Dòng sự kiện:
Chăm sóc người thân - gánh nặng của xã hội Nhật Bản
21/12/2015 11:15:34
ANTT.VN – Tại Nhật Bản, việc thực hiện chữ “hiếu” đối với những bậc sinh thành đang là một áp lực khổng lồ đối với những lao động ở độ tuổi trung niên – thời kì chín nhất trong sự nghiệp của họ.

Tin liên quan

Từ một người có vị trí trong xã hội, Akihiro Takano đã trở thành một người vô gia cư sau quãng thời gian chăm sóc bố mẹ già. Ảnh: Bloomberg

Khi quyết định rời khỏi vị trí quản lý trong một công ty tổ chức sự kiện ở Tokyo để chăm sóc người bố ốm yếu, Akihiro Takano - 45 tuổi - không hề biết tương lai u ám đang chờ anh ở phía trước.

Sau cái chết của bố anh, Takano đã phải vật lộn kiếm sống với một loạt công việc làm thêm, trong khi vẫn chăm sóc người mẹ già yếu. 9 năm sau, anh dùng những đồng cuối cùng để tổ chức đám tang cho người mẹ. Tình cảnh bi đát tới độ Takano không còn đủ khả năng trả tiền thuê nhà và bị đuổi khỏi căn hộ mà gia đình anh sống hơn 30 năm qua.

Câu chuyện buồn của Takano chỉ là một trong số hàng trăm nghìn câu chuyện khác của những người rơi vào cảnh nghèo khó bởi hiện tượng “kaigo rishoku” - lao động nghỉ việc để chăm sóc người thân trong gia đình.

“Ông chủ cũ nói rằng một khi quyết định rời khỏi công việc, tôi sẽ rất khó trở lại vị trí của mình”, anh nói. “Tôi đã bước chân vào một con đường không có lối thoát. Vào thời điểm đó, tôi cứ nghĩ rằng rồi mọi việc sẽ ổn thôi, nhưng không phải vậy”.

Theo Chính phủ Nhật Bản, hơn 100.000 lao động nước này rời bỏ công việc mỗi năm để chăm sóc người thân đau ốm, và phần lớn trong số đó rồi sẽ gia nhập lực lượng thất nghiệp của quốc gia này.

Baby Boomers

Xem thêm: Cuộc khủng hoảng tiếp theo của nước Mỹ: Thế hệ baby - boomers 'ăn bám'

Số liệu cho thấy gần 7 triệu người Nhật sẽ bước vào độ tuổi 75 trong 10 năm tới, đè nặng trách nhiệm chăm sóc lên con cái của họ - vốn đang ở trong độ tuổi lao động vàng. Đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại ở quốc gia Đông Á, khi mà dân số thực tế đang tăng trưởng ở tốc độ âm bởi tỉ lệ sinh thấp và quan điểm từ chối dân nhập cư của Chính phủ Tokyo.

Những vấn đề liên quan tới người già đang là nguy cơ kéo lùi sự phát triển của kinh tế Nhật Bản. Ảnh: AP

Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 9 đã thề sẽ đảo ngược xu hướng này, gọi đây là “ một cuộc khủng hoảng ngay trước mắt”.

“Với mục tiêu tăng GDP lên 600 nghìn tỉ Yên (4,9 nghìn tỉ USD) từ mức 500 nghìn tỉ Yên hiện nay, chúng ta cần ngăn ngừa dân số giảm xuống dưới ngưỡng 100 triệu người (127 triệu người trong năm 2014), và tạo điều kiện tối đa cho người lao động làm việc”, vị Thủ tướng nhấn mạnh trong một bài phát biểu.

Tháng trước, Tokyo tuyên bố sẽ cung cấp thêm 500.000 giường và mở thêm một loạt viện dưỡng lão trên cả nước trong vòng 10 năm tới, tăng 120.000 giường so với kế hoạch trước đó.

Theo những nhà kinh tế học tại Capital Economis, biện pháp này có thể giúp lực lượng lao động của Nhật tăng thêm 0,2% mỗi năm. Tuy nhiên họ cũng đồng thời cảnh báo rằng kế hoạch trên của Chính phủ Nhật chưa đi sâu vào xử lý gốc rễ của vấn đề.

“Đây không hẳn là vấn đề xây dựng nhiều viện dưỡng lão hơn”, Takanori Fujita - tác giả của Elderly Underclass, cuốn sách nói về nguy cơ nghèo đói lúc về già của tầng lớp thu nhập khá trong xã hội Nhật Bản - cho biết.

“Chúng ta cần tạo ra những công việc có thu nhập ổn định với thời gian hợp lý, không bắt ép làm việc quá thời gian, mở nhiều nhà trẻ hơn và tăng cường các chính sách hỗ trợ phụ nữ trong lực lượng lao động. Xã hội cần một cái nhìn khác về vấn đề này”, ông nói.

Nhật Bản hiện có 16,4 triệu người già từ 75 tuổi trở lên. Con số này được dự báo sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, lên 21,8 triệu người vào năm 2025.

Dân số Nhật được dự đoán sẽ giảm xuống dưới 100 triệu người vào năm 2050, trong khi tỉ lệ người già trên 65 tuổi tăng lên, chiếm 40% dân số. Nguồn: Bloomberg

Chế độ đãi ngộ tốt hơn

Nói sao thì nói, thiếu hụt cơ sở chăm sóc người già vẫn là một lỗ hổng trong chính sách xã hội của Chính phủ Nhật, khi mà có khoảng 260.000 người già đang được chăm sóc tại gia trong lúc chờ đợi được chấp thuận vào các viện dưỡng lão, vốn hoạt động bằng ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực chăm sóc người già cũng là một mối lo ngại lớn, một phần không nhỏ bởi Nhật Bản vẫn đóng cửa với lao động nhập cư.

Xem thêm: Mở cửa cho dân nhập cư: Lựa chọn không thể khác của Nhật Bản

Về phần mình, Noriaki Tsushima – người đứng đầu một tổ chức vận hành các cơ sở chăm sóc người già ở miền Bắc đảo Hokkaido - cho rằng giải quyết vấn đề thiếu lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người già không quá khó khăn.

“Chúng tôi cần được tăng lương. Nếu Chính phủ cứ tiếp tục xây dựng các viện dưỡng lão nhưng lại không có nhân lực, thì họ cũng sẽ chẳng đi tới đâu hết”.

Số liệu từ Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy lao động trong các viện dưỡng lão kiếm trung bình 220.000 nghìn Yên mỗi tháng, chỉ bằng 2/3 so với thu nhập đầu người trung bình của Nhật Bản.

Chỉ mình Chính phủ là không đủ

Với lượng người già đang tăng lên nhanh chóng như hiện nay, nguồn ngân sách từ Chính phủ được dự báo sẽ khó có thể đáp ứng nổi. Do vậy mở rộng chính sách bảo hiểm có thể là một chìa khóa giải quyết vấn đề ngân sách trong lĩnh vực chăm sóc người già.

Trên thực tế, hệ thống bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn đã được áp dụng tại Nhật Bản từ năm 2000, theo đó người lao động Nhật bắt buộc phải nộp loại bảo hiểm này từ độ tuổi 40.

Mie Waki, một phụ nữ 44 tuổi, cũng đã từng vật lộn để cân bằng công việc ở một công ty nhà đất cùng với chăm sóc người mẹ già ốm yếu của mình trước khi mở Work and Care Balance Laboratory - một công ty chuyên tổ chức các buổi hội chợ việc làm, nói: “Chỉ mình Chính phủ là không đủ để giải quyết vấn đề trên. Chúng ta cần sự đồng lòng và chia sẻ trách nhiệm từ toàn xã hội”.

“Về phần mình, người lao động nên tránh tối đa việc bỏ làm để chăm sóc người thân. Và nếu không còn lựa chọn nào khác, họ cũng không nên nghỉ quá lâu, tránh mất đi kĩ năng cũng như động lực làm việc”, cô nói.

Nghi Điền

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến