F&N phủ nhận thương vụ 4 tỷ USD, Vinamilk “hiến kế” cho SCIC thoái vốn
03/11/2015 15:28:48
ANTT.VN - Sáng nay (3/11), Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) đã phủ nhận thông tin doanh nghiệp này đã gửi thư chào mua 45% cổ phần của Vinamilk hiện do SCIC đang nắm giữ. Bản thân Vinamilk cũng trình Thủ tướng chính phủ các đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả việc thoái vốn của SCIC thời gian tới.

Tin liên quan

 

Sáng nay (03/11), F&N đã có công văn gửi Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) thông báo: “F&N không gửi bất kỳ đề nghị chào mua về việc mua lại cổ phần của SCIC tại Vinamilk”.

Trước đó, theo thông tin từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn thì F&N đã ngỏ lời mua 45% cổ phần của Vinamilk với giá 4 tỷ USD – cao hơn 43% so với thị giá hiện tại.

F&N không gửi bất kỳ đề nghị chào mua về việc mua lại cổ phần của SCIC tại Vinamilk

Được biết, F&N đầu tư vào Vinamilk từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa cách đây hơn 10 năm. Trong năm 2005, khi nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại Vinamilk từ 60% xuống 50%, F&N đã mua thêm hơn 6% cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu từ 5% lên 11,1%.

Do pha loãng từ các đợt phát hành ESOP và chào bán riêng lẻ, đến năm 2014, tỷ lệ sở hữu của F&N tại Vinamilk giảm xuống còn 10%. Sau đó F&N đã chi 100 triệu USD để mua thêm 1%, nâng sở hữu lên 11,04% như hiện nay.

Nếu F&N mua thêm được 45% cổ phần của Vinamilk mà SCIC đang nắm giữ thì tổng tỷ lệ sở hữu sẽ lên đến 56% - tỷ lệ đủ để nắm quyền chi phối đối với doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa này.

Hiện F&N có 1 đại diện trong Hội đồng quản trị gồm 6 người của Vinamilk.

Trong một diễn biến khác, nhằm nâng cao hiệu quả của việc thoái vốn nhà nước tại Vinamilk theo đề án Tái cơ cấu Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Vinamilk cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị phương thức bán phần vốn Nhà nước tại Vinamilk.

Theo đó, Vinamilk đưa ra 4 đề xuất liên quan đến Lộ trình thoái vốn, giới hạn sở hữu của Nhà đầu tư nước ngoài, phương thức thoái vốn và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ nhất: Lộ trình thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước nên sớm được công bố rõ ràng để nhà đầu tư có sự chuẩn bị tốt. Theo đánh giá của Vinamilk, đây là thời điểm thuận lợi để thoái vốn. Ngoài ra, không nên chia quá nhỏ số lượng cổ phần bán mỗi lần thoái vốn, chỉ nên chia số lượng cổ phần của Nhà nước thành không quá 3 đợt, mỗi đợt tối thiểu 10% vốn điều lệ của Vinamilk.

Thứ hai: Chính phủ nên cho phép nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 100% do ngành sữa không phải là ngành nghề nhạy cảm, không ảnh hưởng đến an ninh lương thực. Việc các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu đa số tại Vinamilk không đồng nghĩa với việc xóa sổ thương hiệu Việt mà ngược lại sẽ góp phần hỗ trợ Vinamilk trong quá trình tiến ra thị trường quốc tế.

Thứ ba: Đấu giá là phương thức tốt nhất để đảm bảo công khai, minh bạch và không gây biến động thị trường do số lượng cổ phiếu SCIC đang sở hữu tại Vinamilk lớn. Thêm vào đó, đấu giá cũng cho phép xác định giá khởi điểm theo đúng giá trị thực của Vinamilk. Cần thuê một tổ chức tư vấn tài chính quốc tế chuyên nghiệp để tổ chức đấu giá để đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước cả về mặt lượng tiền thu được lẫn về mặt hình ảnh và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư đối với Việt Nam.

Thứ tư: Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần nên được tổ chức tư vấn trao đổi với công ty nhằm đảm bảo hoạt động của Công ty sau khi Nhà nước thoái vốn ngày càng được nâng cao.

PV

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến