Dòng sự kiện:
Đông Á đang già đi
10/11/2015 12:58:31
ANTT.VN – Khu vực chiếm tới ¼ dân số thế giới đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số nghiêm trọng, bất chấp nỗ lực cải thiện tình hình của Chính phủ các nước.

Tin liên quan

Trung Quốc bỏ chính sách một con sau 35 năm. Ảnh: AFP

Trung Quốc

“Nhằm đối phó với nguy cơ già hóa dân số, Trung Quốc sẽ cho phép mỗi cặp vợ chồng được sinh hai con”, Tân Hoa Xã dẫn lời Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong Hội nghị Trung ương V khóa XVIII của tổ chức này, chấm dứt chính sách một con tồn tại suốt 35 năm qua tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trước nỗi lo sợ bùng nổ dân số những năm cuối thập niên 70s, Trung Quốc đã ban hành chính sách một con vào năm 1980. Theo Bắc Kinh, chính sách này đã ngăn ngừa khoảng 400 triệu đứa trẻ được sinh ra trong 35 năm qua.

Tuy nhiên cái giá phải trả cũng rất lớn, bao gồm cưỡng ép triệt sản, phá thai và nguy hiểm nhất là mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng, đe dọa hàng triệu đàn ông nước này sẽ không thể tìm được vợ.

Những nhà khoa học cho rằng chính sách một con sẽ gây ra một quả bom hẹn giờ khác, khi mà 1,3 tỉ dân Trung Quốc đang già đi một cách nhanh chóng, khiến thị trường lao động nước này co lại tương ứng.

Liên Hợp Quốc cảnh báo vào năm 2050, quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ có gần 440 triệu người trên 60 tuổi. Trong khi đó, dân số ở độ tuổi lao động đẫ giảm 3,71 triệu người năm ngoái, và dự được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nhiều năm tới.

Tỉ lệ sinh ở các nước Đông Á giảm liên tục trong hơn 3 thập kỉ qua. Nguồn: Bloomberg

Hàn Quốc

Ở bên kia bán đảo Triều Tiên, chính quyền của tổng thống Park Geun-hye đang thực hiện mọi biện pháp có thể để tăng tỉ lệ sinh đang ở mức thấp kỉ lục của quốc gia này. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc trong năm ngoái là 1,2 (trung bình mỗi phụ nữ sinh 1,2 con trong độ tuổi sinh sản), thấp thứ 3 thế giới chỉ sau Ma Cao và Hồng Kông.

“Trừ khi tỉ lệ sinh được cải thiện, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á sẽ giảm mạnh trong tương lai, thậm chí giảm tới mức 1% vào năm 2050”, Viện Sức khỏe và các vấn đề Xã hội Hàn Quốc (KIHSA) cho biết.

Seoul đã giành ra hơn 70 tỉ USD và tung ra hàng loạt chính sách trong 10 năm qua nhằm cố gắng giải quyết vấn đề này, bao gồm trợ cấp sinh sản, kéo dài thời gian nghỉ sinh hay hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng có ý định sinh con..

Tuần vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ công bố một kế hoạch năm năm vào tháng 12 tới với mục tiêu tăng tỉ lệ sinh lên 1,5 vào năm 2020. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng sẽ không hề đơn giản để Seoul thực hiện được mục tiêu này.

Với một nền xã hội có trình độ phát triển và dân trí cao, người dân Hàn Quốc ngày càng có xu hướng kết hôn muộn hoặc độc thân nhằm theo đuổi sự nghiệp. Một cuộc khảo sát độc lập gần đây chỉ ra rằng có tới 1/3 số phụ nữ và 1/6 đàn ông Hàn Quốc cho biết hôn nhân không phải là vấn đề quan trọng với họ.

“Tăng tỉ lệ sinh là một nhiệm vụ khó khăn với Chính phủ Hàn Quốc bởi những thay đổi trong tư tưởng xã hội suốt quá trình phát triển hàng chục năm qua”, Lee Jong Wha, giáo sư kinh tế học tại đại học Korea, đồng thời là cựu chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định.

Dân số Nhật Bản có thể giảm 38% trong 30 năm tới. Ảnh: BBC

Nhật Bản

Về phần mình, Nhật Bản thậm chí còn phải đối mặt những thách thức lớn hơn. Tỉ lệ sinh của của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm liên tục trong 3 thập kỉ qua, gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với xã hội cũng như kinh tế cho nước này.

Robert Retherford từ đại học Nihon, người đã có thời gian dài nghiên cứu vấn đề dân số của Nhật Bản, cho rằng nếu tỉ lệ sinh tiếp tục ở mức thấp như hiện tại, dân số Nhật Bản có thể sẽ giảm 38% trong mỗi 30 năm tới.

“Rõ ràng là già hóa dân số và tốc độ tăng dân số ở mức âm đang là mối lo lớn nhất của giới chức Nhật Bản hiện tại”, ông nói.

Theo Chính phủ Nhật Bản, dân số nước này đã giảm năm thứ 3 liên tiếp, xuống mức 127 triệu người năm 2014. Cùng với đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, tỉ lệ dân trên 65 tuổi tăng lên mức kỉ lục 25% và có thể chạm mức 40% vào năm 2060.

Tokyo đã ban hành hàng loạt giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này từ đầu thập niên 90 tuy nhiên hiệu quả mang lại rất ít. Mâu thuẫn lớn nhất của chính sách khuyến khích sinh con của Nhật Bản là việc nó đi ngược lại lợi ích của giới doanh nghiệp.

“Cho phép nghỉ sinh dài hơn, trợ cấp lớn hơn… sẽ tăng áp lực chi phí đối với các tổ chức kinh doanh, khiến những tổ chức này có thể hạn chế tuyển dụng lao động nữ. Ngoài ra có thể ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản trên toàn cầu”, ông Robert nhận định.

“Vấn đề của Nhật Bản không chỉ là việc làm thế nào để kích thích tỉ lệ sinh, mà quan trọng không kém là thay đổi hệ tư tưởng xã hội, giúp cả phụ nữ cùng giới doanh nghiệp hạn chế tổn thất ở mức lớn nhất”, ông nói.

Nghi Điền (Theo Bloomberg/ East-West Center)

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến