Tin liên quan
Trên cương vị là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, xin ông vui lòng cho biết nhận định của mình về bức tranh tài chính – kinh tế Việt Nam 2014 và theo ông, đâu là điểm đáng chú ý nhất?
Trong năm 2014, nền kinh tế nước ta đã phải đối diện với không ít những khó khăn, thách thức; đặc biệt là sau sự kiện dàn khoan HD981. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm phấn đấu, kết thúc năm, chúng ta đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,98%, xem như là điểm nổi bật nhất, bao quát nhất, tô đậm nhất của cả nền kinh tế Việt Nam.
Kế đến, trên góc độ nền kinh tế vĩ mô, lần đầu tiên sau 13 năm, chúng ta đã kiểm soát và kiềm chế được tỷ lệ lạm phát về mức rất thấp là 1,83%.
Điểm thứ ba, chúng ta tiếp tục duy trì được sức tăng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao, giúp cho cán cân thương mại thặng dư, nền kinh tế ghi nhận năm xuất siêu thứ 3 liên tiếp. Cùng với đó, Dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng kỷ lục, đạt xấp xỉ 35 tỷ USD, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu theo đúng tiêu chí mà IMF đặt ra đối với các nền kinh tế.
Đồng thời, mặt bằng lãi suất cũng được kéo xuống thấp, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, về tương đương với những năm trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Diễn biến tỷ giá hối đoái trong năm 2014 cũng hết sức ổn định; cân đối ngân sách, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đều đạt được kết quả tốt.
Ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia
Tuy nhiên, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn, số doanh nghiệp phá sản, giải thể trong năm vẫn còn rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - đây là thực tế mà chúng ta đang và phải tìm mọi giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Đó chính là những nét lược quát nhất về bức tranh toàn cảnh tài chính - kinh tế Việt Nam 2014!
Mới đây, NHNN Việt Nam đã ra một quyết định mà xin được tạm gọi là“quốc hữu hóa” NHTMCP Xây dựng như một động thái trong nỗ lực tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, nhất là năm nay lại là năm cuối cùng thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ông đánh giá sao về bước đi trên của NHNN; đồng thời, ông cũng có nhận định gì về công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến thời điểm này và theo ông đâu là những nhiệm vụ và thách thức của hệ thống ngân hàng trong năm 2015?
Lẽ thường tình, việc xây mới hoàn toàn một ngôi nhà vốn dĩ vẫn dễ dàng, thuận tiện hơn việc trùng tu, sửa chữa, tái thiết một ngôi nhà mà chính chúng ta là người đang cư trú.Và tương tự như vậy, tái cơ cấu cũng có nghĩa là sửa chữa lại một ngôi nhà đang có nên tất nhiên là sẽ phức tạp hơn việc làm mới rất nhiều.
Ngân hàng Vietcombank (VCB) và Ngân hàng Xây dựng (VNCB) ký thỏa thuận hợp tác toàn diện vào ngày 1/8/2014
Theo đó, tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm : Tái cơ cấu Đầu tư công; Tái cơ cấu khu vực DNNN và Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Công cuộc mà chúng ta đang tiến hành cũng giống như việc sửa chữa ba ngôi nhà chúng ta đang ở, và điều đó, như đã nói, sẽ có rất nhiều khó khăn.Nhưng Chính phủ vẫn lựa chọn và quyết tâm tái cơ cấu cả ba trụ cột này.
Nói riêng về tái cơ cấu các TCTD, chúng ta đều thấy ngành ngân hàng Việt Nam quy mô còn nhỏ bé, trình độ công nghệ còn thấp, đặc biệt về là hành lang pháp lý, hệ thống pháp luật; phải thừa nhận rằng sau gần 30 năm đổi mới thì hệ thống pháp luật vẫn đang tồn tại rất nhiều điều bất cập. Đó cũng chính là căn nguyên sâu xa sinh ra câu chuyện về sở hữu chéo, các công ty sân sau hay tín dụng ngân hàng lại tập trung cho một nhóm…
Trước thực trạng như vậy, rõ ràng công tác tái cơ cấu ngân hàng chúng ta không thể làm vội vã, một sớm một chiều mà kết thúc cho xong được. Nhưng chúng ta cũng cần thiết đặt ra những cột mốc mục tiêu như đã nêu để định hướng phấn đấu.
Chúng ta xác định ưu tiên xử lý những vấn đề rất cốt lõi, khẩn cấp – đó là vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đừng để vấn đề khó khăn của ngân hàng ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, sau đó lan truyền ra toàn bộ hệ thống, bởi điều này sẽ rất nguy hiểm. Ở góc độ này, có thể nói ngành Ngân hàng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất; đương nhiên, vẫn còn một số TCTD phải nằm trong diện tái cơ cấu bắt buộc. Căn cứ tình hình thực tế, NHNN đã đi từng bước cụ thể để có phương thức xử lý phù hợp nhất như sáp nhập TCTD yếu kém vào các ngân hàng quốc doanh, hay một vài ngân hàng nhỏ sáp nhập, hợp nhất thành một ngân hàng lớn mạnh hơn.
Như vậy, công cuộc tái cơ cấu là cả một quá trình dài với nhiều bước khác nhau; không ai có thể khẳng định con đường này là đúng, là tuyệt nhiên thành công nhưng chúng ta cần phải thực hiện dần dần, vừa làm vừa học hỏi, vừa đúc rút, vừa cải thiện để tiến đến đích cuối cùng; căn cứ thực tiễn nếu thấy bước nào chưa phù hợp thì sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp hơn, phù hợp nhất.
Cụ thể, như sự việc vừa xảy ra ở VNCB (Ngân hàng Xây dựng, trước đây là Ngân hàng Đại Tín), NHNN thấy rằng để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nên NHNN sẽ đứng ra gánh vác nghĩa vụ trên tài sản nợ: vốn huy động của dân thì NHNN phải có trách nhiệm hoàn trả còn tài sản có thì NHNN sẽ thừa hưởng quyền đòi khoản nợ đó.
Tôi tin rằng việc NHNN tham gia tái cơ cấu VNCB chắc chắn sẽ giúp ngân hàng này nhanh chóng vượt qua khủng hoảng. Như vậy, cũng tức là vấn đề quan trọng - tiền gửi của dân sẽ được đảm bảo, cũng như các vấn đề khác sẽ được xử lý.
Bên cạnh đó, đối với hàng loạt các ngân hàng trong diện tái cơ cấu khác thì NHNN cũng đều đã có đề án sáp nhập cụ thể, để xem xét và lựa chọn những phương thức phù hợp và có hiệu quả nhất. Một điều may mắn của chúng ta là hệ thống ngân hàng TMCP trong diện tái cơ cấu có quy mô nhỏ cả về vốn điều lệ cũng như số dư huy động, do đó, tôi nghĩ NHNN sẽ có thể đảm bảo thành công trong quá trình sắp xếp đó.
Theo ông đánh giá, liệu các chủ thể đã thực sự sẵn sàng để bước vào thương vụ M&A và bài toán Hợp nhất, sáp nhập có chăng là “khiên cưỡng”?
Phải nói thẳng thắn là chưa hẳn các TCTD đã mong muốn như thế nhưng “không phải cái gì ta muốn là được” mà quan trọng là mong muốn đó có phù hợp với mong muốn của quần chúng, của thị trường hay không?
Đây là vấn đề cần sự can thiệp của bàn tay Nhà nước. Rõ ràng nếu trước đây anh điều hành ngân hàng này tốt thì hiện tại đâu có xảy ra câu chuyện này? Nhưng do anh điều hành không tốt nên Nhà nước phải tham gia xử lý. Như vậy, dù các TCTD có muốn hay không, Nhà nước vẫn phải can thiệp để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền, của cổ đông và toàn xã hội.
Vậy làn sóng M&A trên sẽ tác động ra sao tới thị trường, thưa ông?
Vì các ngân hàng tham gia M&A có quy mô tương đối nhỏ và ta đang xử lý một vấn đề rất căn bản là đảm bảo được thanh khoản của hệ thống ngân hàng nên với “toa thuốc”, “bác sĩ” và “phác đồ điều trị” như thế này, thị trường chắc chắn sẽ có niềm tin tốt hơn, kể cả hoạt động của chính bản thân các TCTD này.
Bên cạnh đó, người ta cũng còn lo đến câu chuyện nợ xấu.Chúng ta đã có những biện pháp để đảm bảo quá trình kiểm soát nợ xấu, đồng thời làm “khối u” đó nhỏ dần. Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sức phục hồi của hệ thống NHTM , khả năng sinh lời được cải hiện thì các “tế bào kháng nguyên” trích lập dự phòng sẽ góp phần hữu hiệu để chữa trị thành công “căn bệnh” nợ xấu.
Xin cảm ơn ông!
N.G – Hoa Liên
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy