Dòng sự kiện:
Chương trình môn Lịch sử ở phổ thông sẽ đổi mới như thế nào?
09/12/2017 20:48:03
Theo GS Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (ĐHQG Hà Nội), Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới - thì sẽ có nhiều thay đổi trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với bộ môn này.

Trẻ tiểu học sẽ học Lịch sử qua các câu chuyện

Ông có thể cho biết môn Lịch sử trong Chương trình phổ thông mới sẽ có những gì khác so với trước đây?

- Sẽ có sự thay đổi triết lý, cấu trúc, nội dung và cả cách tổ chức dạy & học.

Về triết lý giáo dục lịch sử, sẽ có những năng lực đặc thù được hình thành cho học sinh.

GS Phạm Hồng Tung (Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển - ĐHQG Hà Nội, Chủ biên chương trình môn Lịch sử mới)

Thứ nhất là năng lực nhận diện, hiểu và sử dụng sử liệu. Đây là năng lực cốt lõi nhất. Trước đây, chúng ta không coi trọng điều này, dẫn đến chuyện trong xã hội có những thông tin thuần túy là huyền thoại, nhưng người ta lại nhầm, cho rằng đó là lịch sử.

Thứ hai là năng lực tái hiện quá khứ. Ngoài liên hệ lịch đại có trước có sau thì chú ý đến mối liên hệ, so sánh đồng đại là trong cùng một khoảng thời gian, học sinh được học cách so sánh xem Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào, ở trình độ khác biệt ra sao.

Thứ ba là phân tích, giải thích và đánh giá lịch sử. Nhưng đánh giá thế nào đi nữa cũng phải hướng tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Hướng tới học về chiến tranh nhưng để bảo vệ hòa bình, tránh các cuộc xung đột và chiến tranh trong tương lai. Tức là học lịch sử để hòa giải chứ không phải để tạo ra những hận thù, xung đột mới.

Tiếp đó là năng lực vận dụng những bài học lịch sử, như những quy luật hay kinh nghiệm cụ thể. Kinh nghiệm không chỉ học được trong những thành tựu, chiến công mà có thể rút ra từ những sai lầm, thất bại.

Để đạt được những điều đó, Chương trình sẽ đổi mới cách tổ chức kiến thức, tổ chức giáo dục lịch sử như thế nào, thưa ông?

- Chương trình mới được xây dựng theo cấu trúc chính là tuyến tính, kết hợp với đồng tâm, thay cho cấu trúc đồng tâm của chương trình hiện nay.

Ở cấp Tiểu học, chưa tập trung vào trang bị tri thức lịch sử mà mục tiêu cao nhất là giúp học sinh có được tình yêu với môn học và hình thành, phát triển ký ức lịch sử. Đây là khác biệt lớn so với chương trình hiện hành.

Ví dụ, khi dạy về thời đại Hùng Vương, có thể hướng dẫn học sinh kể chuyện về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thánh Gióng..., kết hợp với việc tìm hiểu về trống đồng, lưỡi cày đồng, mũi tên đồng…. Qua đó, học sinh nắm được cái lõi lịch sử về thời đại Hùng Vương tổ tiên ta trồng lúa, đoàn kết đánh giặc như thế nào.

Hay khi dạy về Cách mạng tháng Tám năm 1945, học sinh sẽ được kể chuyện, tìm hiểu về anh Kim Đồng làm liên lạc, các di tích Pác Bó, Tân Trào. Học sinh sẽ biết ở giai đoạn này Bác Hồ lãnh đạo cả nước, trong đó cả những trẻ em như Kim Đồng cùng đóng góp công sức làm cách mạng giải phóng đất nước...

Ở cấp THCS, toàn bộ Chương trình dành để trang bị nền tảng tri thức thông sử, tức là giúp học sinh có được tri thức cơ bản, cốt lõi, hệ thống nhất. Trên cơ sở đó, hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cơ bản, cốt lõi.

Chúng tôi cố gắng sắp xếp những khối kiến thức từ thế giới trước rồi mới đến khu vực rồi mới đến Việt Nam để các em có cái nhìn từ đầu đến cuối, nhưng vẫn có thể so sánh.

Ở cấp THPT, Chương trình không bố trí dạy từ đầu đến cuối nữa mà được xây dựng thành chủ đề và một số chuyên đề, giúp học sinh có kiến thức mở rộng và sâu sắc hơn. Mục đích để sau khi học xong phổ thông, dù không đi theo ngành khoa học xã hội hoặc khoa học lịch sử mà theo các ngành khác, nhưng nếu cần, các em có được năng lực tìm hiểu lịch sử suốt đời.

Ví dụ, có chủ đề về các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong lịch sử dân tộc. Chúng ta sẽ trình bày theo hệ thống, từ những kháng chiến đầu tiên chống quân xâm lược phương Bắc của người Việt cho đến những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, và cả cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hiện nay...

Bên cạnh đó có cả những chủ đề định hướng ứng dụng, như sử học với bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử, với phát triển du lịch… 

Từ trước đến nay, chúng ta chưa dạy học sinh biết học lịch sử xong để làm gì, trong khi thực tế có rất nhiều ngành nghề “hot” mà sau này các em có thể theo đuổi dựa trên cảm hứng và tri thức lịch sử.

Đó là những điều mà chúng tôi rất kỳ vọng. Nhưng làm được hay không còn phụ thuộc đội ngũ các thầy cô đứng lớp và sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Có ý kiến cho rằng sức hấp dẫn và vai trò giáo dục lịch sử không thể nằm ở các câu chuyện. Nếu dạy lịch sử theo những câu chuyện huyền thoại, hư cấu thì dễ dẫn đến “gây mê”. Ông nghĩ sao về điều này?

- Nếu dạy lịch sử mà cứ huyên thuyên vào các câu chuyện ấy thì quả là sai lầm và dẫn đến hậu quả “gây mê” thật! Nhưng câu chuyện ở đây chỉ là phương tiện với đối tượng học sinh tiểu học 9-11 tuổi, mà vốn trước đây chúng ta "nhồi nhét" vào đầu các con những kiến thức khô khan, và thực tế là bị bật ra. Hậu quả là các con sợ học sử, thậm chí ghét sử ngay từ đầu. Trên nền những câu chuyện đó, chúng ta hướng dẫn để các con nắm được những tri thức cốt lõi, nhưng hết sức sơ giản thôi.

Cơ hội cuối cùng để đổi mới giáo dục Lịch sử

Lịch sử và Địa lý sẽ được tích hợp như thế nào trong chương trình mới, thưa ông?

- Ở Tiểu học, môn Lịch sử và Địa lý được tổ chức dạy và học từ lớp 4. Sự tích hợp sẽ theo logic kết nối hai loại hình không gian, của Địa lý là địa phương, đất nước em và thế giới; của Lịch sử là không gian gia đình - cộng đồng - dân tộc - thế giới.

Theo Vietnamnet

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến