Cảnh báo xu hướng trẻ hóa tội phạm vị thành niên
07/11/2014 10:55:44
ANTT.VN – Mục đích xử lý tội phạm vị thành niên là nhằm giáo dục, giúp đỡ các em có cơ hội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân tốt cho xã hội. Điều kiện tiên quyết vẫn là sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Tin liên quan

Những con số báo động

6 năm trở lại đây, mỗi năm nước ta có trên 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng là trẻ vị thành niên phạm tội. Đây là con số đáng báo động về tình hình trẻ hóa tội phạm vị thành niên. Theo Ban chỉ đạo Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên”, từ năm 2007 đến hết 2013, toàn quốc phát hiện gần 63.600 vụ, gồm hơn 94.300 em vi phạm pháp luật hình sự. Vụ án do người chưa thành niên gây ra chiếm gần 20%. Trẻ chưa thành niên phạm tội ở nhiều nhất là trộm cắp tài sản.

Gần đây nhất, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC 50) Công an thành phố Hà Nội, ngày 5/11, đơn vị vừa triệt phá ổ nhóm chuyên nhắn tin lừa đảo trúng thưởng qua các trang mạng xã hội. Các đối tượng đều đang ở tuổi vị thành niên. PC 50 đã tiến hành điều tra và phát hiện hàng chục đối tượng thanh niên thường xuyên tụ tập tại các quán Internet công cộng, mở hàng trăm tài khoản trên các mạng xã hội như Twoo, Beetalk, Facebook…  Các tài khoản này sẽ dùng để gửi tin nhắn giả trúng thưởng tới các nạn nhân.

canh-bao-tinh-trang-pham-toi-tre-vi-thanh-nien1

Nhóm đối tượng vị thành niên thực hiện hành vi gửi tin nhắn lừa đảo

Thủ đoạn của chúng là lừa những nạn nhân mua thẻ nạp của các nhà mạng để đóng phí làm hồ sơ nhận giải và các phí liên quan khác. Khi nhận được thẻ nạp, chúng lại tiếp tục lấy lý do để nạn nhân tiếp tục nạp thêm thẻ.

Cũng trong ngày 5/11, Công an TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) vừa ra quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam Lê Ngọc Tân (17 tuổi) và Đào Văn Diệp (19 tuổi) cùng trú ở thôn Đông Bình, xã Hòa An, huyện Phú Hòa về tội cướp giật tài sản.

Theo kết quả điều tra cho thấy, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 10/2014, trên địa bàn TP Tuy Hòa đã xảy ra nhiều vụ cướp giật tài sản trên đường phố. Đối tượng điều khiển xe máy từ phía sau ép sát những phụ nữ đi đường để cướp giật túi xách tay, điện thoại. Đối tượng Diệp khai nhận đã điều khiển xe máy nhãn hiệu Jupiter BKS 51M3-5902 chở Tân vòng vèo trên đường phố ở nội thành Tuy Hòa để tìm cơ hội “ăn bay” tài sản của người đi đường.

Đâu là nguyên nhân?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ vị thành niên làm trái pháp luật. Gia đình luôn có vai trò quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Giáo dục gia đình tác động mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách. Những ảnh hưởng tiêu cực từ phía gia đình như: sự thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống, gia đình không hòa thuận, không tôn trọng lẫn nhau, một số thành viên trong gia đình sống buông thả, rượu chè, cờ bạc, thậm chí phạm tội, đã tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động của thanh, thiếu niên.

canh-bao-tinh-trang-pham-toi-tre-vi-thanh-nien

Gia đình là cái nôi giáo dục nhân cách cho mỗi người

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Đức (Học viện Cảnh sát nhân dân): “Những người phải chứng kiến cảnh bạo hành trong gia đình từ khi còn nhỏ thì khi lớn lên người ấy dễ mang tính bạo lực và sẽ dẫn đến có những hành vi lệch chuẩn. Sự ảnh hưởng này dẫn đến tư tưởng giải quyết mâu thuẫn bằng hành vi bạo lực, đặc biệt ở nhóm đối tượng là thanh niên, đã từng chứng kiến hành vi phạm tội và hành vi bạo lực trong gia đình”.

Sự tan vỡ gia đình dẫn đến các em ít được quan tâm, nhiều em bị dụ dỗ, lôi kéo, bị cuốn sa ngã vào con đường phạm tội. Những em thiếu sự quan tâm của bố mẹ sẽ dễ bị lôi kéo vào các hoạt động phạm pháp.  Hoặc các em sẽ dễ tái phạm tội nếu sau khi hết thời gian giáo dục cải tạo về địa phương mà không được quan tâm, quản lý.

Một thực tế không thể phủ nhận được là sự tác động hai mặt của việc bùng nổ công nghệ thông tin. Rất nhiều học sinh bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của “quán net” của các trò chơi điện tử trên mạng, chểnh mảng học tập. Các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, đẫm máu tràn lan trong thế giới game một phần tác động đến tâm lý trẻ vị thành niên. Nhiều “băng cướp nhí” vì thiếu tiền chơi game, hoặc phát sinh mâu thuẫn sẵn sàng có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản.

Sự buông lỏng quản lý, chưa phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc quản lý giáo dục, phương pháp giáo dục chưa sâu sát. Một số gia đình còn nuông chiều con cái để chúng ăn chơi đua đòi, giao lưu với kẻ xấu, sống buông thả, sa ngã vào con đường phạm tội. Chính sự giáo dục của gia đình, xã hội - điều kiện tiên quyết để loại trừ những thói hư tật xấu trong mỗi con người, là cái nôi hình thành ý thức cá nhân.

Mục đích xử lý tội phạm chưa thành niên là nhằm giáo dục, giúp đỡ các em có cơ hội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân tốt cho xã hội. Vì vậy đối với trẻ vị thành niên phạm tội có thể miễn trách nhiệm hình sự và đưa về gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục nếu người chưa thành niên phạm tội ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Nếu trẻ thực hiện các hành vi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng, tái phạm hoặc trẻ không có nơi cư trú nhất định có thể xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

 

Thu Thủy

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến