Nhìn lại diễn biến thị trường trong chuỗi sự kiện vĩ mô, mức giảm mạnh nhất xuất hiện vào ngày thứ Hai, với mức giảm 26,18 điểm. Đó chưa phải là ngày công bố số liệu tăng trưởng âm của GDP. Thị trường đón nhận thông tin này vào thứ Tư, nhưng chỉ số chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm.
Biến động như vậy phần nào cho thấy thị trường đã không bị sốc trước số liệu kinh tế tiêu cực trong quý 3. Tuy nhiên, dường như vẫn có sự lo lắng âm ỉ vì giao dịch những phiên còn lại của tuần càng lúc càng kém hơn.
Thống kê trong nhóm blue-chips VN30, chỉ có một phần ba số cổ phiếu (10 mã) là có lời trong tuần còn lại là lỗ. Giảm mạnh nhất là các cổ phiếu ngân hàng với Top 5 là STB giảm 7,66%, CTG giảm 6,15%, VPB giảm 4,63%, MBB giảm 4,36%, VCB giảm 3,62%. Nhóm chứng khoán cũng đóng góp SSI giảm 6,2%, HCM giảm 7,3%, VCI giảm 7,7%, VND giảm 5,9%...
Nhóm cổ phiếu tài chính nói chung đều sụt giảm khá mạnh lại cho thấy một tâm lý lo ngại khác, vì đây là những mã thường phản ứng tốt khi nền kinh tế tích cực. Cổ phiếu ngân hàng cho đến 2 quý đầu năm nay đều báo lãi khủng. Cổ phiếu chứng khoán cũng không kém cạnh. Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất mới là nhóm dự kiến chịu thiệt hại nặng nề nhất từ việc giãn cách xã hội chặt chẽ ở các trung tâm sản xuất, kinh tế quan trọng của đất nước.
Khi nhóm cổ phiếu nhạy với tăng trưởng kinh tế vĩ mô diễn biến xấu, đó là tín hiệu của một sự thận trọng. Mặc dù thị trường tỏ ra không phản ứng sốc với số liệu vĩ mô, nhưng giới đầu tư vẫn đang thận trọng về một triển vọng lợi nhuận chung trên thị trường chứng khoán.
Thực vậy, cổ phiếu ngân hàng về cơ bản, kiếm lợi nhuận từ kinh doanh vốn, nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ thì rủi ro nợ xấu gia tăng. Việc kéo dài quy định hoãn phân loại nợ cho các ngân hàng có thể được diễn giải ngược, rằng đang có một sự lo lắng nhất định mới cần giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng. Điều này giống như có bệnh mới cần đến thuốc. Cổ phiếu chứng khoán cũng vậy, lợi nhuận đến từ đầu tư trên thị trường, kinh doanh nguồn vốn (margin) nhưng nếu yếu tố cơ bản của thị trường xấu thì xu hướng chung cũng sẽ kém hiệu quả và lợi nhuận công ty chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.
Chỉ số VN-Index đang vận động đi ngang.
Do đó biến động giá của các cổ phiếu nhạy cảm với tình hình chung thường phát tín hiệu quan trọng hơn là việc VN-Index tăng giảm thế nào. Lo lắng âm ỉ trên thị trường có thể được xác nhận trong vài tuần tới, khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố báo cáo lợi nhuận quý 3/2021. Mọi thông tin đến giờ phút này vẫn chỉ là các ước tính, cần có con số chính thức để dự báo chính xác hơn về triển vọng những quý kế tiếp. Thị trường lo lắng là có lý do, ít nhất là lo lắng về sự thiếu chắc chắn trong giai đoạn hiện tại đang phải chờ đợi thông tin.
Sự lo lắng này cũng có thể nhìn thấy rất rõ trong thanh khoản. Tuần qua tổng giá trị khớp lệnh bình quân của hai sàn niêm yết vào khoảng 18.866 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với tuần liền trước. Đây cũng là tuần đầu tiên giá trị khớp lệnh tụt giảm xuống dưới mức trung bình 20.000 tỷ đồng/phiên sau 8 tuần liên tiếp trên mức này. Thanh khoản giảm cũng đồng nghĩa với cường độ giao dịch của nhà đầu tư giảm. Cường độ giao dịch giảm nghĩa là nhà đầu tư ít thấy cơ hội và tạm thời đứng ngoài cuộc.
Về mặt kỹ thuật, hầu hết phân tích của các công ty chứng khoán đều thống nhất về một giai đoạn đi ngang tích lũy chưa rõ xu hướng hiện tại. Cho đến hết tháng 9, VN-Index thể hiện một xu hướng kém tích cực một cách rõ ràng: Sau đỉnh cao lịch sử đầu tháng 7, chỉ số tạo đỉnh thứ hai thấp hơn vào giữa tháng 8 và tạo tiếp một đỉnh nữa thấp hơn vào giữa tháng 9. Phía ngược lại, sau khi tạo đáy giữa tháng 7, chỉ số cũng tạo thêm một đáy nữa cao hơn vào cuối tháng 8.
Đó là diễn biến của một giai đoạn vận động không rõ ràng, khi để có cơ hội tăng cao hơn, thị trường phải vượt qua được các đỉnh kỹ thuật cũ, trong khi để giảm sâu hơn, thị trường phải giảm thấp hơn các đáy cũ. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, câu chuyện vận động này không có nhiều ý nghĩa vì trong vài tháng hay vài quý tới, thị trường cuối cùng cũng sẽ phải phá vỡ tình trạng khó chịu hiện tại.
Tuy vậy đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, sự thiếu rõ ràng cũng chính là một dạng rủi ro. Kịch bản tăng trưởng hay điều chỉnh thêm đều có thể xảy ra. Đối với cổ phiếu, chiến lược duy nhất là mua chứ không có bán khống, do đó cũng chỉ có một “cửa” đặt cược là thị trường tăng. Những nhà đầu tư “đặt cửa” thị trường giảm – trừ phi giao dịch phái sinh – thì chỉ còn vị thế duy nhất là giữ tiền mặt. Đó là lý do tại sao thanh khoản không thể tăng được mà từ từ sụt giảm.
Điều may mắn là tình trạng đi ngang cuối cùng cũng sẽ phải kết thúc và thời điểm đó đang đến. Kết quả kinh doanh quý 3 sẽ được công bố trong tháng 10 và đó là những gì xấu nhất thị trường còn chờ đợi.
Tác giả: Trọng Nghĩa
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy