CDO tăng vốn và câu chuyện “quân xanh – quân đỏ”
07/01/2017 08:54:14
ANTT.VN – Mã cổ phiếu CDO đã giảm điểm trong 26 phiên vừa qua, trong đó 23 phiên gần nhất giảm sàn, khiến thị giá chỉ còn bằng 1/5 thời điểm cuối tháng 11. Điều gì đang diễn ra ở doanh nghiệp này?

Tin liên quan

Trụ sở Tập đoàn Nhân Nghĩa và các thành viên tại 25 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Những ngày qua, cái tên CDO bỗng thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Điều đáng tiếc là sự chú ý không tới từ những diễn biến tích cực, mà là bởi mã cổ phiếu này đang lao dốc trên sàn chứng khoán. Chốt phiên tuần 06/01/2016, CDO tiếp tục giảm sàn xuống còn 6.780 đồng.

Mã cổ phiếu này bắt đầu lao dốc từ đầu tháng 12, với 26 phiên giảm điểm liên tục, trong đó 23 phiên gần nhất giảm kịch sàn, cuốn bay hơn 80% thị giá so với mức đỉnh 37.200 đồng lập ngày 30/11.

Trong kỳ trước, ANTT.VN đã nhận định cổ phiếu CDO có dấu hiệu bị làm giá. Kỳ này, chúng tôi sẽ điểm lại những lần tăng vốn của CDO, qua đó giúp có một góc nhìn khác về nguyên do tại sao cổ phiếu CDO lao dốc trong thời gian qua.

Hợp tác kinh doanh hay chiêu trò tăng vốn...ảo?

Công ty CP Tư vấn Thiết kế và Phát triển Đô Thị (HSX: CDO) được thành lập năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 1,8 tỷ đồng. Sau 2 đợt tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào năm 2011, đẩy vốn điều lệ lên 18 tỷ đồng lên cuối kỳ kế toán năm đó, tháng 11/2014, CDO tiếp tục sử dụng phương thức này, tăng vốn điều lệ gấp hơn 10 lần lên 200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cũng đúng vào thời điểm đó, ngày 10/ 11/2014, CDO ký kết hợp đồng thuê dài hạn 30 năm mặt bằng khách sạn Candle, số 287-301 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội từ Công ty CP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Hai Bà Trưng (Công ty Hai Bà Trưng) với giá thuê 10 tỷ đồng/ năm.

Cuối năm đó, tổng tài sản của CDO tăng mạnh từ 30,7 tỷ đồng lên 221,1 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là khoản trả trước 150,6 tỷ đồng cho Công ty Hai Bà Trưng, tương đương tới 15 năm tiền thuê khách sạn Candle. 

Gần như mọi doanh nghiệp đều cố gắng chiếm dụng vốn của đối tác một cách tối đa có thể, bởi vậy việc CDO “hào phòng” bỏ ra khoản tiền khổng lồ trả trước cho Công ty Hai Bà Trưng là một điểm cần lưu ý, nếu không muốn nói là khó hiểu.

Điều khó hiểu này có thể giải thích là dù Công ty Hai Bà Trưng hay CDO thì đều quy về một mối là Tập đoàn Tư vấn đầu tư và phát triển Nhân Nghĩa (Tập đoàn Nhân Nghĩa), khi 2 pháp nhân này cùng 6 doanh nghiệp khác hợp thành Tập đoàn Nhân Nghĩa.

Chủ tịch Tập đoàn Nhân Nghĩa là ông Vũ Đình Nghĩa, con trai ông – Vũ Đình Nhân hiện đang là Chủ tịch HĐQT kiêm GĐ CDO. Ông Vũ Đình Nghĩa tính tới cuối quý II/2016 đang sở hữu 50.000 cổ phần CDO, vợ ông là bà Lê Kim Thu cũng có 800.000 cổ phần tại đây. Tập đoàn Nhân Nghĩa cũng chính là bên bỏ tiền ra xây dựng khách sạn Candle Hotel năm 2007.

Bởi vậy, có thể coi rằng, CDO nói riêng hay Tập đoàn Nhân Nghĩa nói chung đều nằm trong tay gia đình họ Vũ Đình.

Sự trùng hợp đến lạ kỳ này đặt ra câu hỏi liệu gia tộc họ Vũ có đang áp dụng chiêu bài “quân xanh-quân đỏ” nhằm tăng vốn ảo cho CDO hay không. Bởi với việc tăng mạnh vốn đồng thời lại mang phần lớn số vốn tăng thêm đó đi trả trước dài hạn cho một thanh viên khác trong cùng “hệ sinh thái”, thực chất vốn điều lệ của CDO có thể không tăng lên, hoặc tăng không đáng bao nhiêu; tuy nhiên trên giấy tờ, vốn cổ phần của doanh nghiệp này vẫn tăng gấp 10 lần, giúp làm đẹp sổ sách để rồi 4 tháng sau đó, CDO tiến hành niêm yết trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh. 

Trong một diễn biến mới có phần tương tự, vốn điều lệ của CDO vừa qua tiếp tục được điều chỉnh tăng lên 315 tỷ đồng bằng cách phát hành 3 triệu cổ phiếu trả cổ tức và 8,5 triệu cổ phiếu bán cho cổ đông hiện hữu (“ế” 1,5 triệu cổ phiếu so với mục tiêu chào bán 10 triệu đơn vị).

Hồi đầu năm, Đại hội đồng cổ đông thường niên CDO cũng đã thông qua việc dùng 30 tỷ đồng trong đợt tăng vốn trên đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Phát triển Năng lượng – một thành viên khác trong hệ thống Tập đoàn Nhân Nghĩa!

Kịch bản nào đang diễn ra?

Như đã nhấn mạnh ở kỳ trước, cổ đông nội bộ và người có liên quan của CDO kể từ khi niêm yết tới nay đã có nhiều đợt cùng mua vào và bán ra cổ phiếu CDO trong một khoảng thời gian ngắn, với khối lượng rất lớn, lên tới gần 1/5 lượng cổ phiếu đang lưu hành, qua đó dễ dàng chi phối giá cả.

Trên thị trường chứng khoán, việc những người nắm “chân tơ kẽ tóc” của doanh nghiệp đi buôn bán cổ phiếu của chính đơn vị mình đang quản lý là điều tối kỵ, bởi trách nhiệm của họ là tạo ra lợi nhuận lớn nhất cho doanh nghiệp, chứ không phải tạo sóng mua bán cổ phiếu kiếm lời.

Trong lúc này, có thể có hai kịch bản đang diễn ra ở CDO: Thứ nhất, như đã nêu ở kỳ trước, cổ phiếu CDO có khả năng đang bị một nhóm cổ đông làm giá, dìm xuống thật sâu để dễ dàng thâu tóm, sau đó lại đẩy giá lên cao nhằm bán ra kiếm lời.

Giả thiết trên không phải không có cơ sở, nhất là khi bà Lê Kim Thu, mẹ Chủ tịch CDO Vũ Đình Nhân ngày 03/01/2017 vừa có công văn đính chính gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lấy lý do lỗi đánh máy, công bố hủy đăng ký bán trước đó, đồng thời đăng ký mua vào thêm gần 1 triệu cổ phiếu CDO. 

Nên nhớ rằng tình hình kinh doanh của CDO trong 3 quý đầu năm không hề tệ, với lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức 1.400 đồng. Do vậy, một vài thông tin tốt từ HĐQT CDO có thể sẽ lại đẩy mã chứng khoán này bật mạnh trở lại trong thời gian tới.

Ở trường hợp còn lại, nếu giả thiết ở phần đầu đặt ra là đúng, tức là CDO sử dụng chiêu trò tăng vốn ảo, thực chất là lấy tiền từ túi này bỏ sang túi kia. Thì giai đoạn đồng loạt bán ra vừa qua có thể hiều như động thái chốt lời của một nhóm cổ đông nắm quyền chi phối ở CDO, sau khi liên tục mua vào trước đó nhằm đẩy giá cổ phiếu CDO đạt đỉnh cuối tháng 11.

Điều này nếu xảy ra, thì dù cho có bán cổ phiếu với giá của một bó rau, một cốc trà đá, thì nhóm cổ đông trên vẫn bỏ túi một khoản lãi lớn.

Dù cho kịch bản nào xảy ra đi nữa, cổ đông nhỏ lẻ của CDO vẫn là những người chịu thiệt thòi nhất. Nên biết rằng đã 3 năm nay, CDO không hề chi trả cổ tức. Năm 2015, 15% cổ tức được trả dưới dạng cổ phiếu.

Thiết nghĩ, trách nhiệm và chức năng của các cơ quan quản lý đã tới lúc phải phát huy, trả lại sự minh bạch cho thị trường và công bằng đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. 

Nghi Điền

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến