Chặt cây xanh: Sao nhà tài trợ nào ép chặt cây? UBND là cấp dưới của họ à!?
22/03/2015 08:48:16
ANTT.VN - Nếu con người chỉ còn sống với nhau nữa thôi thì buồn quá trong đô thị này, nếu nghe được tiếng chim hót thì phải nói là khoan khoái biết bao nhiêu vào buổi sáng…

Tin liên quan

Đó là chia sẻ của TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam trước việc Thủ đô Hà Nội chặt thay thế 6.700 cây xanh, những điều ông trải lòng cũng là nỗi niềm của bao người dân yêu Hà Nội vào thời điểm này.

TS.Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (ảnh: vietq.vn)

Thưa ông, trách nhiệm của UBND Tp.Hà Nội như thế nào trong việc chặt 6.700 cây xanh?

Cây xanh là của Thành phố nên chặt hay trồng, quy hoạch đều là trách nhiệm của UBND Tp, còn Ủy ban giao việc đó cho ai đó là việc của ủy ban, nhưng mà đối với nhân dân, đối với cấp trên thì đó là công việc, là trách nhiệm của UBND Tp.

Đại diện UBND Tp có nói việc chặt cây là do "sức ép" của nhà tài trợ, vậy ông có bình luận gì về điều này?

Sao lại nhà tài trợ nào ép chặt cây? Vậy UBND là cấp dưới của họ à!?

Vậy theo ông tại sao người dân Thủ đô nói riêng và người dân yêu HN nói chung lại có sự phản ứng mạnh mẽ như vậy trước việc chặt 6.700 cây xanh?

Họ phản ứng vì kế hoạch chặt cây này vô lý, nhiều điều không rõ ràng, không minh bạch và có vẻ có lợi ích nhóm, cho nên người ta phản và người chịu thiệt hại sau tất cả chính là họ - nhân dân thành phố.

Theo ông nên quy hoạch cây xanh thủ đô như thế nào cho hợp lý?

Tất nhiên, quy hoạch nào đầu tiên cũng phải nghĩ đến hiện trạng đã rồi mới nói chuyện phát triển thêm, Hà Nội cũng thế thôi, Hà Nội hiện nay gồm hai phần, một phần hiện hữu và một phần đang phát triển và sẽ phát triển. Đối với phần hiện hữu là phải cân nhắc chứ chẳng lẽ phải san bằng đi? Đúng là phần hiện hữu ngày nay cũng có phần lộn xộn, nhưng nó lại có nhiều di sản, kiến trúc và văn hóa, có thể nói là “lịch sử đã hóa thành gạch đá”, thế thì ngày xưa lịch sử chúng ta, cha ông chúng ta “ ăn lông ở lỗ” thì chúng ta lại xóa hết? đối với quy hoạch trước hết là phải như thế.

Những cái gì bất hợp lý đương nhiên là chúng ta cũng phải sửa, nhưng không phải là san bằng đi để sửa. Chẳng hạn như bây giờ có nhiều cây bị nhô ra ngoài đường khiến người đi lại, xe cộ có thể mắc vào thì đúng là cái đó là phải chặt đi, mà không cần chặt cái cây, chỉ cần chặt bộ phận mà nó nhô ra ngoài đường thôi, chứ anh nhân danh có cành cây nhô ra ngoài đường là chặt cả cái cây? Cũng vô lý.

Thêm nữa bảo rằng cây rễ nông, dễ bị đổ vậy nó có đổi đâu, 50 năm nay nó có đổ đâu? Có thể có một vài cây đổ khi có bão lớn chứ có phải cây nào cũng đổ, cây nào cũng đổ thì có những cây 50 – 60 năm tuổi, thậm chí có nhiều cây còn vài trăm năm tuổi. Những cái cây đã sống từng ấy năm rồi bây giờ lý lẽ gì nếu nó không bị mục nát hay nó chết thì làm sao lại thay đi? Ông Ngô Bảo Châu cũng đưa ra quan điểm chẳng lẽ những ngôi nhà cũ của Hà Nội cũng “bứng” đi hết à?

Thứ hai nữa, cây xanh đâu chỉ tạo ra màu xanh, nó còn là một bộ phận của cảnh quan Thủ đô. Tôi còn nhớ có hồi nhân dân ở các nơi người ta bảo rằng “Liễu rủ hồ Gươm” mà đến chẳng thấy cây liễu nào cả, người ta phàn nàn, bây giờ mới trồng được mấy cây xung quanh hồ, cây liễu đó có phải lấy bóng mát đâu? Mà nó là cảnh quan. Hay cây Lộc vừng có phải là cái đặc sắc của hồ Hoàn Kiếm không? Cả nước đều biết đến, bao nhiêu nhiếp ảnh gia chụp ảnh, thế cây lộc vừng ấy cũng chặt à?

Nhiều cảnh quan khác như cây Cọ dừa thì làm gì có bóng nào? Chỉ có vài lá ở trên ngọn thôi mà rất cao, vậy thì cốt là lấy vẻ đẹp của nó chứ lấy gì cái cây, cái bóng, màu xanh, thêm nữa cây đâu chỉ có phải là thực vật mà nó còn là nơi sinh sống của rất nhiều động vật và nhiều sinh vật chẳng hạn như: chim, bướm, ong, sóc…, cho nên cây là giúp bảo vệ sự đa dạng sinh học của đô thị, nếu con người chỉ còn sống với nhau nữa thôi thì buồn quá trong đô thị này. Nếu nghe được tiếng chim hót thì phải nói là khoan khoái biết bao nhiêu vào buổi sáng, đằng này cái vị đó có lẽ là không thích gì những chuyện đấy mà chỉ nhìn cái cây là cái cây thôi, thế mà muốn đa dạng sinh học thì cây xanh nó phải thành dải, liên tục với nhau thì mới sống được, chứ cách nhau hàng mấy cây số thì làm sao những loài động vật có thể di chuyển được.

Bên cạnh đó, cây còn phần vật thể của nó, lại còn phần giá trị phi vật thể của nó, chẳng hạn tại sao cây cổ thụ lại được người dân ta kính trọng như thế? Đó là phần phi vật thể đấy chứ, tức là cái cây sống từng ấy năm, chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử Thủ đô, nó là chứng nhân của lịch sử nhân dân ta rất kính trọng, thậm chí ở nhiều nơi ở miền núi người dân còn mang hương đến cúng những cây cổ thụ như thế, coi đó như một phần tâm linh. Cây là bạn của con người, sống với con người suốt cả đời người, mở mắt ra là thấy, bây giờ chặt nó đi cũng như giết một người bạn của họ, tất nhiên cây cũng như người bạn rồi cũng già đi thì chết, nhưng đó là già, hay nó ốm nó chết thì nó bị ốm, chứ tự nhiên ai đó cầm dao đến giết bạn thì chịu thế nào nổi?

Thưa ông, tại sao lại chọn cây vàng tâm là cây được trồng thay thế 6.700 cây bị chặt? 

Tôi nghe nói đây là cây có giá trị cao về gỗ, chúng ta đã có bài học cây sưa rồi, ở trong công viên hay trên phố người ta đến chặt ăn trộm, mà ăn trộm công khai, chặt cái cây đâu có phải như bắt chộm chó, bây giờ thử hỏi thành phố thay bọn ăn cắp nuôi cái cây, ít lâu lại mất công cử người đi canh? Cây trồng ở đô thị đâu phải lấy gỗ quý, gỗ quý là trồng ở rừng chứ không phải trồng trong thành phố. Có một môn học về đô thị đó là môn Lâm nghiệp đô thị, trong đó có hướng dẫn về giống cây, cách trồng, cách quản lý khác với lâm nghiệp thông thường.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thực hiện: Kiều Chinh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến