Dòng sự kiện:
Chúng ta ngày càng sống ác với nhau hơn
28/07/2015 11:26:08
ANTT.VN – Tội ác giết người, cướp của dày đặc trên mặt báo với những tình tiết ly kỳ, man rợ; nhân thân, số phận của nạn nhân bị bới móc để thỏa mãn hiếu kỳ. Người nổi tiếng có hành động hơi lệch chuẩn là bị chụp cảnh up “Phây” để cho các anh hùng bàn phím và “cảnh sát đạo đức” chê bai, phán xét. Một người đàn ông trung niên trộm xe đạp, nhảy xuống sông Tô Lịch để trốn, lập tức cả nhóm người dùng gậy, móc vây bắt không khác gì câu chó, mèo…

Tin liên quan

Nhiều người trong chúng ta, với thói hiếu kỳ sẵn có, cộng với sự vô tâm lẫn ác ý của truyền thông, đang ngày càng trở nên sống ác với nhau hơn.
Vụ hận tình giết 6 mạng người ở Bình Phước được báo chí khai thác dưới mọi góc độ nhằm mục đích tăng phát hành và lượng truy cập. Nhiều báo không ngần ngại công bố cả những thông tin ngoài lề về nghề nghiệp, nơi làm việc của bố mẹ hung thủ, rồi em gái hung thủ đang học ở đâu, khiến những người vô tội này phải chịu chung búa rìu dư luận.
Một số báo khai thác sâu vấn đề bé Na là con của ai, ai mới thực sự là cha mẹ đẻ của bé Na rồi đăng tải hình ảnh em bé ngây thơ đáng thương khiến ai nấy đều cảm thấy đau lòng.
Một cô hoa hậu còn đang tuổi ăn tuổi ngủ có dáng ngủ kém duyên trên máy bay, lập tức bị hành khách bên cạnh chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội, sau đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Chúng ta biết, phê phán một người giữa đám đông là một việc cực chẳng đã, giống như nhắc nhở nhiều lần không được mới phải đưa ra phê bình trước cuộc họp chẳng hạn. Đằng này là phê phán một hoa hậu – đại diện cho cái đẹp, sự hoàn thiện -  trước một đám đông khổng lồ là cộng đồng mạng. Vì vậy càng nên thận trọng.
Một cô ca sĩ nổi tiếng cho con “tè” vào túi nôn trên máy bay, cũng ngay lập tức bị hứng “gạch đá” của dư luận. Đành rằng như vậy là thiếu văn minh, vật gì sinh ra đều có chức năng của vật ấy, nhất là giữa đám đông, có làm gì cũng nên tôn trọng người xung quanh.
Nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ khác: ở nhà đôi khi vì cưng chiều con cháu, ông bà bố mẹ vẫn cho trẻ nhỏ “tè” vào cốc uống nước cũng có sao đâu? Coi vấn đề là nhỏ, là đơn giản thì sẽ thấy việc làm của cô ca sĩ nọ chỉ đáng nhắc nhở chứ chẳng đến nỗi phải chỉ trích, quy kết đạo đức nghiêm trọng như vậy.
Vài hôm trước, một người đàn ông trung niên trộm cắp xe đạp rồi nhảy xuống sông Tô Lịch đen ngòm hôi thối để tẩu thoát. Chỉ vì một chiếc xe đạp không đáng nhiều tiền, tội của ông ta không gây huy nghiểm cho xã hội, chỉ đáng bị phạt hành chính, vậy mà cả một cuộc vây bắt hùng hậu đã được tiến hành. Trong đó, vài ba người đi thuyền, dùng gậy có móc sắt đuổi theo, “câu”, “móc” tên trộm đáng tuổi cha chú mình như câu móc một con vật. Số khác đứng dọc 2 bên bờ sông hô hào, cổ vũ rồi dùng điện thoại quay phim chụp ảnh như một chiến tích.
Không hiểu sao tôi thấy hành động ấy thật bất nhẫn. Hình ảnh người đàn ông trung niên gầy gò bị truy đuổi, đánh đập đến xước xát rồi bị dẫn giải lên ngồi co ro ướt rượt bên bờ sông bẩn thỉu với cái trán và đầu gối rỉ máu trông thật thương tâm.

Hình ảnh quần chúng bắt tên trộm xe đạp dưới sông Tô Lịch (ảnh: internet)

Ăn trộm thì tất nhiên sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nhưng thiết nghĩ, trước khi kết luận ai đó là ăn trộm, ta cũng nên đối xử bình đẳng với người đó như một công dân bình thường. Quần chúng nhân dân rất cần thiết trong hỗ trợ lực lượng chức năng truy tìm tội phạm, nhưng không cần thiết phải đánh đập xúc phạm họ như vậy.
Pháp luật quy định: mọi người đều vô tội trước khi có phán quyết của cơ quan bảo vệ phạm luật. Do đó, trước khi ai đó bị kết luận là có tội thì việc mọi người miệt thị, xúc phạm thể xác lẫn tinh thần người đó đều là vi phạm pháp luật.
HÀN.
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến