Dòng sự kiện:
Cẩn trọng khi dùng thẻ tín dụng, lãi suất cao hơn tín dụng đen
26/05/2019 12:01:03
Nợ trả rồi vẫn bị tính lãi và khoản tiền sử dụng tiếp sau đó mặc dù chưa đến kỳ hạn cũng bị tính lãi. Đây là TH của một khách hàng ở TP HCM vừa bị Ngân hàng HSBC VN tính lãi tới gần 650%/tháng/số tiền chưa trả nợ.

Ngân hàng này cảnh báo, người dùng thẻ tín dụng nên dành thời gian đọc và hiểu tất cả các chính sách của các tổ chức phát hành thẻ.

Trao đổi với Báo Thanh Tra, anh Phan Khánh (làm ngành Tài chính ở TP HCM), một khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng mở tại Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết mình, bị “sốc” với cách tính lãi suất tại ngân hàng này trong giao dịch phát sinh gần đây.

Trả nợ rồi vẫn bị tính lãi

Anh Khánh cho biết, trong tháng 4, anh đã sử dụng số tiền là 100,4 triệu đồng thanh toán thẻ tín dụng, và kỳ hạn trả trước 16/5 (không bị tính lãi). Ngày 7/5, Anh Khánh trả ngân hàng 100 triệu đồng còn nợ ngân hàng 400.000 đồng

“Đến ngày 21/5, tôi sao kê thì tá hỏa vì lãi đến gần 3 triệu đồng, gấp 7,5 lần số tiền gốc tôi còn nợ là hơn 400 ngàn đồng, nghĩa là lãi tới gần 650%/tháng”, anh Khánh cho biết.

Sau đó, anh gọi lên Ngân hàng HSBC Việt Nam, đồng thời đến ngân hàng khiếu nại. 

Phía ngân hàng giải thích là tiền lãi tính luôn hơn 104 triệu đồng và cộng với 27 triệu đồng quẹt thẻ sau đó (kỳ hạn của 27 triệu đồng này đến giữa tháng 6 mới phải trả).

“Tại sao khoản tiền 100 triệu đồng đã trả và 27 triệu chưa đến hạn cũng bị tính lãi?”, anh Khánh đặt vấn đề với phía HSBC. Phía ngân hàng này cho biết, khi mở thẻ có hợp đồng và cách tính lãi cũng được đề cập.

Đã trả ngân hàng 100 triệu, anh Khánh vẫn phải trả lãi cho khoản tiền này

Chiều ngày 23/5, trả lời Báo Thanh tra về những vấn đề trên, đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, các chính sách thanh toán thẻ tín dụng của ngân hàng này được công bố minh bạch và công khai trên trang web của ngân hàng và trên hợp đồng dịch vụ giữa người dùng thẻ và ngân hàng. Hằng tháng, người dùng thẻ cũng nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng và tầm quan trọng của việc thanh toán dư nợ đầy đủ.

Cách tính trả chậm cũng có trên web, những điều khoản về trả chậm cũng thể hiện cụ thể trong hợp đồng.

Đồng thời đại diện ngân hàng này cũng cảnh báo, người dùng thẻ tín dụng nên dành thời gian đọc và hiểu tất cả các chính sách của các tổ chức phát hành thẻ.

Anh Khánh cũng cho rằng, nếu căn cứ theo hợp đồng thì khẳng đình ngân hàng không sai, tuy nhiên những điều khoản trong hợp đồng rất dài như mê trận, từ ngữ rất khó hiểu, cách tính rất phức tạp.... “Mình làm trong ngành Tài chính gần 20 năm vậy mà còn không biết và hiểu hết quy định, vậy người không thuộc ngành này thì sẽ bối rối thế nào". Và anh cũng cho rằng, việc tính lãi như vậy là đẩy thế khó cho khách hàng.

Anh Khánh cũng cho biết thêm, một số sale ngân hàng đã chia sẻ với anh, thực ra điều khoản đó trong hợp đồng có, nhưng không sale nào dám nói với khách hàng vì sợ mất khách, vì không khách nào chấp nhận tôi đã trả tiền cho ngân hàng, nhưng vẫn bị tính lãi.

Một khách hàng của Ngân hàng HSCB Việt Nam, chị N.T.M ở Tân Bình đang sử dụng thẻ tín dụng cũng cho biết, khi mở thẻ, thì việc tính lãi khi quá hạn, nhân viên ngân hàng chỉ nói chung chung, chứ không nói cụ thể tính lãi như thế nào.

“Trước giờ mình chỉ hiểu là nợ còn nhiêu thì mình trả lãi trên phần đó, lần đầu tiên mới biết nợ chưa trả hay trả rồi cũng bị tính hết, còn hơn cả cho vay nặng lãi nữa”, anh Khánh chia sẻ.

Có thể phản ánh lên Thanh tra Giám sát ngân hàng

Ngày 24/5, Báo Thanh tra đã nêu vấn đề trên với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM. Ông Minh hướng dẫn, vấn đề này có thể gửi văn bản phản ánh lên Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng.

Ông Minh cũng cho biết thêm, hiện nay, về lãi suất NHNN chỉ quản lý hai loại, đó là lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất tiền vay cho 5 lĩnh vực ưu tiên. “Còn về lãi suất khi sử dụng thẻ tín dụng, và những lãi suất khác là do các ngân hàng tự quy định, tự thỏa thuận với khách hàng”, ông Minh nêu rõ.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo thông lệ chỉ có thể tính theo số dư còn lại trên thực tế, chứ không thể nào tính trên tổng số tiền phát sinh trong kỳ. Kể cả khách hàng thanh toán sau kỳ ân hạn thì ngân hàng cũng chỉ được tính lãi theo số dư nợ thực tế. Như vậy, nếu vị khách trên đã trả tiền 100 triệu đồng trong kỳ ân hạn thì không bị tính lãi.

Đồng quan điểm, luật sư, chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín cũng cho rằng, cách tính lãi của HSBC Việt Nam là không hợp lý, vì trên thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng không tính lãi phần tiền khách hàng đã trả trong tổng số tiền phát sinh (trong kỳ hạn), mà chỉ tính lãi trong phần tiền dư nợ thực tế (ngoài kỳ hạn), và tính thế này mới hợp lý cho khách hàng.

Ông Tín cho rằng, tính như ngân hàng này thì dù khách hàng thanh toán thiếu 1.000 đồng cũng sẽ bị tính lãi cho tổng số tiền phát sinh trong tháng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lần chuyển đổi ngoại tệ trên thẻ tín dụng người dùng cũng sẽ phải chịu một mức lãi suất gọi là phí chuyển đổi ngoại tệ dao động từ 2 - 4% tùy vào quy định hiện hành của từng ngân hàng.

Gần đây, các công ty tài chính, các NH hoạt động trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng liên tục mời chào khách hàng mở thẻ tín dụng, với thủ tục nhanh gọn.... Tuy nhiên, qua sự việc trên, khách hàng cần cẩn trọng khi dùng những dịch vụ này, tránh rủi ro về sau.

Theo báo Thanh Tra

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến