Dòng sự kiện:
Chốt công an lập ở Ngân hàng Nhà nước được quy định thế nào?
01/03/2017 09:13:18
ANTT.VN – Theo Thông tư số 20/2010/TT-BCA ngày 23/6/2010 của Bộ Công an, có 13 cơ quan cấp Nhà nước nằm trong diện mục tiêu trọng yếu cần được bảo vệ đặc biệt, có vọng gác bảo vệ, trong đó có trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tin liên quan

Vọng gác bảo vệ trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Q1, TPHCM (ảnh minh họa)

Cụ thể, Thông tư nói trên quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23/4/2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan. Theo đó,

Các mục tiêu trọng yếu cấp Nhà nước được bảo vệ bao gồm:

(Được quy định tại Điểm 3, Điều 7 Thông tư này)

a) Trụ sở Bộ Ngoại giao;

b) Trụ sở Bộ Tài chính;

c) Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

d) Trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao;

e) Đài phát tín Bộ Ngoại giao;

g) Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

h) Trụ sở Ban Cơ yếu Bộ Nội vụ;

i) Viện Bảo tàng lịch sử;

k) Trụ sở Đại sứ quán các nước tại Việt Nam;

l) Trụ sở cơ quan đại diện các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam;

m) Kho tiền, kim loại quý, đá quý và các tài sản quý hiếm khác được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và bảo quản tại Hà Nội;

n) Trụ sở các nhà máy in, đúc tiền, nơi tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội.

Để bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, cần hồ sơ thủ tục gì?

Tại Điều 3 Thông tư này quy định  về việc “Thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu” hư sau:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này để xác định mục tiêu cần bổ sung vào danh mục và gửi hồ sơ về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) trước ngày 31 tháng 10 hàng năm. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Quyết định bổ sung danh mục mục tiêu;

b) Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có mục tiêu cần bảo vệ; văn bản xác định nhiệm vụ đặc biệt được giao cho cơ quan có mục tiêu đó; tài liệu khác liên quan đến việc xác định quy mô, tính chất quan trọng của mục tiêu;

c) Văn bản của cơ quan có mục tiêu đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu. Nội dung văn bản phải thể hiện rõ tên, vị trí địa lý của mục tiêu; đặc điểm, tình hình liên quan và công tác tổ chức bảo vệ của cơ quan có mục tiêu; đề nghị số vọng gác cần phải bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ;

d) Văn bản của cơ quan có mục tiêu cần bảo vệ, trong đó nêu rõ yêu cầu bảo đảm về an ninh, an toàn cho mục tiêu và các tài liệu khác chứng minh mục tiêu cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ.

Từ đó, Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, thẩm định mục tiêu cần bổ sung vào danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định.

Trường hợp cần thiết phải tổ chức khảo sát thực tế trong quá trình thẩm định, cơ quan đề nghị thẩm định có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành khảo sát của cơ quan thẩm định (Điều 4).

Cơ quan có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ có quyền hạn và trách nhiệm gì?

Điều 6 Thông tư này quy định: Thủ trưởng cơ quan có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và có trách nhiệm sau:

1. Bảo vệ an ninh nội bộ, an toàn tài sản và trật tự bên trong mục tiêu; tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách làm nhiệm vụ thường trực bảo vệ; xây dựng nội quy bảo vệ, nội quy phòng cháy và chữa cháy, quy định công tác bảo mật, phương án bảo vệ và cơ chế phối hợp với các lực lượng liên quan nhằm bảo vệ an toàn mục tiêu.

2. Xác định trụ sở chính cần bảo vệ, thông báo bằng văn bản đến Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ.

3. Phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị Cảnh sát nhân dân được phân công làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu thực hiện các hoạt động bảo vệ an toàn mục tiêu; định kỳ tháng, quý, 6 tháng, năm tổ chức họp giao ban giữa đơn vị Cảnh sát được phân công làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu và lực lượng bảo vệ của cơ quan về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong và xung quanh mục tiêu, biện pháp phối hợp bảo vệ an toàn mục tiêu.

Ngoài ra, các đơn vị này được và phải: Xây dựng tường rào bảo vệ xung quanh mục tiêu, lắp đặt cổng, cửa và hệ thống chiếu sáng phục vụ công tác bảo vệ mục tiêu; Xây dựng vọng gác và lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cần thiết theo yêu cầu của công tác bảo vệ…

Vọng gác bảo vệ mục tiêu được xây dựng như thế nào?

Điều 10 Thông tư 20 quy định về “Xác định vọng gác” như sau:

Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác định cụ thể để bố trí đủ vọng gác thích hợp đối với từng mục tiêu và thống nhất với thủ trưởng cơ quan có mục tiêu về địa điểm đặt vọng gác, bảo đảm phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ.

Ai có trách nhiệm thi hành Thông tư 20?

Điều 14 quy định “Trách nhiệm thi hành” này thuộc về:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ thực hiện các quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm bảo đảm biên chế cho lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.

4. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội tổ chức nghiên cứu, trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu thống nhất trên toàn quốc theo quy định của pháp luật.

5. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

P.V

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến