Dòng sự kiện:
Chuyên gia Google: Nên xây dựng đội ngũ kỹ sư 'thiện chiến' thay vì đổ tiền mua công nghệ
04/12/2014 17:44:27
ANTT.VN - Theo thống kê, mỗi giây trên thế giới có 12 người trở thành nạn nhân của các vụ tấn công trên mạng, có khoảng 400 triệu người bị tấn công trên mạng và số chi phí ước tính tiêu tốn tầm 450 nghìn tỉ USD.

Tin liên quan

Nằm trong khuôn khổ sự kiện “Ngày An toàn thông tin Việt Nam”, Hội thảo quốc tế về ATTT với chủ đề “An toàn, an ninh thông tin và chủ quyền quốc gia” đã diễn ra hôm nay ngày 4/11 do Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam, Cục ATTT - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục CNTT -  Bộ Quốc phòng đồng tổ chức.
 
Điểm lại những điểm nóng về ATTT, ông Vũ Quốc Tuấn – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VNISA nhắc đến những vụ tấn công trực diện của tội phạm công nghệ làm lao đao doanh nghiệp. Điển hình việc VC Corp là dấu hiệu leo thang của các tội phạm công nghệ khi các cơ quan an ninh đã vào cuộc mà những cuộc tấn công vẫn diễn ra.

Ông Vũ Minh Trí, giám đốc Microsoft tại Việt Nam cho rằng "chữa cháy" cũng quan trọng không kém gì "phòng cháy"

Lần đầu tiên tại Việt Nam, thông tin từ 14,000 điện thoại cá nhân bị tấn công. Đây cũng là một trong những mặt trái của xã hội hiện đại mà Việt Nam đã phải “hứng chịu” từ những kinh nghiệm xấu của các quốc gia phát triển khác. Trong khi đó,  chỉ số ATTT quốc gia năm nay hầu như không thay đổi vậy nên xét trên bình diện chung, hoạt động bảo vệ an toàn thông tin của Việt Nam vẫn còn chưa khởi sắc.

Một trong những điểm nhấn của sự kiện lần này là chia sẻ của ông Vũ Minh Trí, CEO tập đoàn Microsoft tại Việt Nam. Ông Trí tập trung vào phân tích những nguy cơ rủi ro bảo mật thông tin qua các mạng xã hội và điện thoại thông minh.

Theo thống kê, mỗi giây trên thế giới có 12 người trở thành nạn nhân của các vụ tấn công trên mạng, có khoảng 400 triệu người bị tấn công trên mạng và số chi phí ước tính tiêu tốn tầm 450 nghìn tỉ USD. Những số liệu này đã nâng vấn đề an toàn thông tin lên tầm cấp bách.

Số lượng các thiết bị di động tăng lên, số lượng máy tính Việt Nam sử dụng trong năm nay đã gấp nhiều lần so với những năm trước đã khiến nguy cơ ăn cắp thông tin lớn hơn.

Nhất là khi công nghệ điện toán đám mây phát triển cho phép các truy cập hệ thống dữ liệu của cơ quan doanh nghiệp từ những thiết bị cá nhân. Những vụ việc như VCCorp sẽ còn xảy ra nếu như không có việc kiện toàn các hệ thống bên trong, quản lý các hoạt động của các thiết bị cài đặt đã có kết nối trước khi quan ngại đến những tội phạm mạng bên ngoài.

Tất cả các hệ thống đều có nguy cơ bị xâm nhập. Do vậy bên cạnh phòng cháy thì chữa cháy cũng là một vấn đề quan trọng - xây dựng hệ thống phản ứng sau khi bị xâm nhập cho hệ thống dữ liệu nhằm giảm bớt và hạn chế các thiệt hại cũng là một vấn đề cần các nhà chức trách Việt Nam chú ý nâng cao.

Ở một khía cạnh khác, ông Dương Thái - chuyên gia bảo mật của Google cho rằng nhân lực CNTT là vấn đề ưu tiên trong cuộc chiến an toàn thông tin tại Việt Nam.

Theo ông, Việt Nam đã dành rất nhiều thời gian, tiền bạc để mua các công nghệ bảo mật từ nước ngoài. Tuy nhiên, những nỗ lực đó không thể hiệu quả bằng xây dựng đội ngũ kỹ sư CNTT “thiện chiến”. Ví dụ, Google có khoảng 250.000 kỹ sư bảo mật thông tin và số tiền Google chi cho nhân lực lĩnh vực này là hơn 100 triệu USD/năm. Nếu chỉ nhờ việc áp dụng những phần mềm tiên tiến mà có thể bảo vệ an ninh cho trang web nổi tiếng này thì các nhà lãnh đạo Google chắc chắn đã không phải phải lãng phí như vậy.
 

Bởi vậy muốn tăng cường bảo vệ an ninh thông tin, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực CNTT hơn nữa.

 
Tú Anh - Kiều Chinh
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến