Dòng sự kiện:
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa nói 'không dễ dàng' khi thanh tra vụ bán đất rúng động
03/06/2019 09:17:56
'Vụ việc xảy ra quá lâu rồi nên xử lý cũng không dễ dàng. Hiện chúng tôi đang giao cho Sở TNMT kiểm tra làm rõ và lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng xử lý theo quy định', Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cho hay.

Chưa có phương án xử lý cuối cùng

Theo nhận định của các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội, vụ việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa bán trái quy định gần 30ha đất tại các xã, phường Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh (nay thuộc thành phố Sầm Sơn được cho là rất nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng đã có nhiều công văn chỉ đạo, đôn đốc các ngành chức năng kiểm tra làm rõ vụ việc, đồng thời cũng cho rằng, để đưa ra được kết luận chính thức và hướng xử lý là không hề đơn giản.

Trao đổi nhanh với phóng viên qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đây là vụ việc kéo dài, xảy ra quá lâu rồi nên khi điều tra, xử lý cũng không dễ dàng. Hiện chúng tôi đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra làm rõ và lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Thanh Hóa rúng động vì chính quyền xã bán gần 30ha đất trái thẩm quyền. Thiết kế: Thế Công.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thế, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra vụ việc khẳng định, những thông tin Reatimes phản ánh về việc các xã, phường Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh bán đất trái thẩm quyền là đúng bản chất vụ việc.

“Với chức năng và nhiệm vụ được giao, chúng tôi sẽ tham mưu hướng xử lý sau khi có kết luận, để lãnh đạo tỉnh đưa ra phương án xử lý vụ việc đúng quy định pháp luật. Chúng tôi cảm ơn, ủng hộ và đồng hành với báo chí trong vụ việc này”, ông Thế cho biết.

Một nguồn tin của phóng viên có được cho hay, đây là vụ việc hết sức phức tạp, bởi các tài liệu chứng cứ liên quan tới hành vi mua bán hầu như không còn. Luật cũng chưa có quy định cụ thể để xử lý những vụ việc điển hình như trên. Hiện cơ quan có thẩm quyền đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa chốt (thống nhất) được hướng giải quyết.

Một cán bộ khác (xin không nêu danh tính) là thành viên trong đoàn thanh tra vụ việc cho hay, sau khi kiểm tra, xác minh thông tin vụ việc, đoàn kiểm tra đã đề xuất 3 phương án xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại.

“Thứ nhất: Đối với các hộ mua đất có giấy tờ, hoặc đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không có trên thực địa, cơ quan có thẩm quyền đề nghị bố trí tái định cư tại vị trí đất khác.

Thứ hai: Thanh toán lại tiền theo lãi suất lũy tiến cho cá nhân, tổ chức đã bỏ tiền mua đất nhưng không có đất trên thực tế.

Thứ ba: Xử lý vụ việc theo hướng khởi kiện hành chính ra tòa án, trong đó nguyên có thể là người mua đất và người bán đất là bị đơn. Cũng có ý kiến cho rằng, vụ việc nên xử lý theo hướng bồi thường nhà nước”, cán bộ này thông tin.

Cũng theo thông tin từ cán bộ này, đây là vụ việc có phạm vi, quy mô ảnh hưởng rộng, liên quan tới nhiều thành phần nghề nghiệp trong xã hội, do đó lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo cơ quan có trách nhiệm làm việc hết sức thận trọng, đồng thời đề xuất xử lý vụ việc theo hướng phù hợp nhất, đúng quy định của pháp luật.

Cần công khai xử lý vụ việc để người dân thực hiện quyền giám sát

 

Xung quanh vụ việc nói trên, trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban pháp luật Quốc hội cho rằng, cơ quan có thẩm quyền cần phải nhanh chóng kết luận, công khai, minh bạch vụ việc để dân giám sát việc xử lý đối với người có vi phạm...

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa

Ông Hòa cũng cũng nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm, tham ô: “Hành vi bán đất cho dân nhưng không có đất trên thực tế là hành vi lừa gạt người dân hết sức nguy hiểm. Tôi đang băn khoăn, trong vụ việc này, tại sao cán bộ là cơ quan nhà nước, là công bộc của dân lại làm tổn hại đến quyền lợi của dân?

Việc bán đất trái thẩm quyền sử dụng vào mục đích gì? Tôi nghĩ hành vi vi phạm này có thể có dấu hiệu lợi ích nhóm, hoặc tham ô. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ, phải xử lý nghiêm cán bộ nếu có vi phạm để làm gương. Nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự thì cần xem xét, đối chiếu các quy định pháp luật, chuyển cơ quan điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trách nhiệm tổ chức cá nhân nếu có sai phạm trong vụ việc này cũng phải được làm rõ và bị xử lý. Việc xử lý vi phạm trong vụ việc này cần đảm bảo không có vùng cấm. Nếu vụ việc liên quan tới cán bộ nghỉ hưu, hoặc đang đương chức cũng phải xử lý. Không phải nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn. Không thể để trường hợp về hưu để người khác gánh hậu quả thay mình. Trong vụ việc này, người dân có quyền khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi cho mình", vị này cho hay.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cảnh báo: “Đây là vụ việc nhạy cảm, hết sức nghiêm trọng, nếu không giải quyết thỏa đáng, dứt điểm có thể ảnh hưởng tới tình hình an ninh, chính trị địa phương. Nếu kẻ xấu lợi dụng, kích động thì nguy cơ trở thành điểm nóng, mất an ninh có thể xảy ra".

Trước đó, UBND các phường, xã Quảng Đại, xã Quảng Hùng, Quảng Vinh (trước thuộc huyện Quảng Xương, nay thuộc TP. Sầm Sơn) đã thu và giao quyền sử dụng đất trái quy định cho hơn 700 tổ chức, cá nhân, tương đương diện tích đất gần 30ha. Được biết, việc bán đất không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không thuộc thẩm quyền của xã. Đây là vụ việc được cho là hết sức nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hơn 25 năm (từ năm 1994) liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cựu cán bộ, cán bộ đương chức, đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

Theo Reatimes

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến