Dòng sự kiện:
Căng thẳng Australia - Trung Quốc năm 2021: Đối đầu nhiều hơn đối thoại
30/12/2021 08:55:19
2022 sẽ đánh dấu kỷ niệm 50 năm Australia thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng mối quan hệ này đã nhanh chóng xấu đi trong suốt 1 năm qua.

Đối đầu trở thành “trạng thái bình thường mới”

2021 là một năm đầy căng thẳng trong quan hệ giữa Australia và Trung Quốc, bắt đầu từ việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cử một phái đoàn tới Vũ Hán để điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 theo yêu cầu của nhiều quốc gia, trong đó có Australia và khép lại với việc Canberra quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh.

Ảnh minh họa: Reuters

Ngoài ra còn có những vấn đề nhức nhối khác liên quan đến thương mại và an ninh, chẳng hạn như Australia đệ đơn khiếu nại việc Trung Quốc áp thuế chống bán phá giá với rượu vang của nước này lên Tổ chức Thương mại Thế giới và Bắc Kinh cũng thực hiện động thái tương tự vài ngày sau đó.

Các cuộc tiếp xúc cấp bộ trưởng giữa hai quốc gia đã bị đình chỉ. Tranh chấp thương mại không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu rượu vang mà còn các mặt hàng khác của Australia như lúa mạch, tôm hùm, thịt bò và than đá. Việc Australia nhất trí thành lập liên minh AUKUS với Mỹ và Anh được nhiều người xem là động thái nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một cuộc thăm dò dư luận cho biết, niềm tin đối với Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục tại Australia. Hơn 60% số người được khảo sát cho biết, họ xem Bắc Kinh như một mối đe dọa an ninh hơn là đối tác kinh tế.

Tiến sĩ Pichamon Yeophantong - một nhà khoa học về chính trị và là chuyên gia về Trung Quốc tại UNSW Canberra mô tả quan hệ song phương đang rơi vào “vòng xoáy tử thần”, còn nhà nghiên cứu Ye Xue thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) cho rằng sự đối đầu giữa hai nước có thể trở thành một trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, Jennifer Hsu –nhà nghiên cứu tại Viện Lowy lưu ý việc bổ nhiệm đại sứ mới của Trung Quốc tại Australia có thể là cơ hội tốt nhất để từng bước tháo gỡ bất đồng.

Hiện, 2 công dân Australia là nhà văn Yang Hengjun và nhà báo Cheng Lei - vẫn bị Trung Quốc giam giữ với cáo buộc làm gián điệp và “vi phạm an ninh quốc gia”. Vẫn chưa rõ thời điểm họ sẽ được thả. Đánh giá về vấn đề này, bà Jennifer Hsu cho rằng: “Đó là cái giá phải trả về mặt con người do tác động của những căng thẳng trong quan hệ song phương”.

Hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã thả hai công dân Canada là Michael Spavor và Michael Kovrig - sau khi giám đốc điều hành tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu được trả tự do sau thời gian dài bị quản thúc tại Canada. Một số nhà quan sát coi đây là “chính sách ngoại giao con tin”, song cho rằng họ vẫn chưa nhìn thấy bất cứ tia hy vọng nào đối với 2 công dân Australia nói trên.

Căng thẳng tiếp tục leo thang vào đầu tháng 12 khi Australia đã cùng với Mỹ và một số quốc gia khác quyết định tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa Đông 2022 tại Bắc Kinh nhằm phản đối các hành động liên quan đến nhân quyền của Trung Quốc. Trung Quốc ngay lập tức chỉ trích quyết định này, đồng thời cho biết, Mỹ, Australia và Anh “sẽ phải trả giá cho các hành vi sai trái của mình”.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Jennifer Hsu cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tận dụng sự kiện này để thay đổi nhận thức của thế giới đối với họ và thể hiện “họ là một người bạn với thế giới thông qua các sự kiện thể thao”.

“Thế vận hội là cơ hội để Trung Quốc chứng minh rằng nước này không phải là một quốc gia gây hấn và có thể tổ chức các trận đấu một cách an toàn, thân thiện”.

Một điểm lùi khác trong quan hệ song phương là việc chính phủ Australia hủy bỏ các thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường mà chính quyền bang Victoria ký kết với Trung Quốc. Đây được coi như đòn giáng mạnh vào tham vọng của Bắc Kinh nhằm mở rộng sức ảnh hưởng về kinh tế và chính trị thông qua các kế hoạch đầu tư hao tiền tốn của.

Tiến sĩ Pichamon Yeophantong - một nhà khoa học về chính trị và là chuyên gia về Trung Quốc tại UNSW Canberra nhận xét rằng, việc hủy bỏ các thỏa thuận nói trên không chỉ làm dấy lên nhiều cuộc tranh cãi nội bộ ở Australia mà còn gây căng thẳng thực sự cho Trung Quốc bởi Sáng kiếnVành đai-Con đường được coi là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch Tập Cận Bình và rất quan trọng với chính phủ Trung Quốc”.

Điều gì sẽ xảy ra trong năm 2022?

Bất chấp tảng băng lớn hình thành trong quan hệ song phương trong năm 2021, một số nhà phân tích cho rằng, việc Trung Quốc bổ nhiệm ông Xiao Qian làm đại sứ mới của nước này tại Australia có thể mang đến những thay đổi tích cực hơn. Ông Xiao Qian là người có quan điểm ôn hòa, từng làm Đại sứ Trung Quốc tại Hungary, tại Indonesia và đảm nhận nhiều chức vụ liên quan đến các vấn đề châu Á và Bán đảo Triều Tiên trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Xiao Qian được Trung Quốc đề cử giữ chức Đại sứ tại Australia. Ảnh: The Australian.

“Quyết định bổ nhiệm đại sứ mới cho thấy Trung Quốc đang dần xa rời chính sách ngoại giao chiến lang và quan hệ giữa nước này với Australia có thể sẽ dễ thở hơn. Có lẽ đây là cơ hội để Australia xây dựng lại mối quan hệ”, chuyên gia Hsu nhận định.

Một vấn đề khác có thể tác động đến quan hệ song phương là cuộc bầu cử liên bang tại Australia năm 2022. Chuyên gia Yun Jiang thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét: “Cuộc bầu cử này sẽ quyết định liệu Australia sẽ có một chính phủ mới hay chính phủ đương nhiệm vẫn tiếp tục nắm quyền. Điều đó sẽ làm thay đổi cách xử lý mối quan hệ”.

Bà lưu ý, dù các chính sách có thể giữ nguyên nhưng phe đối lập nhiều khả năng sẽ thay đổi cách chúng được thực thi và những diễn biến mới có thể mở ra cơ hội cho Trung Quốc để tương tác với Australia theo đường hướng khác./.

Tác giả: Hồng Anh

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến