Bộ GTVT hiện đang triển khai lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) các dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, lựa chọn nhà đầu tư cho dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đây là các dự án thuộc giai đoạn I (654/727 km của đường cao tốc Bắc - Nam). Trong số này có 603 km được nghiên cứu triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tổng đầu tư ước tính khoảng hơn 106 ngàn tỉ đồng, trong đó có xấp xỉ gần 70 ngàn tỉ đồng là vốn tư nhân.
Bộ cũng đang tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt F/S các dự án thành phần trên đoạn tuyến Cao Bồ - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Dầu Giây và dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Tuy nhiên, cái vướng của tất cả các dự án hiện nay là theo quy định của Bộ Tài chính về cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án PPP thì: nếu nhà đầu tư trúng đấu thầu thì mức lãi suất vốn vay được xác định trên cơ sở hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được chọn. Còn đối với các dự án chỉ định nhà đầu tư thì mức lãi suất qua đàm phán giữa cơ quan nhà nước với nhà đầu tư mà không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện của hợp đồng PPP trong 10 phiên đấu thầu phát hành thành công trước thời điểm đàm phán hợp đồng dự án.
Quy định này hiện đang tạo ra trở ngại cho việc đàm phán các hợp đồng PPP nêu trên khi được chỉ định nhà đầu tư. Bởi lẽ, tính theo quy định của Bộ Tài chính thì lãi suất tính toán được phép cho các dự án hiện chỉ rơi vào khoảng 6,9% đến 8%/năm, trong khi lãi suất vay thực tế khoảng 10,8% đến 11%. Sự chênh lệch theo quy định và thực tế dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng rất khó khăn. Trong khi đây là các dự án cấp bách, có nguy cơ bị đình trệ như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Nếu vấn đề lãi suất không có hướng tháo gỡ thì các dự án thành phần khác trong đại dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang chuẩn bị phê duyệt F/S cũng gặp khó.
Bộ GTVT muốn trần lãi suất vốn vay cho các dự án này phải được xây dựng theo hướng bằng lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại lớn để phù hợp với lãi suất thị trường và cho phép áp dụng đối với các dự án đang trong giai đoạn đầu tư nói trên (bao gồm cả Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn…).
Thông thường, trong bước chuẩn bị đầu tư, Bộ GTVT đều kiểm soát tổng mức đầu tư và các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả cho các dự án PPP. Việc kiểm soát này bao gồm: tổng mức đầu tư, suất vốn đầu tư, giá xây dựng tổng hợp của tấ cả các dự án đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy