học... Thậm chí, một số loại nhiên liệu sinh học đời đầu còn phát thải nhiều khí nhà kính hơn cả nhiên liệu hóa thạch.

Quay lại với những nguyên nhân dẫn đến đề xuất loại bỏ xăng khoáng RON 95 khỏi thị trường, lập luận của Saigon Petro là do mức tiêu thụ xăng sinh học không được như kỳ vọng. Ai cũng biết hiện phần lớn người tiêu dùng mang tâm lý lo ngại xăng sinh học có những ảnh hưởng xấu chưa tiên lượng được, cũng như họ chưa có đủ độ tin cậy đối với các cơ sở pha chế xăng sinh học.

Nhưng theo chúng tôi, việc kinh doanh xăng sinh học đang gặp khó khăn chính từ sự tăng trưởng tiêu thụ quá nhanh của loại xăng này. Theo Petrolimex, nếu như lượng xăng E5 bán ra tại hệ thống phân phối của doanh nghiệp này chỉ chiếm chưa đầy 12% trong năm 2017 thì sang hai tháng đầu năm 2018, con số này đã tăng lên 42%.

Chính sự tăng trưởng đột ngột về cầu tạo ra cú sốc về giá nguyên liệu sản xuất xăng E5. Cụ thể, giá sắn - nguyên liệu chế tạo ethanol nhiên liệu - đã tăng từ 3.600 đồng/ki lô gam (tháng 6-2017) lên 5.600 đồng/ki lô gam (tháng 4-2018). Vì giá bán xăng đã được ấn định trong khi giá nguyên liệu tăng nên lợi nhuận của nhà sản xuất, nhà phân phối bị giảm.

Thêm nữa, hiện chỉ một doanh nghiệp độc quyền cung cấp nguyên liệu sản xuất xăng sinh học nên nếu sắp tới chuyển sang bán duy nhất loại xăng này thì giá nguyên liệu đầu vào sẽ tăng, càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, việc chuyển sang bán một loại xăng sinh học cũng kéo theo nhiều chi phí chuyển đổi cơ sở vật chất. Đây sẽ là một khoản chi thêm đáng kể đối với những doanh nghiệp nhỏ.

Như vậy, cần có một lộ trình chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng xăng sinh học. Theo chúng tôi, trong quá trình chuẩn bị, Nhà nước có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu để gia tăng nguồn cung trước. Việc này cần thực hiện cẩn trọng theo tiêu chí bền vững để tránh tác hại ngược tới môi trường, nguồn nước và an ninh lương thực.

Mặt khác, các nhóm bị ảnh hưởng cũng cần có thời gian thích nghi: các nhà sản xuất, phân phối xăng cần một sự chuẩn bị chuyển đổi cơ sở vật chất, hạ tầng logistics để thích nghi; nhà sản xuất phương tiện giao thông cần được khuyến khích đưa ra những thiết kế hoặc những thuyết minh về sự tương thích của sản phẩm với nhiên liệu sinh học; khách hàng cần thời gian để thay đổi tư duy và hành vi tiêu dùng.

Điều quan trọng nhất là việc xây dựng một thị trường xăng dầu đa dạng sản phẩm và cạnh tranh cả về giá cả lẫn chất lượng. Khi đã có sự cạnh tranh lành mạnh, Nhà nước có thể giảm bớt mức độ kiểm soát để giá xăng dao động theo thị trường hoặc theo biên độ quy định. Chỉ một thị trường cạnh tranh mới bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo Thesaigontimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến