Dòng sự kiện:
Chứng khoán Việt Nam: Nâng cao nội lực, đối phó với những cú sốc
04/01/2019 12:45:06
Trong bối cảnh bất ổn nhiều hơn, điều quan trọng là chúng ta tăng chất lượng, khả năng an toàn trước những biến động tài chính quốc tế

Dự cảm nền kinh tế 2019 sẽ tác động thế nào đến TTCK Việt Nam, ông Vũ Bằng - thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nước ta có nhiều thế mạnh khi so sánh tương quan với các nước. Trong bối cảnh kinh tế thế giới, địa chính trị, địa kinh tế đang có sự căng thẳng, Việt Nam có khó khăn nhưng vẫn có nhiều ưu thế mang tính chất là điểm sáng cho đầu tư toàn cầu.

Ảnh minh hoạ

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Bằng cho biết, tăng trưởng trong nhiều năm qua của nước ta được duy trì ở mức cao; về xuất nhập khẩu mặc dù có chiến tranh thương mại, các nước đều khó khăn nhưng nhờ tận dụng được các FTA nên nước ta đã có xuất siêu tích cực.

Song điểm quan trọng nhất là chúng ta đã ổn định được kinh tế vĩ mô, ổn định hệ thống tài chính tiền tệ, kể cả tỷ giá, lãi suất, tín dụng và các vấn đề liên quan đến tài chính.

Ngoài ra, nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu ngành cũng được dịch chuyển, năng lực cạnh tranh của nước ta đã được cải thiện tốt hơn, kể cả xếp hạng tín nhiệm. Đây chính là lợi thế cho năm 2019.

Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho rằng, năm 2019 nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều bất ổn từ bên ngoài hơn nhiều so với năm 2018. Thứ nhất, sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc và dấu hiệu suy thoái của kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ chi phối rất lớn cho năm 2019 và năm 2020. Nó cũng tác động ngay đến giá dầu, đến TTCK, đầu tư thương mại và tâm lý co cụm của NĐT nước ngoài.

Thứ hai là căng thẳng thương mại Trung - Mỹ. Các đối sách của Mỹ và Trung Quốc đều tác động đến các điểm nhạy cảm của Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy vấn đề đặt ra là ứng xử của chúng ta thế nào để tránh được những tổn thất cho đầu tư cũng như phát triển kinh tế Việt Nam.

Thứ ba về nợ toàn cầu, nợ quốc gia và nợ nước ngoài. Khi kinh tế suy thoái và việc Fed tăng lãi suất sẽ không chỉ tác động đến thương mại đầu tư mà còn tác động đến tỷ giá và điều này sẽ gây biến động tỷ giá đến các thị trường mới nổi như Việt Nam. Cuối cùng là vấn đề tăng lãi suất do các nước thắt chặt CSTT. Điều này cũng sẽ tác động đến lãi suất, tỷ giá và dòng tiền...

“Chính phủ cũng đã nhìn nhận, đánh giá và có những giải pháp cho vấn đề này. Trong đó thời gian tới sẽ quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tăng trưởng, không đặt trọng tâm năm sau phải cao nhiều hơn năm trước mà duy trì chất lượng để duy trì nhịp độ tăng trưởng cao nhiều hơn. Trong bối cảnh bất ổn nhiều hơn, điều quan trọng là chúng ta tăng chất lượng, khả năng an toàn trước những biến động tài chính quốc tế”, ông Bằng nói và cho biết, công tác tuyên truyền là đặc biệt quan trọng trong việc ổn định tâm lý NĐT và tâm lý thị trường. Khi thị trường có biến động mà tuyên truyền bị tâm lý theo sẽ bị cộng hưởng và tác động đến tâm lý NĐT nhiều hơn. Phía UBCKNN cũng cần nâng cao vị thế và mở rộng TTCK, nhất là nâng cao chất lượng hàng hóa và sức cầu của thị trường.

Dưới góc nhìn của mình, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, TTCK năm 2019 tốt hay xấu cần căn cứ vào bối cảnh quốc tế. Trong ngưỡng của thị trường giá xuống, nghĩa là các chỉ số giảm 20% so với đỉnh và thống kê cho thấy với tất cả các thị trường, bao gồm cả Việt Nam, để cho các thị trường từ giá đáy lên đỉnh cũ cần thời gian ít nhất là 21 tháng. Cùng với những quan ngại từ thị trường quốc tế như ông Bằng đã nêu ra, ông Hưng nhìn nhận đang cho thấy thế giới hứa hẹn một năm rất bất ổn và chưa biết sẽ đi về đâu.

Ông Hưng cho rằng, thị trường tài chính thế giới khó khăn tất nhiên sẽ tác động đến thị trường tài chính Việt Nam. Những ngành liên quan nhiều đến đầu cơ tài sản chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên mức độ đến đâu sẽ cần có thời gian để trả lời.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến