Ông Lê Hồng Thái
Khoáng sản Hợp Thành và bóng dáng của PVN, PVC
Nói về Chủ tịch Lê Hồng Thái, không thể không kể đến quá trình lập thân lập nghiệp gắn liền với PVN, PVC. Trước đó, năm 2002, ông Lê Hồng Thái thành lập Công ty TNHH Hợp Thành (gọi tắt là Hợp Thành) tại Thành phố Thái Bình, chuyên sản xuất xơ sợi polyester.
Đi lên từ sản phẩm có nguồn gốc dầu mỏ, giai đoạn phát triển nhanh chóng của Hợp Thành cũng gắn liền với các đối tác trong ngành này.
Năm 2007, CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (gọi tắt là Khoáng sản Hợp Thành) được thành lập và nhanh chóng phát triển trở thành một tập đoàn đa ngành với quy mô rất lớn. Sau 6 năm hoạt động, Khoáng Sản Hợp Thành có tổng tài sản 2.733,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 460 tỷ đồng, nắm trong tay một loạt công ty con như Công ty Gang thép Hà Tĩnh, Công ty Sắt Vũ Quang, Công ty Hoá Cốc Hà Tĩnh, Công ty Khoáng sản Vạn Lợi Quảng Ngãi, Công ty sản xuất Sô Đa Chu Lai, Công ty Khoáng sản Miền Trung...
Cuối tháng 9/2010, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) Trịnh Xuân Thanh ký tờ trình bầu bổ sung ông Lê Hồng Thái làm Uỷ viên HĐQT của PVC.
Trước đó, ông Lê Hồng Thái đã có 2 năm làm Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Xây lắp Dầu khí Imico (PVC-IMICO) - đơn vị thành viên của PVC.
Liên tục “trúng lớn” các dự án “khủng”
Lấn sân sang lĩnh vực Bất động sản lần đầu tiên năm 2009 với dự án thâu tóm biệt thự 69 Nguyễn Du, Khoáng sản Hợp Thành đã chi ra 95,9 tỉ đồng, ngon lành ẵm “đất vàng” từ tay PVC với giá khoảng 160 triệu đồng/m2. Biệt thự này được UBND TP.Hà Nội bán chỉ định cho PVC để cải tạo làm trụ sở; thời gian sử dụng 50 năm, không được phép chuyển nhượng hoặc chuyển mục đích nếu không được TP. Hà Nội cho phép.
Song đến cuối năm 2009, PVC lại ký hợp đồng chuyển nhượng “đất vàng” cho khoáng sản Hợp Thành. Vụ chuyển nhượng đang bị Thanh tra Chính phủ đưa vào tầm ngắm vì không chấp hành pháp luật khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên mảnh đất này.
'Đất vàng' 69 Nguyễn Du đang trong tầm ngắm của Thanh tra Chính phủ
Năm 2011, Khoáng sản Hợp Thành là 1 trong 5 chủ đầu tư thứ cấp mua 46,8 ha tại dự án Vincom Village với giá trị 770 triệu USD (Hợp Thành mua 30 triệu USD).
Vụ thâu tóm khách sạn Daewoo năm 2012, đánh bật ông lớn Lotte đã khiến cái tên Khoáng sản Hợp Thành nổi lên nhanh chóng. Vụ “sang tay” khách sạn Daewoo được đồn có giá trị chuyển nhượng lên tới gần trăm triệu USD. Phi vụ này, Hợp Thành không trực tiếp ra mặt mà “núp bóng” một doan nghiệp có tên Hanel. Vài năm sau vụ chuyển nhượng, giới đầu tư mới biết đến cái tên Hợp Thành đứng sau thương vụ đình đám này.
Thâu tóm xong khách sạn Daewoo, đại gia khoáng sản Hợp Thành tiếp tục bành trướng thế lực ra ngoài ngành khai khoáng với một số thương vụ đầu tư khủng như việc hơn 24% vốn tại CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ (vốn điều lệ 200 tỷ đồng). Vinalines góp 51% vốn điều lệ.
Gần đây, Hợp Thành nổi lên với thương vụ thâu tóm 86% cổ phần và trở thành nhà đầu tư chiến lược của Cảng Quy Nhơn (QNP). Đây là một cảng biển trọng điểm khu vực miền Trung trước do Vinalines sở hữu 100%.
Cảng Quy Nhơn là một trong 5 cảng biển mà Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ khi cổ phần hóa. Doanh nghiệp này chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 11/2013 với số vốn điều lệ hơn 400 tỷ đồng, trong đó Vinalines nắm giữ 75,01%. Tuy nhiên, sau hai lần thoái vốn vào tháng 2/2015 và tháng 8/2015, cảng Quy Nhơn đã không còn vốn nhà nước.
Sau nhiều lùm xùm liên quan, đến tháng 5/2019, Vinalines và Công ty Hợp Thành đã ký Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu cổ phần Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn; Vinalines đã hoàn trả cho Công ty Hợp Thành số tiền đã nhận khi chuyển nhượng 75,01% vốn điều lệ Cảng Quy Nhơn (415.156.027.500 đồng - đúng bằng số tiền gốc Hợp Thành chi ra) và Công ty Hợp Thành đã thực hiện thủ tục theo quy định để chuyển quyền sở hữu 75,01% cổ phần Cảng Quy Nhơn cho Vinalines. Tuy vậy, phần lợi ích phát sinh của Hợp Thành tại Cảng Quy Nhơn vẫn tiếp tục được cơ quan Nhà nước xem xét, tính toán kỹ lưỡng.
Từ đại gia trở thành con nợ
Với việc thâu tóm nhiều dự án “khủng”, nhiều người nghi ngờ về tiềm lực tài chính của Khoáng sản Hợp Thành. Trong thương vụ Daewoo, doanh nghiệp này khất lần nợ tiền không trả Hanel trong nhiều năm.
Tới cuối 2012, khoản phải thu ngắn hạn của Hanel đối với Khoáng sản Hợp Thành là hơn 180,8 tỷ đồng (trong khi phải thu đối với Hợp Thành 1 là hơn 330,5 tỷ đồng). Đây là khoản phải thu về chuyển nhượng vốn góp vào Công ty TNHH Daeha và giá trị quyền lợi, lợi thế chuyển giao không bồi hoàn theo hợp đồng mua bán phần vốn góp có điều kiện và hợp đồng sửa đổi giữa Hanel với 2 doanh nghiệp của ông Lê Hồng Thái.
Tới cuối 2013, Khoáng sản Hợp Thành vẫn nợ hơn 122 tỷ đồng cùng với hơn 11 tỷ đồng mà Hợp Thành cam kết bồi hoàn toàn bộ chi phí tư vấn mà Hanel đã chi trả trước đó.
Tới cuối 2014, Hợp Thành 1 còn nợ Hanel hơn 107 tỷ đồng, trong khi Khoáng sản Hợp Thành còn nợ gần 29 tỷ đồng.
Nợ nần chồng chất, 2 năm liên tiếp từ 2016 - 2017, ông Lê Hồng Thái lần lượt thoái vốn ở 2 doanh nghiệp do chính tay mình gây dựng. Đối với Khoáng sản Hợp Thành, ông Thái dường như không còn nắm giữ chức vụ gì tại đây, thay vào đó, ông Phạm Đình Thuật đang là người giữ chức vụ Giám đốc. Ông Thuật cũng từng là thành viên trong Ban kiểm soát CTCP Cảng Quy Nhơn nhiệm kỳ 2013 - 2018.
Tụt dốc trầm trọng, những năm gần đây, nhiều dự án của Hợp Thành hay của các công ty con bị rơi vào tình trạng đắp chiếu, bị thu hồi như: Thép Vạn Lợi, nhà máy tuyển quặng ở Quảng Ngãi, dự án tuyển quặng sắt của CTCP Khoáng sản Miền Trung,...
Thúy Quỳnh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy