Dòng sự kiện:
Câu chuyện giáo dục: Ánh đèn dầu leo lắt nhưng không… tắt!
14/12/2018 20:06:51
‘Cái tốt phải biết nhìn mới thấy’, nghĩa là, sự thiện lương, điều tốt đẹp không phải lúc nào cũng có thể phô bày mà nó như một suối nguồn âm ỉ chảy; len lỏi và dần dần lan tỏa những yêu thương…

Khi câu chuyện về những cách hành xử bạo hành của giáo viên như phạt học sinh phải nhận 230 cái tát của bạn ở Quảng Bình hay bắt học sinh súc miệng bằng nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng còn chưa hết “nóng” thì mới đây, người dân cả nước lại bàng hoàng trước nghi vấn một thầy hiệu trưởng ở Phú Thọ lạm dụng tình dục hàng chục học sinh nam. Tất cả đã vô hình trung khiến hình ảnh về ngành giáo dục bị xấu đi rất nhiều trong mắt dư luận.

Giữa bức tranh đang đầy màu u ám ấy, 2 ngày qua, việc báo chí rầm rộ đưa tin về hành động “được của rơi tìm người trả lại” của thầy Trần Quang Cường, một giáo viên ở trường THCS Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã chợt lóe lên bao điều tốt đẹp.

Đâu đó vẫn còn những hình ảnh đẹp về những giáo viên ngày đêm gieo chữ trên mọi miền Tổ Quốc. (Ảnh: Báo QĐND)

Trên mặt báo, thầy Cường xuất hiện với hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang sống cùng vợ và hai con trong một ki-ốt tạm bợ. Hoàn cảnh là thế nhưng trước chiếc túi có 50 triệu đồng và 23 chỉ vàng, người thầy giáo nghèo ấy không hề nảy lòng tham mà cố gắng thuê xe ôm vượt nhiều kilomet, đuổi theo để trả lại cho người bị mất.

Đó là một hành động dù chỉ giữa đời thực hàng ngày thôi, đã toát  lên bao điều về đức tính tốt đẹp. Lòng thiện lương và sự “phục sinh” niềm tin gần chạm đáy trong mắt dư luận về hình ảnh đẹp của những nhà giáo.

Thế nhưng, tia hi vọng ấy vừa lóe sáng để rồi chợt vụt mất, trở về với ánh đèn dầu leo lắt giữa ngọn gió mang bao điều thị phi. Bởi mới đây thôi, thầy Cường đã thừa nhận việc “được của rơi tìm người trả lại” chỉ là một trò đùa.

Dư luận sẽ lại tiếp tục có những cuộc “tổng sỉ vả” về việc dựng chuyện của thầy Cường, về những đánh giá của sự dối trá lên ngôi, đạo đức suy đồi… Nhưng suy cho cùng, hành vi của thầy Cường cũng chỉ là sản phẩm truyền thông giữa bức tranh nham nhở sáng tối của nền giáo dục nước nhà.

Nếu như thầy Cường làm một nghề khác, không phải là nghề giáo thì chiều hướng sự việc ắt sẽ khác. Câu chuyện “chém gió” trong quán cà phê của thầy Cường cũng đơn giản chỉ là câu chuyện “làm quà” cho rôm rả. Nhưng người dựng chuyện quên mất rằng, mình đang là thầy giáo.

Có thể nói, cái xấu, cái ác đang ngày càng lên ngôi bởi sự phát triển của đời sống, của việc truyền thông luôn tích cực phản ánh những mặt trái của xã hội. Ở đó, cái xấu, cái ác, sự trơ trẽn, bạo lực luôn tràn ngập trên các mặt báo. Việc liên tục truyền tải các thông tin ấy đã vô tình lan tỏa tiêu cực khiến cái xấu xung quanh hiện lên vô vàn và cái tốt dường như trở nên khan hiếm.

Tuy nhiên, cuộc sống không phải luôn chứa đựng những màu xám xịt như thế. Sự lẫn lộn giữa mặt xấu - tốt chính là quy luật tất yếu của sự chuyển động xã hội.

Đâu đó, vẫn còn có những điều tốt đẹp hiện hữu xung quanh. Đó là phút chia ly của một thế hệ học trò ngày tốt nghiệp rời mái trường, ôm  những người thầy, người cô khóc nức nở. Đó là hình ảnh những cô giáo đồng bằng vượt suối, băng rừng, ngã lên ngã xuống trên những con đường lầy lội để gieo con chữ cho học sinh miền núi, vùng cao. Đó là  kết quả của những kỳ thi Olympic Toán, Vật Lý mà học sinh Việt Nam luôn khiến thế giới ngã mũ thán phục…

“Cái tốt phải biết nhìn mới thấy….”, nghĩa là, sự thiện lương, điều tốt đẹp không phải lúc nào cũng có thể phô bày mà nó như một suối nguồn âm ỉ chảy; len lỏi và dần dần lan tỏa những yêu thương…

Lê Kông

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến