Dòng sự kiện:
Chấn động vụ Formosa chôn chất thải: 'Khởi tố điều tra là cần thiết'
12/07/2016 14:59:31
Formosa liên tiếp xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cần xử lý nghiêm minh, ngăn chặn hành vi xả thải của Formosa.

Khi dư luận còn chưa kịp dịu xuống sau lời xin lỗi “muộn” và nhận trách nhiệm của Formosa về thảm họa cá chết đã gây ra ở nhiều tỉnh miền Trung, thì mới đây, một thông tin chấn động về hành vi xả thải của chính doanh nghiệp này một lần nữa lại khiến nhiều người thực sự sốc.

Sau lời xin lỗi và cam kết bảo vệ môi trường...

Như chúng tôi đã đưa tin, nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, nhóm PV báo điện tử Người đưa tin đã cải trang thành những người dân bản địa, xâm nhập một trang trại “ma” ở đầu nguồn sông Trí, nơi được cho là đang chôn lấp hàng ngàn m3 cặn cô đặc, lấy từ hệ thống xả thải của Formosa.

Pv có mặt tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào một ngày đầu tháng 6/2016. Theo tin báo từ một người dân địa phương cho biết: Tại trung tâm xử lý rác thải của tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, người ta đang phân loại và đóng gói rất nhiều chất thải màu đen như bùn, bốc mùi khó chịu. Sau khi tập kết đủ số lượng, một số xe tải được điều động đến và vận chuyển theo hướng đường tránh thị xã Kỳ Anh rồi mất hút…

Hình ảnh được ghi nhận tại nơi xả thải trực tiếp ra môi trường.

Điều mà các phóng viên trông thấy là hàng ngàn m3 rác thải công nghiệp đen kịt đang bốc mùi nồng nặc, được người ta vận chuyển đến, rồi chôn lấp ở ngay đây.

Khi xuyên sâu vào rừng tràm là những chiếc xe tài phủ kín bạt, oằn mình từ nhà máy Formosa chở theo những bao tải chất thải mang đổ xuống bãi này. Xe đổ đến đâu hệ thống máy múc tiến hành san lấp đến đó.

Điều bất ngờ là trang trại “ma” này thuộc quyền sử dụng của ông Lê Quang Hòa, giám đốc công ty Môi trường- Đô thị thị xã Kỳ Anh

Một cán bộ đang công tác tại Formosa Hà Tĩnh thừa nhận: “Đây chính là chất thải kim loại nặng, được lắng lại sau quá trình xử lý nước thải. Nó như một lớp bùn đen đọng lại dưới đáy hồ và được múc lên rồi đóng gói đi chôn lấp. Việc làm này là hết sức nguy hiểm vì có thể trong lớp bùn đó còn chứa rất nhiều kim loại nặng, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường”.

Sau khi bài viết “Chấn động: Formosa chôn chất thải ở trang trại của GĐ môi trường” được đăng tải trên báo Người đưa tin, nhiều chuyên gia pháp lý đã đăng đàn, bảy tỏ chính kiến và quan điểm pháp lý về vụ việc. Hầu hết, các chuyên gia cho rằng hành động của Formosa là rất coi thường pháp luật.

“Không thể nào chấp nhận được”

Đó là chia sẻ thẳng thắn của luật sư Nguyễn Văn Đạt, Đoàn luật sư TP. Hà Nội sau khi đọc thông tin về vụ việc Formosa chôn chất thải trực tiếp mà không qua xử lý.

“Hành vi chôn chất thải là kim loại nặng không quả xử lý trực tiếp xuống đất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của con người. Đây không những là hành vi trái pháp luật mà còn có thể coi là một hành động phá hoại môi trường”.

Tôi rằng cơ quan chức năng cần phải ngăn chặn ngay hành động này đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cố tình gây hại môi trường. Trường hợp, có đủ căn cứ thì truy tố trước pháp luật”, luật sư Nguyễn Văn Đạt Nói.

Cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra

Luật sư Nguyễn Văn Danh- Phó trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Diện & cộng sự, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An đánh giá:

“Nếu Cơ quan chức năng làm rõ và có kết luận chính xác hành vi chôn cất rác thải gây nguy hại cho môi trường là do Fomosa thực hiện tùy vào mức độ và hậu quả có thể xử phạt vi phạm hành chính theo nghị định 179/2013 NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường hoặc truy tố trách nhiệm hình sự.

"Cần khởi tố điều tra làm rõ hành vi xả thải ra môi trường, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật".

Vụ việc có dấu hiệu của tội danh quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó, người nào thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường...mà làm môi trường bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng khác thì phạt tù từ ba năm đến 10 năm”.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Danh, nếu trong thời gian tới Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 không bị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung mà có hiệu lực thi hành có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân Fomosa.

Cũng có chung nhận định về việc cần xem xét khởi tố hình sự về hành vi xả thải trực tiếp ra môi trường nói trên, Luật sư Nguyễn Đăng Thái - Đoàn luật sư TP Hà Nội, hiện là thành viên của Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho rằng:

“Chất thải từ quá trình luyện thép của Formosa có thể được xếp loại chất thải nguy hại theo danh mục chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.

Việc Formosa chuyên chở chất thải đi chôn lấp tại khu trang trại của ông Giám đốc công ty môi trường Hà Tĩnh phải được thông báo cho Sở TNMT tỉnh, đồng thời khu trang trại của ông giám đốc phải được Bộ TNMT cấp phép xử lý chất thải nguy hại.

Giám đốc công ty môi trường khó vô can

Liên quan đến việc chôn chất thải trên diện tích đất được một Giám đốc môi trường, các chuyên gia pháp lý nhận định, chủ sử dụng đất sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm.

“Trường hợp, điều tra xác định ông Giám đốc công ty môi trường có hành vi tiếp tay để cho Fomosa thực hiện chôn cất rác thải thì sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyễn Văn Danh, Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An nói.

“Xét về mặt khách quan Công ty Formosa và các đối tượng liên quan đã tổ chức chôn vùi các chất thải độc hại, mà theo một cán bộ đang công tác tại Formosa Hà Tĩnh thừa nhận:

“Đây chính là chất thải kim loại nặng, được lắng lại sau quá trình xử lý nước thải. Nó như một lớp bùn đen đọng lại dưới đáy hồ và được múc lên rồi đóng gói đi chôn lấp. Việc làm này là hết sức nguy hiểm vì có thể trong lớp bùn đó còn chứa rất nhiều kim loại nặng, có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường”.

Như vậy, Công ty Formosa và các đối tượng liên quan nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hại rất lớn cho môi trường xung, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống xung quanh, gây nguy hại cho nguồn nước…nhưng vẫn cố ý thực hiện.

Hành vi này được phân công, tổ chức thực hiện chặt chẽ, có sự tiếp tay của các một số cơ quan chức năng, vì vậy cần điều tra và xử lý tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan.

Hành vi của các đối tượng trên đã có dấu hiệu của tội Tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Về khung hình phạt, các đối tượng liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 với mức hình phạt từ 3 năm đến 10 năm tù”.

Luật sư Trần Quốc Dũ – Trưởng Văn phòng luật sư Thịnh Quốc, Đoàn luật sư TP.HCM

Theo Người đưa tin

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến