Ngay sau khi mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook ngày 18/6 công bố kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử riêng có tên Libra vào nửa đầu năm 2020, chính phủ nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về đồng tiền “ảo” này trong bối cảnh Facebook vẫn chưa giải quyết triệt để những vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân của người dùng.
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày 18/6, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ, bà Maxine Waters, đã kêu gọi các quản lý cấp cao của Facebook ra điều trần trước Quốc hội và yêu cầu mạng xã hội này tạm dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà lập pháp và cơ quan quản lý xem xét toàn bộ dự án.
Bà Waters nói rằng với kế hoạch tạo ra một loại tiền điện tử riêng, Facebook đang tiếp tục phát triển mà không phải chịu nhiều kiểm soát và mở rộng phạm vi tiếp cận với cuộc sống riêng tư của người dùng.
Những bình luận của bà Water được đưa ra sau khi Nghị sĩ Patrick McHenry thuộc đảng Cộng hòa và thành viên Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, cũng đề xuất mở một phiên điều trần về đồng tiền điện tử mới của Facebook. Một đại diện của Facebook cho biết họ sẵn sàng trả lời các câu hỏi của các nhà lập pháp.
Thượng nghị sĩ Sherrod Brown thuộc Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cũng cho rằng Facebook đã quá lớn mạnh và đã sử dụng sức mạnh đó để khai thác dữ liệu của người dùng mà không bảo vệ quyền riêng tư của họ. Theo Thượng nghị sĩ Brown, Chính phủ Mỹ không thể cho phép Facebook phát hành một loại tiền điện tử mới đầy rủi ro ra thị trường mà không có hoạt động giám sát.
Một số thượng nghị sĩ khác trong Ủy ban Ngân hàng Thượng viện cũng bày tỏ lo ngại rằng thông qua Libra, Facebook có thể tận dụng quy mô khổng lồ của họ trong lĩnh vực mạng xã hội để có được sự thống trị ở các thị trường khác như thanh toán di động.
Trước khi chính thức công bố kế hoạch ra mắt Libra, Facebook cho biết công ty đã tham vấn với các nhà quản lý ở Mỹ và nước ngoài về đồng tiền điện tử này, song các lãnh đạo Facebook từ chối tiết lộ danh tính các cơ quan trên.
Một nguồn tin cho hay dù đã được tham vấn, các nhà quản lý của Mỹ vẫn chưa hiểu rõ loại tiền này sẽ được cấu thành như thế nào và liệu nó có thuộc điều chỉnh trực tiếp từ bất kỳ quy định hiện hành nào của nước này hay không.
Còn tại châu Âu, ngay sau khi có thông tin về đồng Libra, Bộ trưởng Tài chinh Pháp Le Maire nói rằng Facebook hoàn toàn có thể tạo ra một công cụ để giao dịch, nhưng đồng tiền điện tử của mạng xã hôi này không thể trở thành một loại tiền tệ quốc gia.
Ông Le Maire nhấn mạnh Libra không thể có các thuộc tính của một đồng tiền chính thức như khả năng phát hành nợ và hoạt động như một loại tiền tệ dự trữ. Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng phải có những “giới hạn" được đặt ra và những yếu tố chính thống phải nằm trong tay chính phủ các quốc gia chứ không phải các công ty tư nhân chỉ phục vụ lợi ích của riêng họ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney tỏ ra có "quan điểm cởi mở" hơn về những tiện ích tiềm năng của đồng Libra. Tuy vậy, ông vẫn cảnh báo nó sẽ phải chịu sự giám sát nghiêm ngặt về đảm bảo khả năng hoạt động và không bị sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.
Ông Markus Ferber, một nghị sĩ cấp cao của Đức tại Nghị viện châu Âu, cho biết trong một tuyên bố rằng đồng tiền điện tử mới của Facebook đã khiến các cơ quan quản lý cảnh giác cao độ và kêu gọi Ủy ban châu Âu bắt đầu xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với các loại tiền điện tử.
Ngày 18/6, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook Inc đã tiết lộ kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử của riêng mình có tên Libra như một phần trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh và chuyển hướng sang thương mại điện tử và thanh toán toàn cầu của họ.
Theo thông tin được công bố, Libra sẽ là một “stablecoin” được định giá theo một rổ các đồng nội tệ chủ chốt do các chính phủ phát hành nhằm duy trì giá trị của đồng Libra luôn ổn định, tránh tình trạng lên xuống thất thường như các loại tiền điện tử khác.
Với Libra, Facebook có tham vọng muốn tạo ra một loại tiền điện tử chính thống đầu tiên trên thế giới. Đồng tiền này sẽ có thể sử dụng để mua mọi thứ hàng hóa, hỗ trợ mọi loại dịch vụ tài chính như thanh toán thông qua ngân hàng và cả cho vay.
Theo TTXVN
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy