Châu Âu trước nguy cơ giảm phát
28/09/2015 13:10:08
ANTT.VN - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết hồi đầu tháng rằng lạm phát thấp có thể dẫn tới những tác động tiêu cực trong phần còn lại của năm do giá dầu lao dốc.

Tin liên quan

Giá cả hàng hóa đi xuống đang đe dọa kéo lùi những nỗ lực của ECB hướng đến mục tiêu lạm phát 2% trong năm nay, thậm chí có thể dẫn tới nguy cơ giảm phát. Trong khi giới chức ngân hàng này luôn nhấn mạnh họ sẽ mở rộng các gói kích thích nếu cần thiết, giới phân tích cho rằng tổ chức này có thể sẽ cần thêm những dấu hiệu rõ ràng trước khi ra quyết định.

“Số liệu tháng 9 hầu như sẽ không khuyến khích ECB đưa ra bất cứ hành động nào. Chính sách nới lỏng định lượng (QE) đã ngăn ngừa tác động tiêu cực của hiệu ứng tầng hai (second-rounf effects) từ giá dầu thấp. Bên cạnh đó, sự nhích lên trong tỉ lệ lạm phát những tháng gần đây cho thấy những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế. Một vài người có thể lo lắng bởi lạm phát giảm trong tháng 9, tuy nhiên mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ECB”, Ben May, nhà kinh tế học tại Oxford Economics Ltd cho biết.

Tỷ lệ lạm phát của Eurozone đã ở dưới mức 2% trong gần 3 năm qua.

Số liệu về giá cả hàng hóa và tỉ lệ lạm phát trong tháng 9 sẽ được ECB công bố vào thứ 4 tới. Bloomberg cho rằng con số này sẽ rơi vào khoảng từ 0,2-0,3%.

Giá dầu đã giảm tới 23% kể từ tháng 6, và hơn 50% so với 12 tháng trước, qua đó thúc đẩy tiêu dùng và tăng thu nhập khả dụng của người dân trong bối cảnh nền kinh tế trong khu vực đang có dấu hiệu hồi phục sau khủng hoảng 2008.

Kích thích

Chủ tịch ECB ông Draghi thừa nhận rằng trong khi gói QE trị giá 1,1 nghìn tỷ Euro(1,2 nghìn tỷ USD) đang phát huy tác dụng, thì lạm phát lại tăng chậm và yếu hơn dự tính. Hồi giữa tháng, ECB đã giảm dự báo lạm phát và tốc độ tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu cho tới năm 2017.

Số liệu cho thấy nền kinh tế thế giới đang yếu đi, với tốc độ chậm lại từ các nền quốc gia mới nổi. 2/3 số chuyên gia được Bloomberg khảo sát đầu tháng nay cho rằng ECB sẽ tiếp tục mở rộng gói QE ngay trong năm 2015.

“Chúng ta có thể thấy con số tiêu cực về lạm phát trong những tháng tới. Liệu đó có phải giảm phát? ECB cho rằng đấy chỉ là hiệu ứng tạm thời, phần lớn do giá dầu xuống thấp,”, “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ tất cả các thông tin sắp tới và tôi muốn nhấn mạnh rằng ECB luôn sẵn sàng và có đủ năng lực để phản ứng lại mọi biểu hiện tiêu cực trong nền kinh tế .”, ông Draghi cho biết.

Chủ tịch ECB Mario Draghi cùng giới lãnh đạo ngân hàng này đang đối mặt với nguy cơ giảm phát của Eurozone.

“Yếu tố khó lường”

Giới chức ECB có thể cảm thấy bớt áp lực đôi chút khi nhìn vào tỉ lệ lạm phát cơ bản, chỉ số này không bao gồm những yếu tố có tính biến động mạnh như năng lượng hay thực phẩm. Sau khi giảm xuống mức 0,6% trong tháng 1, chỉ số này đã tăng lên mức 1% trong tháng 7. Giới phân tích dự đoán con số này sẽ ở mức 0,9% trong tháng 9, giữ nguyên so với tháng trước.

“Nếu nhìn vào chỉ số lạm phát cơ bản, chúng ta có thể thấy con số này tương đối ổn định kể từ đầu năm,”, “Trong trường hợp này, chúng ta cần phải xem xét những ‘yếu tố khó lường’ có thể tác động mạnh tới lạm phát trong những tháng tới.”, Nowotny, thành viên ECB Governing Council cho biết tuần trước.

Nowotny đồng thời là chủ tịch Ngân hàng Trung ương Áo, cho biết thêm rằng ECB nên thận trọng với việc mở rộng các gói kích thích trong tương lai gần. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Lithuanian Vitas Vasiliauskas cũng cho hay hôm 24 tháng này rằng các cuộc thảo luận mở rộng gói QE có thể sẽ không diễn ra cho tới tháng 12, khi ECB công bố những số liệu kinh tế mới giúp tình hình trở nên rõ ràng hơn.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng chủ tịch Draghi cùng các đồng sự đang rất cảnh giác với nguy cơ giảm phát. Cho dù là trong ngắn hạn bởi giá dầu thấp, có thể sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền tới phần còn lại của nền kinh tế.

Nghi Điền (Theo Bloomberg)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến