Dòng sự kiện:
Cẩn trọng với xu hướng chứng khoán ngắn hạn
29/11/2021 11:43:53
Các đơn vị phân tích cho rằng việc thị trường điều chỉnh khi VN-Index chạm mốc 1.500 điểm là bình thường, tuy nhiên nhà đầu tư nên thận trọng với xu hướng ngắn hạn.

Thị trường chứng khoán phiên cuối tuần qua chịu áp lực điều chỉnh lớn sau khi chỉ số cán mốc tâm lý 1.500 điểm và áp lực từ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới, điểm tích cực là mức giảm phiên gần nhất nhẹ hơn so với thị trường khu vực cho thấy tâm lý nhà đầu tư không hoảng loạn.

Tính chung một tuần từ 22-26/11, VN-Index vẫn biến động khá tích cực khi có phiên chạm được ngưỡng kháng cự cứng 1.500 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số chính đứng ở mức 1.493 điểm, tương ứng tăng gần 41 điểm (2,8%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng tăng 4,66 điểm (1%) lên 458,6 điểm và UPCoM-Index tăng 1,1 điểm (1%) lên 114,3 điểm.

Điểm đáng chú ý là dòng tiền tiếp tục ở lại nhóm cổ phiếu nhỏ chứ chưa rút ra khỏi thị trường, thậm chí ở sàn UPCoM vẫn còn 80 cổ phiếu chốt ở mức giá trần.

Giao dịch ở nhóm vốn hóa lớn cũng dần tích cực hơn khi nhóm VN30 có đến 21 mã tăng trong tuần vừa qua, chủ yếu do sự bứt phá của cổ phiếu ngân hàng liên quan đến thông tin chốt room tín dụng đối với một số nhà băng. Ngược lại cổ phiếu ngành dầu khí chịu áp lực điều chỉnh lớn nhất.

Thanh khoản thị trường có phần giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân giảm khoảng 8% về mức 39.719 tỷ đồng/phiên, trong đó giá trị khớp lệnh giảm 10,6% xuống 36.816 tỷ đồng/phiên.

Giao dịch của khối ngoại là điểm trừ của thị trường tuần giao dịch vừa qua. Dòng vốn ngoại mua vào 188 triệu cổ phiếu với trị giá 8.678 tỷ đồng, trong khi bán ra 276 triệu cổ phiếu có trị giá 11.848 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 87,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán đến 3.170 tỷ đồng, gấp 2,7 lần tuần trước đó.


VN-Index lập đỉnh và vuột mất mốc 1.500 điểm trong tuần 22-26/11. Đồ thị: TradingView.

Bước sang tuần mới, chứng khoán trong nước đang đứng trước áp lực rất lớn từ thông tin thị trường tài chính toàn cầu chao đảo vì biến thể Covid-19 mới Omicron, giá các tài sản đầu tư phần lớn lao dốc mạnh.

Theo Chứng khoán MBS, nếu không do thông tin từ biến chủng Covid-19 mới thì việc thị trường trong nước giảm trong phiên cuối tuần cũng tương đối bình thường sau phiên vượt đỉnh 1.500 điểm.

Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ đã nỗ lực ngăn không cho thị trường có phiên giảm sâu bất chấp áp lực bán ròng khá lớn từ khối ngoại. Bên cạnh đó, tín hiệu khả quan từ nhóm smallcap cho thấy khả năng cao là dòng tiền sẽ tiếp tục ở lại nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ.

AseanSC cho rằng phiên giảm điểm nhẹ cuối tuần diễn ra trong bối cảnh thông tin về biến thể Covid-19 mới tại Nam Phi tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Điểm tích cực là dòng tiền bắt đáy vẫn luôn thường trực, qua đó giúp thị trường không bị giảm quá sâu.

Theo đó các chuyên gia này dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần này VN-Index hồi phục trở lại lên khoảng 1.495-1510 điểm nhờ lực cầu tại vùng hỗ trợ gần. Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index có thể sẽ thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày.

KB Việt Nam nhận định áp lực chốt lời sau nhịp tăng mạnh cùng với việc hình thành mẫu nến engulfing tiêu cực khiến chỉ số đang phải đối mặt với rủi ro mở rộng thêm nhịp điều chỉnh trong những phiên tới, xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.480 và sâu hơn là 1.460.

Sau khi tạm đóng các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục, nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ kê mua lại một phần tỷ trọng khi giá cổ phiếu mục tiêu quay xuống các vùng hỗ trợ mạnh.

Chứng khoán Rồng Việt dự báo VN-Index sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.480 - 1.490 điểm. Do vậy nhà đầu tư tạm thời nên chậm lại và chờ tín hiệu tại vùng hỗ trợ 1.480 - 1.490 để đánh giá lại trạng thái thị trường; đồng thời nên giữ danh mục ở mức cân bằng, tránh ở mức quá mua để tránh rủi ro bất ngờ.

Yuanta Việt Nam cũng đưa quan điểm khá thận trọng khi cho rằng thị trường có thể bị điều chỉnh ở phiên giao dịch đầu tuần và mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index là 1.459 điểm. Chỉ báo tâm lý giảm trong vùng bi quan cho thấy tâm lý ngắn hạn vẫn còn rất thận trọng với xu hướng ngắn hạn và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Tác giả: Huy Lê

Theo: Zing News
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến