Lãnh đạo của Tập đoàn Kido cho biết nền kinh tế sau Covid-19 đã dần rơi vào khó khăn, lạm phát và lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn. Riêng Kido có nguồn tiền lớn từ lợi nhuận chưa phân phối, thoái vốn công ty thành viên và bán cổ phiếu.
"Chiến lược kinh doanh sắp tới của Kido không có khó khăn tài chính, nên chúng ta sẽ chia cổ tức đặc biệt", ông Nguyên nói trong kỳ họp cổ đông bất thường sáng ngày 20/12.
Cụ thể, Hội đồng quản trị quyết định này sẽ phân phối cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 50% (mỗi cổ phần được nhận 5.000 đồng). Tổng số tiền doanh nghiệp dự kiến chi cho đợt này lên đến 1.336 tỷ đồng.
Nguồn tiền để chi trả được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm cuối tháng 6 (hơn 1.781 tỷ đồng). Nếu chia cổ tức thành công thì lợi nhuận chưa phân phối vẫn còn lại gần 445 tỷ đồng.
CEO Trần Lệ Nguyên tự tin về dòng tiền của doanh nghiệp để chia cổ tức đặc biệt. Ảnh: H.L.
Hội đồng quản trị Kido còn xin ý kiến cổ đông về việc bán ra toàn bộ 22,5 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ. Ngay sau đó, doanh nghiệp sẽ thực hiện mua lại 10 triệu cổ phiếu để giảm vốn điều lệ tương ứng.
CEO Trần Lệ Nguyên nói ngay sau bán cổ phiếu quỹ cho đối tác sẽ nhanh chóng mua lại cổ phiếu trên thị trường để đảm bảo giá trị thật của cổ phiếu, phản ánh đúng bức tranh doanh nghiệp.
Vị lãnh đạo cũng tiết lộ đối tác mua cổ phiếu quỹ là một tập đoàn đa quốc gia lớn, có chiến lược gắn bó lâu dài chứ không phải một quỹ đầu tư tài chính đơn thuần.
"Chúng tôi đang đàm phán, ký biên bản ghi nhớ với một tập đoàn quốc tế để tham gia hợp tác sản xuất và xuất khẩu sản phẩm đi các nước, cũng như chuyển giao công nghệ hiện đại", ông nói.
Theo đó, đây là một cơ hội để Kido nâng tầm quốc tế, đưa các sản phẩm ra thị trường thế giới cũng như bổ sung các mặt hàng của đối tác vào hệ thống bán lẻ hiện có của Kido, tối ưu hóa lợi nhuận.
Trong năm 2023, người điều hành doanh nghiệp cho biết Kido sẽ tập trung vào 4 mảng chiến lược là dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước chấm.
Công ty cũng liên kết với các tập đoàn đa quốc gia ở những lĩnh vực thế mạnh riêng, để đối tác có thể xâm nhập thị trường trong nước và ngược lại cũng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm Kido ra thị trường quốc tế.
Theo báo cáo kinh doanh 11 tháng đầu năm, ông lớn ngành tiêu dùng ghi nhận doanh thu khoảng 11.465 tỷ đồng, thực hiện 82% kế hoạch năm. Cơ cấu bao gồm ngành dầu ăn chiếm 81%, ngành lạnh chiếm 16% và còn lại đến từ mảng khác.
Về thị phần các sản phẩm, Kido đang nắm giữ 44,5% thị phần ngành kem Việt Nam (bao gồm thương hiệu Merino chiếm 24,2% và Celano 19,2% thị phần).
Công ty cũng đứng thứ hai trong ngành dầu ăn với thị phần đạt gần 40% (bao gồm các thương hiệu sở hữu chéo); trong đó riêng thương hiệu Dầu Tương An đã chiếm 26% thị phần theo số liệu của AC Nielsen.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy