Bỏ room tín dụng, xóa bỏ cơ chế xin - cho
Nói về vấn đề room tín dụng, TS. Phạm Xuân Hoè - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho rằng, công cụ này hiện đang gây ra một số vấn đề như vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng loạt người mua nhà bị chủ đầu tư phạt do chậm nộp tiền... Do đó, về mặt pháp lý, sớm hay muộn NHNN cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.
Hơn 10 năm trước, từ năm 2011, hạn mức tín dụng được NHNN sử dụng vì tăng trưởng nóng dẫn đến lạm phát cao. Không phủ nhận hiệu quả của công cụ này trong khoảng thời gian đó, nhưng 11 năm liền công cụ hạn mức tín dụng được NHNN sử dụng như “chiếc vòng kim cô” đối với các ngân hàng.
Đến nay, sau hơn một thập kỷ, Việt Nam đã liên tục kiểm soát tốt lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. COVID-19 hoành hành trong suốt 2 năm 2021 - 2022, tăng trưởng kinh tế chỉ trên 2%, sản xuất kinh doanh gần như ngưng trệ nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng trên 12% mà lạm phát không xảy ra. Tám tháng đầu năm nay lạm phát cũng không xảy ra, hay nói cách khác, sức ép từ chính sách tiền tệ đến lạm phát không quá lớn.
Công cụ hạn mức tín dụng tồn tại nhiều bất cập, tạo cơ chế xin - cho.
“Hơn nữa, bây giờ chúng ta không có bong bóng bất động sản, chứng khoán. Trong khi đó, nhu cầu vốn đang rất cần cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế để phục hồi thì hạn mức tín dụng được kiểm soát quá chặt chẽ gây cản trở nỗ lực phục hồi kinh tế. Vì thế, theo tôi, cần gỡ bỏ room tín dụng”, Tiến sĩ Hòe nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng room tín dụng là công cụ hành chính, tạo cơ chế xin - cho, tạo môi trường bất bình đẳng cho các ngân hàng thương mại và ảnh hưởng đến nguồn vốn phát triển của các doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Bùi Trinh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam cũng đã đến lúc loại bỏ bởi đây là một công cụ hành chính dễ phát sinh tiêu cực. “Không chỉ riêng quy định về room tín dụng mà ngay cả ở các quy định khác, có quy định hành chính thì sẽ có phát sinh tiêu cực”.
Không phủ nhận công cụ này đã từng phát huy tác dụng ở một thời điểm trong quá khứ. Nhưng đến hiện tại, ông cho rằng công cụ này không còn tỏ ra hiệu quả khi NHNN thực hiện để kiểm soát các ngân hàng thương mại. "Giới hạn room tức là giới hạn việc cho vay, mà lãi gộp nói chung của cả ngành ngân hàng phục thuộc vào lãi từ việc chênh lệch giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay, room tín dụng chẳng khác nào công cụ giới hạn lại gộp của ngành ngân hàng".
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vừa trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, thêm nữa là khoảng nửa năm thắt chặt tín dụng, thị trường của ngân hàng là các doanh nghiệp đã rút ra được nhiều bài học và có sự thanh lọc nhất định, các dự án có vấn đề hầu như đã bị thanh lọc, ở góc nhìn tích cực trên thị trường hiện chỉ còn chủ đầu tư uy tín, dự án tốt. Việc bỏ room tín dụng sẽ là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Bùi kiến Thành cũng cho rằng NHNN mở thêm room tín dụng cho một số ngân hàng tốt là điều cần làm sớm.
"Nhưng theo tôi, chúng ta nên bỏ hẳn room tín dụng chứ không riêng gì một vài ngân hàng. Bởi việc quy định room tín dụng sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu đó là tiền lệ xin, cho, dẫn đến hối lộ, đút lót đối với những doanh nghiệp có nhiều quan hệ, chịu chi, mà việc này đã từng xảy ra trong lịch sử. Đối với ngân hàng phải làm việc thông thoáng để tránh những hiện tượng tiêu cực, việc làm tiêu cực, như thế là rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Và như vậy sẽ bóp chết những doanh nghiệp, những lĩnh vực hoạt động hiệu quả, đang phát triển", ông nói.
Các công cụ thay thế ưu việt hơn
Mặt khác, Tiến sĩ Hòe cho rằng NHNN đang có trong tay nhiều công cụ khác để thay thế nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và cũng thể hiện định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường.
"NHNN hoàn toàn có thể sử dụng công cụ gián tiếp là tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bằng cách tăng tỷ lệ này lên 5%, thậm chí 10%. Khi tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa nhốt tiền ở tài khoản của các tổ chức tín dụng tại NHNN, làm các ngân hàng giảm đi đáng kể nguồn vốn để gia tăng tín dụng ra nền kinh tế, giảm hệ số nhân tiền", Tiến sĩ cho hay.
Bên cạnh đó, qua công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) mua bán giấy tờ có giá hằng ngày, NHNN có thể đưa ra loại tín phiếu bắt buộc các ngân hàng thương mại phải mua theo kỳ hạn, có thể có mức lãi suất hỗ trợ để không bị lỗ lớn do huy động được vốn mà không được cho vay ra.
Đây là một công cụ vừa có tính thị trường, vừa hành chính, cũng rất mạnh khi muốn “nhốt tiền” huy động của ngân hàng thương mại để không thể mở rộng tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Bùi kiến Thành cho rằng, NHNN có vai trò theo dõi nền kinh tế từng ngày để xem nền kinh tế phát triển thế nào, xem hệ thống các ngân hàng làm việc ra sao, đồng thời theo dõi hoạt động của các doanh nghiệp từng ngày xem nó có những khó khăn gì. Mỗi ngày theo dõi nền kinh tế và các thông tin để điều tiết lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế như thế nào để không nhiều quá mà gây ra lạm phát, không ít quá để dẫn đến thiểu phát, để nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững.
Đối với các lĩnh vực cho vay, ông Thành cho rằng, cần phải xem xét doanh nghiệp nào hoạt động tốt, hiệu quả để cho vay, doanh nghiệp nào hoạt động không hiệu quả, không tốt thì không cho vay chứ không phải cho vay lĩnh vực này, không cho vay lĩnh vực kia. Chẳng hạn, trong lĩnh vực bất động sản thì có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt, nhưng cũng có những doanh nghiệp hoạt động không tốt. Doanh nghiệp sản xuất cũng vậy, không phải tất cả đều hoạt động tốt hoặc đều hoạt động kém hiệu quả. Nếu một doanh nghiệp hoạt động tốt thì phải có các chương trình hoạt động tốt, có kế hoạch sản xuất, có thị trường nội địa ổn định, đơn hàng xuất khẩu ổn định thì ngân hàng nhà nước và các ngân hàng cần triển khai cho vay vốn để họ sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu về các sản phẩm của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài.
Hiện nay chúng ta cũng có hơn 30 ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước cũng đã lựa chọn để nới room tín dụng. Tôi cho rằng, nếu nhà nước thẩm định ngân hàng hoạt động tốt, tìm doanh nghiệp tốt, nghiên cứu các dự án của doanh nghiệp có tính khả thi cao, dự án nào đáng cho vay, cần được vay, khả thi thì sẽ cho vay thì nên mở rộng.
Trước đó, trong phiên chất vấn Quốc hội hồi tháng 6, nhiều Đại biểu quốc hội đã chất vấn việc cấp hạn mức tín dụng có phải là thiệp vào hoạt động của ngân hàng.
Nổi bật có chất vấn của Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), hỏi răng nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp là khá cao, nhưng nhiều ngân hàng hết hạn mức tín dụng. Nhiều nhà băng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nới hạn mức tín dụng.
Ngoài đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại, rằng cơ chế này có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không, ông còn đặt câu hỏi, việc này có mang tính hành chính không và khi nào bỏ được việc phân bổ này.
Theo ông, cơ chế cấp hạn mức tín dụng này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay. Nếu cơ chế bất cập thì "có nên thực hiện thời gian tới nữa hay không? Không biết trên thế giới còn nước nào cấp quota như Việt Nam hay không.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, đặc thù của nền kinh tế Việt Nam là vốn đầu tư phụ thuộc lớn vào nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Hiện, vốn tín dụng trên GDP đang ở mức 124% và theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong số quốc gia có tỷ lệ này cao nhất thế giới.
Chính vì tỷ lệ cao như vậy, khi có biến động trên thế giới, doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng ngay tới hệ thống ngân hàng. Do đó, Thống đốc cho rằng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng là cần thiết bởi nếu như ngân hàng gặp vấn đề, mất khả năng chi trả sẽ gây hệ lụy tới nền kinh tế.
Mặt khác, theo đánh giá của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ khi áp dụng việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào năm 2011, đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng hoạt động ổn định trở lại. "Trước đây khi không kiểm soát hạn mức tín dụng, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, lên tới 30-53,8%, tạo ra những cuộc đua lãi suất để huy động nguồn tiền cho vay", Thống đốc cho hay.
Trước quan điểm cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn hỗ trợ, Thống đốc nhận xét, ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều. Nhưng nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì Việt Nam sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay. Vì vậy, Thống đốc cũng mong muốn thị trường vốn phát triển, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay trung, dài hạn trên thị trường; còn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ phục vụ ngắn hạn đáp ứng nhu cầu vốn lưu động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi đó, áp lực đối với việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ bớt đi.
Tác giả: Phạm Duy - Công Hiếu
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy