Dự án đường giao thông nối Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa (từ mốc A2 đến mốc A4) có vai trò quan trọng trong việc kết nối Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với các vùng phụ cận, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, khai thác hiệu quả và nâng cao giá trị quỹ đất theo quy hoạch dọc tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa, góp phần phát triển khu đô thị theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến nay sau 7 năm triển khai thực hiện, dự án vẫn chưa hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngày 13/3 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn,vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trước thực tế thi công dự án chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra, ông Đỗ Minh Tuấn phê bình TP Thanh Hóa, các đơn vị liên quan trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp kiểm tra các dự án
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu thi công, các đơn vị liên quan khẩn trương tập trung triển khai những phần việc còn lại theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Theo báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 được HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bổ, giao chi tiết cho 8 đơn vị, chủ đầu tư thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ công tác số 1. Cụ thể gồm: Huyện Quảng Xương, Yên Định, Hậu Lộc, TP Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh là 2.835,141 tỷ đồng cho 39 dự án, nhiệm vụ.
Trong đó vốn năm 2024 là 2.510,943 tỷ đồng, vốn năm 2023 được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 324,198 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 29/2/2024, tổng số vốn đã giải ngân của 8 chủ đầu tư, địa phương là 182,886 tỷ đồng, đạt 6,5% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao đầu năm.
Có 3 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh (32%); huyện Yên Định (28,2%) và huyện Hậu Lộc (25,4%).
Có 4 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả tỉnh gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa (1%); Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (3,5%); TP Thanh Hóa (1,8%) và huyện Quảng Xương (5,9%). Có 1 chủ đầu tư chưa giải ngân là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra, giám sát hiện trường để phối hợp, làm việc với các địa phương, đơn vị thi công, đơn vị tư vấn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Thường xuyên rà soát, dự báo những khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh để kịp thời giải quyết, nhất là đối với 7 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và 2 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc khác.
Lương Diễn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy