Dòng sự kiện:
Chứng khoán và kinh tế năm 2023 còn nhiều con sóng ngược
03/01/2023 06:02:42
VDSC không kỳ vọng sóng tăng lớn hay sự điều chỉnh sẽ diễn ra trong 2023, thay vào đó là những đợt sóng nhỏ, trong đó, những nhịp giảm là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu.

Phòng thủ trước sóng lớn

Trong Báo cáo chiến lược 2023, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng 930 – 1.270 điểm. Giá trị khớp lệnh bình quân có thể duy trì ở mức 13.000 – 16.000 tỷ đồng/phiên.

Năm vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã phản ánh với những diễn biến tiêu cực từ trong và ngoài nước như Trung Quốc đóng cửa, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, tốc độ tăng gấp lãi suất của FED, khủng hoảng thanh khoản hệ thống gây ra bởi các sự kiện trong nước.

Dù vậy, VDSC đánh giá những khó khăn đón chờ trong năm 2023 cũng là những thử thách cần thận trọng quan sát. Quan trọng hơn, bởi tác động cộng hưởng của các sự kiện diễn ra trong năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 của các doanh nghiệp dự báo sẽ giảm tốc đáng kể so với mức tăng trưởng của năm 2022.

Hiệu suất của các chỉ số chứng khoán (Nguồn: Bloomberg, VDSC).

Trong kịch bản cơ sở, VDSC kỳ vọng các khó khăn sẽ từng bước được tháo gỡ sau khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế và hàng hóa Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong kim ngạch xuất và nhập khẩu toàn cầu, lộ trình tăng lãi suất của FED chấm dứt giúp chính sách tiền tệ có thêm không gian hoạt động.

Trong nước, tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn cũng sẽ tạo tính lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, kỳ vọng chính sách tài khoá sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chính sách tiền tệ nhờ gói hỗ trợ lãi suất 2% với khoảng 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ giải ngân tích cực trong năm 2023 khi lãi suất đang tăng cao.

Với cơ sở trên, VDSC không kỳ vọng một con sóng tăng lớn hay một sự điều chỉnh cực mạnh sẽ diễn ra trong năm 2023. Thay vào đó là những đợt sóng nhỏ, mà trong đó, những nhịp đi xuống sẽ mang lại cơ hội tích lũy cổ phiếu với mức giá tốt cho nhà đầu tư.

VDSC khuyến nghị nhà đầu tư nên có chiến lược phòng thủ ít nhất trong nửa đầu năm 2023, với việc hạn chế hết mức tối đa việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong những nhịp thị trường tăng tốc bất ngờ nhưng thiếu sự hậu thuẫn bởi những thay đổi cơ bản về vĩ mô. Nhà đầu tư có thể dành một phần danh mục cho việc giao dịch ngắn hạn, nhằm tối ưu hóa hiệu suất đầu tư trong năm.

Mua và nắm giữ cổ phiếu khi định giá PE thị trường ở mức 9.x – 11.x lần có thể mang lại hiệu suất đầu tư cao cho NĐT dài hạn. (Nguồn: Nguồn: Bloomberg, VDSC).

Thống kê cho thấy, định giá P/E của thị trường chỉ giảm về mức 9.x – 11.x lần trong những giai đoạn vĩ mô đối diện thử thách và việc mua và nắm giữ cổ phiếu khi P/E thị trường ở mức 9.x – 11.x sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm nếu nắm giữ khoản đầu tư trong hai năm. 

Do vậy, bên cạnh việc phân bổ vốn vào kênh tiết kiệm, nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc giải ngân ở những cổ phiếu tốt thuộc các nhóm ngành hưởng lợi lớn trong xu hướng tích cực trong dài hạn của vĩ mô Việt Nam.

Thách thức luôn hiện diện

Về triển vọng kinh tế 2023, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nền kinh tế dự kiến vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Điều này xuất phát từ lộ trình tăng lãi suất của FED, kinh tế thế giới suy thoái, và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý II/2023.

Sau năm 2022 tăng trưởng cao từ mức nền thấp của năm 2021, VDSC dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức 5,6% trong kịch bản cơ sở, thấp hơn mức mục tiêu của Chính phủ.

Với việc nâng mức lạm phát mục tiêu năm 2023 lên 4,5%, VDSC cho rằng đảm bảo sự ổn định thanh khoản của hệ thống và kiểm soát đà tăng lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu của chính sách tiền tệ năm 2023.

Một số chỉ số vĩ mô chính (Nguồn: VDSC).

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ sụt giảm do sự suy yếu của hoạt động xuất khẩu, thị trường bất động sản (BĐS) điều chỉnh và sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng chững lại.

Áp lực đối với nhu cầu vốn đáo hạn TPDN, lãi suất cho vay tiệm cận về giai đoạn 2012-2013 và khó khăn của thị trường BĐS ngấm dần vào các hoạt động kinh tế sẽ là những thách thức chính của năm 2023. Việc điều chỉnh các lộ trình chính sách cho phù hợp, đảm bảo dòng vốn thông suốt với chi phí hợp lý và thúc đẩy hoàn thiện khuôn khổ pháp lý sẽ là trọng tâm xuyên suốt.

Khác với năm 2022, áp lực từ bên ngoài sẽ dịu bớt đối với tỷ giá, VDSC kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có nhiều nguồn lực hơn để tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, điển hình như tìm động lực mới cho tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư và cải thiện năng suất lao động, và xử lý những bất ổn trên thị trường tài chính (BĐS -TPDN -ngân hàng).

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ là sự khởi sắc hơn của hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan của Việt Nam. Về mặt sự hồi phục của nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hoá Việt Nam và tác động đến chuỗi cung ứng hàng hoá, nguyên vật liệu thì “sáng, tối sẽ đan xen”.

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế Việt Nam gắn với rủi ro toàn cầu như lạm phát toàn cầu dai dẳng và kéo dài, kinh tế toàn cầu suy thoái hơn dự kiến, đồng USD trở lại chu kỳ tăng giá mới và bất ổn địa chính trị gia tăng. Tất cả những yếu tố khó lường này sẽ bào mòn khả năng chống đỡ của Việt Nam và làm triển vọng kinh tế kém hơn kỳ vọng.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan 6-7% trong năm 2023. Trong khi đó, các nên tảng về vĩ mô khác bao gồm lãi suất, lạm phát và tỉ giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tác giả: Phạm Hồng Nhung

 

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến