Dòng sự kiện:
Chi cục Đê điều Nam Định 'ngăn sông cấm chợ'
19/05/2016 16:07:44
ANTT.VN – Ngày 15/5, một chiếc xe tải loại 1,2 tấn khi lưu thông trên đê Hữu Hồng đoạn từ Xuân Trường đi Giao Thủy (Nam Định) đã đâm vào và làm hư hỏng rào chắn barie. Nguyên do là vì biển báo cho phép xe 12 tấn nhưng barie chắn ngang lại chỉ cao 2,4 m nên lái xe không hiểu thông điệp này (?!)

Tin liên quan

Đường cho phép xe 12 tấn nhưng xe 1,2 tấn không chui lọt (!)

Ảnh do bạn đọc ANTT.VN có mặt tại hiện trường cung cấp. Theo bạn đọc nói trên, sau khi đâm hỏng rào chắn barie nói trên, không thấy cá nhân hay đơn vị nào đứng ra giải quyết nên lái xe tải này cũng rời khỏi hiện trường.

Chiếc xe 1,2 tấn húc đổ rào chắn vì nhìn thấy biển báo cho phép xe 12 tấn 

Trước đó, tòa soạn ANTT.VN cũng vừa nhận được đơn thư phản ánh của một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) về việc trên tuyến đê Hữu Hồng đoạn từ Xuân Trường đi Giao Thủy mặc dù có biển báo cho phép xe tải trọng 12 tấn đi qua, nhưng hiện Chi cục đê điều của tỉnh đang thi công đóng cọc các cột barie cao 2,4 mét khiến cho xe tải trọng 1,2 tấn cũng không thể chui lọt.

Từ phản ánh của người dân, PV ANTT.VN đã tìm về thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) để tìm hiểu vụ việc.

Theo quan sát của PV, trên mặt đê Hữu Hồng đoạn km 198 nối huyện Xuân Trường với Giao Thủy đang cắm nhiều biển báo cho phép xe tải trọng 12 tấn, và thực tế các xe trong giới hạn tải trọng này vẫn đang được lưu thông.

Tuy nhiên, gần đây nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỏ ra khá bất ngờ khi thấy nhiều nhân công của Công CP Xuân Trường 2 (thuộc Tập đoàn Xuân Trường) đang thi công chôn các cọc barie trên mặt đê, chiều cao barie là 2,4 mét.

Theo phản ánh của anh N.V.C (giám đốc một DN xây dựng xin được giấu tên), việc Chi cục đê điều Nam Định dựng các barie cao 2,4 m trên mặt đê quốc gia cho phép xe tải trọng 12 tấn là vi phạm pháp luật đê điều. Thực tế xe 12 tấn thì chiều cao tối thiểu phải là 3,2 m, do đó không thể chui qua barie 2,4 m được.

Cùng chung nỗi bức xúc này, anh P.P.T (Chủ DN C.T) cho biết: “Hiện trên địa bàn có khoảng hơn 100 DN hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, đóng tàu, chăn nuôi trang trại… Việc dựng barie khống chế tải trọng xe không căn cứ vào văn bản, luật lệ nào như thế này khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong lưu thông vật liệu, hàng hóa”.

Một doanh nghiệp vạch chiều cao 2,4 m lên thân cột barie để PV xem

Một barie đã hoàn thành, có cắm biển báo 12 tấn trên đầu

Theo anh T, không cần phải đến xe 12 tấn, thực tế với chiều cao barie 2,4m thì xe 6,9 tấn chưa kể thùng xe, ngay cả đầu xe cũng không chui lọt. Để chứng minh, anh T chỉ đạo nhân viên đánh ngay chiếc xe tải 6.9 tấn ra đứng cạnh chân cột barie cho PV xem.

Xe 6,9 tấn không tính cơi nới phần thùng thì kể cả phần đầu xe cũng không chui lọt chiều cao 2,4 m (vạch trắng trên cột)

Thậm chí cả xe 3 tấn cũng không chui lọt:

Ngay cả xe 1,2 tấn cũng khó mà lưu thông qua:

Cụ thể là chiếc xe 1,2 tấn khi đi qua đã đâm gãy rào chắn hôm 15/5 vừa rồi.

Cấm xe quá tải hay cả xe đúng tải?

Đem vấn đề thắc mắc của doanh nghiệp hỏi ông Truyền (Hạt trưởng Hạt Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão huyện Xuân Trường), PV nhận được câu trả lời: Đây là đoạn đê phục vụ phòng chống lụt bão do Ban quản lý dư án thuộc Sở NN&PTNT của tỉnh phụ trách. Hiện đoạn đê vẫn đang trong giai đoạn thi công chưa bàn giao, bản thân ông Truyền không có chức năng phát ngôn nên không có ý kiến gì.

Ông Ngô Đức Hoàn (Trưởng phòng NN&PTNN huyện Xuân Trường) cho biết: Đoạn đê vẫn đang thi công, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp, tiếp quản và quản lý công trình trên địa bàn. Nếu sau khi nhận bàn giao công trình mà xảy ra vấn đề thì chúng tôi mới có ý kiến.

Trao đổi với ANTT.VN, ông Đặng Ngọc Thắng (Chi cục phó phụ trách Chi cục Quản lý đê điều & PCLB tỉnh Nam Định) cho biết: Số barie mà Sở đang thi công là barie mở, nghĩa là không chắn hoàn toàn, đảm bảo các xe đông lạnh, xe thùng đúng tải trọng vẫn được đi qua, chỉ cấm các xe quá tải trọng để tránh gây hư hỏng mặt đê.

“Thời gian vừa qua tình trạng các xe tải cơi nới vượt quá tải trong cho phép đi trên đê đã làm tuyến đê mặc dù mới sửa chữa năm 2014 đã bị xuống cấp nhiều đoạn. Có những xe cơi nới lên đến 60 - 70 tấn” – ông Thắng nói.

Một số đoạn mặt đê bị hư hỏng trơ sỏi đá phải tiến hành vá lại

Bản vẽ kỹ thuật của công trình làm rào chắn barie nói trên

Ông Bùi Sỹ Sơn (Phó Giám đốc phụ trách đê điều Sở NN&PTNT Nam Định) cho biết: Đây là đoạn đê có chức năng phòng chống lụt bão của tỉnh, thời gian vừa qua tình trạng xe tải đi qua nhiều đã gây ra hư hỏng một số chỗ trên mặt đê. Ông Sơn cũng khẳng định chủ trương cắm rào chắn barie là đã xin ý kiến của các cơ quan chức năng trước khi tiến hành.

Đê Hữu Hồng là tuyến đê cấp 1, cho phép xe tải trọng 12 tấn trở xuống. Tuy nhiên, theo quan sát của PV thì kể cả những xe tấn loại nhỏ: 2,5 tấn hay chiếc xe vừa húc đổ rào chắn là loại 1,2 tấn không hề cơi nới cũng không đi qua được độ cao 2,4 m. Như vậy, rào chắn của Sở Nông nghiệp tỉnh đang chặn cả những xe đúng tải trọng cho phép chứ không chỉ xe quá tải trọng. Hơn nữa, theo phản ánh của doanh nghiệp và quan sát của PV thì trên tuyến đê cắm barie này cũng không hề có một trạm cân nào. Vậy làm như thế nào Sở NN &PTNT tỉnh Nam Định phân biệt được đâu là xe vượt tải trọng hay không?

Điều 13. Tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê

1. Đoạn đê kết hợp làm đường giao thông theo quy định tại Điều 28 Luật Đê điều có tính toán xác định tải trọng thiết kế, cho phép xe cơ giới đi trên đê theo tải trọng thiết kế được phê duyệt.

2. Đoạn đê chưa có tính toán xác định tải trọng cho phép xe cơ giới đi trên đê nhưng mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông hoặc rải nhựa, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 12 tấn.

3. Đoạn đê không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cho phép xe cơ giới đi trên đê có tổng tải trọng không vượt quá 10 tấn.

(THÔNG TƯ 54/2013/TT-BNNPTNT Bộ Nông nghiệp và

Phát triển Nông thôn ngày 17/12/2013 về Hướng dẫn phân cấp đê

và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê)

Điều 5. Khổ giới hạn của đường bộ

1. Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe, kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn.

2. Khổ giới hạn về chiều cao của đường bộ là 4,75 mét đối với đường cao tốc, đường cấp I, II, III và 4,5 mét đối với đường cấp IV trở xuống.

3. Khổ giới hạn về chiều rộng của đường bộ là giới hạn chiều rộng làn xe, phụ thuộc vào cấp kỹ thuật của đường bộ và địa hình xây dựng tuyến đường.

(Thông tư 46/2015/TT-BGTVT Bộ Giao thông Vận tải ngày 7/9/2015

Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải

trọng, xe qua khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển

hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện

giao thông đường bộ khi tham giao giao thông trên đường bộ).

Minh Minh

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến