Sau hơn 10 ngày bị bắt khẩn cấp, Phan Công Khanh (tức Khanh Super, SN 1994, ngụ quận 7) bị Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với Khanh là Mohamach Da Pha (27 tuổi, quê An Giang, nhân viên trong showroom K-Super). Anh này bị điều tra về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Từ đơn tố cáo ban đầu của chị L.N.T.H. (32 tuổi, ngụ TPHCM), quá trình mở rộng điều tra vụ án, công an đã phát hiện thêm nhiều nạn nhân của "trùm buôn siêu xe" Phan Công Khanh.
Phan Công Khanh tại cơ quan điều tra (Ảnh: Công an cung cấp).
Nhận bán dùm xe rồi cầm cố lấy 2 tỷ đồng
Đầu tháng 4, chị H. mua ô tô hiệu MCLAREN, 51F-821.7... với giá 10 tỷ đồng nhưng cho chị gái ở Hà Nội đứng tên trên hợp đồng ủy quyền chủ sở hữu.
Thông qua mối quan hệ xã hội, chị H. quen biết Khanh nên nhờ bán dùm chiếc xe. Tháng 3, Khanh nói với chị H. có muốn bán thì đem xe qua showroom của mình vì có khách muốn mua xe, chị H. đồng ý.
Khoảng 15h ngày 9/3, Khanh nói nhân viên tên Vinh đến nhà chị H. lấy ô tô chạy về showroom K Super của Khanh, trên đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) để bán dùm.
Lúc này, chị H chỉ giao ô tô 51F-821... mà không giao giấy tờ xe. Đến ngày 23/5, do cần tiền trả nợ và chuộc xe Mercedes G63 (chưa có biển số) mà trước đây cầm cố nên Khanh nói dối với chị H. đưa giấy tờ chiếc MCLAREN để khách xem.
Tuy nhiên, thực tế không có khách nào đến showroom để xem mua xe MCLAREN.
Những chiếc xe liên quan đến các "phi vụ" lừa đảo của Phan Công Khanh (Ảnh: Công an cung cấp).
Tin là thật, trưa 23/5, chị H. đến showroom đưa giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy đăng kiểm xe 51F - 821... (bản chính) cho Khanh.
Đến 15h cùng ngày, Khanh đưa ô tô trên cùng toàn bộ giấy tờ xe cho Mohamach Da Pha đem đi cầm lấy 2 tỷ đồng.
Mohamach Da Pha gọi điện thoại cho Đ.M.H. (32 tuổi, ngụ quận Bình Tân) để thế chấp chiếc MCLAREN, vay 2 tỷ đồng.
Sau đó, chị H. liên tục nhắn tin yêu cầu trả lại giấy tờ và xe nhưng Khanh không trả lời. Chị H. đến showroom K-Super tìm hiểu thì biết Khanh đang thiếu nợ rất nhiều.
Mượn siêu xe trưng bày rồi đem bán, lấy gần 25 tỷ đồng
Theo Công an TP HCM, quá trình mở rộng điều tra vụ án, nhiều người đã đến trình báo bị Phan Công Khanh và đồng phạm chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, anh P. (ngụ tỉnh Kiên Giang) tố cáo Khanh mượn siêu xe Brabus 800 của anh để trưng bày trong ngày khai trương showroom K-Super vào tháng 6.
Tuy nhiên, 5 ngày sau, Khanh cùng đồng bọn lại đem xe trên bán cho anh P.H.L. (ngụ TP.HCM) để chiếm đoạt số tiền 24,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, một người tên S. (ngụ tỉnh An Giang) cũng tố cáo Mohamach Da Pha có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Phan Công Khanh được biết tới là trùm buôn siêu xe có tiếng ở khu vực miền Nam (Ảnh: Facebook nhân vật).
Theo đó, khoảng tháng 1, Pha giới thiệu anh S. mua ô tô hãng BMW với giá 1,8 tỷ đồng. Anh S. cho một người khác đứng tên trên hợp đồng ủy quyền chủ sở hữu.
Tháng 4, Pha liên hệ với anh S. mượn chiếc ô tô BMW để làm phương tiện đi lại. Anh S. đồng ý và nói với Pha nếu có người mua lại xe được giá thì báo cho anh S. biết và Pha không được tự ý bán hoặc cầm cố ô tô trên.
Sau đó, Pha đem chiếc xe đi cầm cố lấy 1 tỷ đồng. Anh S. nhiều lần gọi điện hỏi tình trạng của chiếc xe nhưng Pha đưa ra những thông tin gian dối.
Sau khi biết Khanh và Pha bị Công an TPHCM tạm giữ, anh S. tìm hiểu thì biết được Pha đã mang xe của mình đi cầm.
Ngoài ra, cảnh sát cũng xác định Phan Công Khanh còn nợ anh K. 100 triệu đồng tiền mua hoa tặng cho khách hàng khi mua xe và nợ chị B. (ngụ Hà Nội) 25 triệu đồng thuê xe cẩu. Bên cạnh đó, Khanh còn nợ tiền nhôm kính sửa chữa, xây dựng showroom để khai trương.
Đến nay, cơ quan điều tra đã tạm giữ 8 chiếc siêu xe liên quan đến vụ án. Công an thông báo ai là nạn nhân của Khanh và Pha đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, ở số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, để trình báo hỗ trợ điều tra.
Ngoài ra, cơ quan điều tra yêu cầu những người có liên quan đến hành vi vi phạm của Khanh và Pha sớm ra trình diện để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Tội Lừa đảo chiếm đoạt được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người có hành vi phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, tái phạm nguy hiểm, có tính chuyên nghiệp hoặc chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt 2-7 năm tù. Nếu người phạm tội chiếm đoạt số tiền có trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 đồng thì bị phạt 7-15 năm tù. Trường hợp chiếm đoạt số tiền có giá trị từ 500 triệu trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
Tác giả: Hoài Thanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy