Dòng sự kiện:
Chân dung đại gia bất động sản định chi 4 tỷ USD để 'định đoạt' Vinamilk
04/11/2015 13:51:03
ANTT.VN – Ngoài lĩnh vực kinh doanh đồ uống, Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave còn là một “đại gia có máu mặt” trong thị trường bất động sản.

Tin liên quan

Hai ngày qua, báo chí Việt Nam được dịp xôn xao với thông tin bắt nguồn từ một bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 2/11 cho biết, Tập đoàn đồ uống lớn nhất Singapore Fraser & Neave (F&N) đã đánh tiếng qua trao đổi thư với đại diện của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) về mối quan tâm của họ đối với việc thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này. Theo đó, F&N đã chào giá 4 tỉ đô la Mỹ cho số cổ phần Nhà nước sẽ thoái, theo một nguồn tin đáng tin cậy từ giới đầu tư nước ngoài ở TPHCM tiết lộ với TBKTSG.

Tuy vậy sau đó chỉ một ngày, phía F&N, trong một thông báo gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore  ngày 3/11, đã lên tiếng phủ nhận thông tin trên và cho biết doanh nghiệp này không chính thức đệ trình bất cứ lá thư nào đến Vinamilk hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) liên quan đến khả năng chào mua số cổ phần của Nhà nước ở Vinamilk.

Khách sạn Fraser Suites - tòa nhà cao nhất Tây Hồ, một trong những bất động sản của F&N tại Việt Nam

Dù chưa rõ thực hư của thông tin trên, F&N vẫn là một tập đoàn mạnh và hiện đây là cổ đông ngoại nắm giữ số lượng cổ phần lớn nhất tại Vinamilk – công ty lớn nhất Việt Nam theo giá trị thị trường. F&N chỉ đứng sau SCIC trong danh sách các cổ đông lớn nhất của Vinamilk.

F&N chỉ đứng sau SCIC trong danh sách các cổ đông lớn nhất của Vinamilk

F&N đầu tư vào Vinamilk từ khi hãng sữa Việt cổ phần hóa cách đây hơn 10 năm. Trong năm 2005, khi nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk từ 60% xuống 50%, F&N, thông qua công ty con là F&N Dairy Investment, đã mua thêm hơn 6% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu từ 5% lên 11,1%.

Do pha loãng từ các đợt phát hành ESOP và chào bán riêng lẻ, đến năm 2014, tỷ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk giảm xuống còn 10%. Sau đó F&N đã chi 100 triệu USD để mua thêm 1%, nâng sở hữu lên 11,04% như hiện nay. Nếu F&N mua thêm được 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ thì tổng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này sẽ lên đến 56%, đủ F&N có thể nắm quyền kiểm soát đối với Vinamilk.

Trước đó, ngày 11/9/2015, hãng tin Bloomberg (Mỹ) trong một bài phỏng vấn với Bà Bùi Thị Hương –  Giám đốc điều hành của Vinamilk – cho biết Công ty Cổ phần sữa Việt Nam sẵn sàng để tăng tỷ lệ giới hạn sở hữu nước ngoài lên mức tối đa theo sự cho phép của nhà nước. “Chúng tôi mong muốn mở room tối đa theo sự cho phép của nhà nước vì sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài không những đem lại những thuận lợi về vốn cho công ty mà còn đem lại cho Vinamilk những kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp” – Bà Hương cho biết.

Đây cũng là nội dung nằm thuộc đề xuất thứ 2 trong số 4 đề xuất về quá trình thoái vốn Nhà nước khỏi doanh nghiệp vừa được Vinamilk chính thức trình Thủ tướng và 2 ủy ban Kinh tế và Tài chính & Ngân sách của Quốc hội. Theo đó Vinamilk đề xuất nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% (thay vì 49% hiện nay) với lý do sữa không phải là ngành nghề kinh doanh nhạy cảm.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh đồ uống, F&N còn là một “đại gia có máu mặt” trong thị trường bất động sản. Thông qua công ty con Fraser Centrepoint, F&N sở hữu hàng loạt bất động sản có giá trị trải dài từ London, Paris, Dubai tới Singapore. Nổi bật trong số các bất động sản của F&N có trung tâm mua sắm Centrepoint thuộc Đại lộ Orchad – thiên đường mua sắm ở Singapore hay khu dân cư Riverside bên bờ sông Thames tại Anh.

Tại Việt Nam, F&N cũng đang sở hữu nhiều bất động sản có giá trị như tòa tháp Melinh Point Tower tại trung tâm TP.HCM hay Fraser Suites bên cạnh Hồ Tây, Hà Nội.

Quay ngược thời gian về 132 năm trước, đấy là vào năm 1983, khi hai chàng trai người Scotland là John Fraser và David Chalmers Neave cùng nhau thành lập nên công ty Singapore and Straits Aerated Water với quy mô khiêm tốn, chỉ có vỏn vẹn 20 nhân sự, chuyên sản xuất nước giải khát có ga. Hơn một thế kỷ sau đó, công ty này đã thực sự trở thành một trong những đại gia trong ngành thực phẩm và nước giải khát trong khu vực.

Năm 1985, đánh dấu cột mốc khi công ty Singapore and Straits Aerated Water của hai chàng trai trẻ chính thức đổi tên thành Fraser & Neave (hay F&N) niêm yết lần đầu tiên trên sàn chứng khoán.

Năm 1931, F&N liên doanh với Heineken của Hà Lan, thành lập nên Công ty TNHH Malayan Breweries. Công ty này sau đó đã đổi tên thành Công ty TNHH Asia Pacific Breweries vào năm 1990 để sản xuất bia. Thương hiệu bia Tiger như một sản phẩm “cây nhà lá vườn” đầu tiên của doanh nghiệp Singapore ra đời chỉ một năm sau đó.

Thương hiệu bia Tiger là sản phẩm của sự hợp tác giữa F&N và Heineken những năm 1991 

Đến năm 1936, F&N được Coca Cola trao nhượng quyền đóng chai sản phẩm nước giải khát của hãng này tại Singapore và Malaysia.

Năm 1959, nhà máy sữa đặc có đường đầu tiên trong khu vực được F&N liên doanh với công ty Beatrice Foods của Chicago xây dựng ở Petaling Jaya, Malaysia. Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ năm 1961. Tuy vậy, đến năm 1968, dây chuyền sản xuất sữa của F&N mới bắt đầu chạy ở Singapore.

Đến năm 1974, F&N cho ra mắt logo chính thức của tập đoàn để phản ánh tốt hơn sự phát triển của doanh nghiệp và sự mở rộng ra tầm quốc tế.

Logo hiện tại của F&N

Năm 1983, F&N kỷ niệm sự kiện100 năm hoạt động của tập đoàn bằng cách cho ra mắt dòng sản phẩm nước uống thể thao có ga 100PLUS.

Năm 1985, nhà máy sản xuất nước giải khát và bia của F&N ở Singapore được chuyển địa điểm sang các vùng đất trống để phục vụ cho chiến lược phát triển của tập đoàn khi F&N quyết định thâm nhập vào thị trường kinh doanh bất động sản.

Năm 1987, F&N cùng với Goodman Felders Watties nắm được quyền kiểm soát công ty Cold Storage Holdings. Đến năm 1990, Cold Storage Holdings thực hiện tái cơ cấu, Centrepoint Properties trở thành một thành viên của F&N, đồng thời tập đoàn cũng thực hiện mua lại các nhà máy sữa của Cold Storage Holdings tại Singapore.

Năm 1995, F&N thành lập nên Công ty TNHH Myanmar Brewery để đăng ký một chỗ đứng tại thị trường bia đang phát triển ở đất nước này.

Năm 2006, F&N thông báo mua lại phân nhánh sản xuất sữa đóng hộp, sữa lạnh và nước trái cây tại Thái Lan và Malaysia của Nestle. Sau khi hoàn thành thương vụ vào năm 2007, F&N chính thức trở thành công ty sản xuất sữa đóng hộp lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2012, Heineken chi 4,1 tỷ USD để mua hết số cổ phần của F&N trong APB, thâu tóm luôn thương hiệu bia Tiger

Đến tháng 9/2012, hãng bia Heineken của Hà Lan thâu tóm thành công Công ty TNHH Asia Pacific Breweries (APB), chủ sở hữu thương hiệu bia Tiger với giá 5,1 tỷ đô la Singapore, tương đương 4,1 tỷ USD bằng việc mua hết tất cả số cổ phần mà F&N nắm giữ.  

Hiện F&N đang thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi

F&N hiện thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Sau khi “phá bĩnh” không thành thương vụ mua lại APB của Heineken với F&N, thông qua 2 công ty thành viên là TCC Asset và ThaiBev, tỷ phú Thái đã quay sang thâu tóm luôn cả F&N bằng việc sở hữu đến 88% cổ phần của công ty này.

Phương Phương 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến