Dòng sự kiện:
Kỳ 3: Kế hoạch giải thoát tù binh Phi công Mỹ
04/12/2014 17:08:12
ANTT.VN - Sau khi phát hiện tù binh Phi công Mỹ đang được giam giữ ở Sơn Tây việc xác định, tìm kiếm đã thành công. Vấn đề còn lại phía Mỹ là tìm cách giải thoát cho họ ra khỏi trại giam đó…

Tin liên quan

 

Sơ-đồ-các-chi-tiết-chính-của-Trại-tù-binh-Phi-công-Mỹ-tại-Sơn-Tây-năm-1970

Sơ đồ các chi tiết chính của Trại tù binh Phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970 (nguồn: Internet)

Phía Mỹ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: Tại sao phía Việt Nam không giam giữ tù binh ngay tại Hà Nội cho dễ quản lí? Tại sao họ lại đưa các tù binh Phi công lên mãi Sơn Tây, ở một nơi hẻo lánh như vậy? Phải chăng đây chỉ là sự vô tình hay một cái bẫy cố ý?...

Người giải cứu tù binh

Để có đáp án cho câu hỏi trên, Thiếu tướng James Allen đã liên lạc với SACSA. Đây là một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ Chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt. Phụ tá đặc biệt của SACSA là Thiếu tướng Donald Blackburn. Blackburn có một tiểu sử binh nghiệp khá đặc biệt: sinh trưởng tại bang Florida; trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, Blackburn có công tổ chức và chỉ huy một đơn vị du kích Philippines chiến đấu chống lại quân đội Phát xít Nhật cho đến ngày thắng lợi.

Trở về nước, Blackburn đeo lon đại tá khi mới 29 tuổi. Là một sỹ quan có uy tín và từng trải trong quân đội Mỹ, năm 1957, Blackburn đã từng được cử sang Việt Nam làm cố vấn cao cấp cho một viên tướng ngụy Sài Gòn.  Năm 1960, Blackburn được Tổng thống Mỹ Jonh F.Kennedy giao nhiệm vụ tổ chức một nhóm quân sự tại Lào. Và chính tại đây, Blackburn đã gặp Simons, người sau này đã được ông ta tiến cử với Lầu Năm Góc để chọn làm chỉ huy cuộc tập kích Phi công Mỹ tại Sơn Tây.

Dưới quyền chỉ huy của Phụ tá đặc biệt SACSA  còn có một nhân vật khá đặc biệt là đại tá Mayer – chuyên viên điện tín bí mật, đồng thời cầm đầu một bộ phận hoạt động đặc nhiệm của SACSA.

Ngày 25/5/1970, Tướng Allen đã có cuộc bàn bạc với Tướng Blackburn và Đại tá Mayer.

Giải thoát bằng cách nào?

Trong cuộc bàn bạc, Allen đã hỏi Blackburn: “Liệu có thể cử một toán điệp viên đến vùng Sơn Tây trước được không? Bọn họ sẽ có nhiệm vụ xác minh các kết quả làm việc của 1127 trên địa bàn thực tế, sau đó có thể làm “lót ổ” trước…”.

Blackburn đã phủ nhận ý kiến đó, Allen tiếp tục đưa ra: “Vậy nếu ta sử dụng một căn cứ của CIA tại Bắc Lào, rồi dùng trực thăng đưa một toán nhỏ lực lượng đến Sơn Tây?”.

Blackburn tán thành nhưng có rất nhiều giả thiết được đặt ra, ví như nếu toán điệp viên được “lót ổ” trước phát hiện ra tù binh và điện lại cho trực thăng đến thì cuộc hành quân phải được thực hiện rất nhanh và nắm chắc phần thắng. Nhưng nếu toán điệp viên bị lực lượng an ninh Việt Nam tóm cổ trước thì phía Mỹ sẽ phải trả giá đắt cho hành động này bởi những bài học cay đắng.

 Yếu tố bất ngờ sẽ khiến cho quân Bắc Việt ở Sơn Tây không kịp phản ứng… Tuy nhiên, để có thể chiến đấu chống lại, phía Mỹ cần phải có một lực lượng đủ mạnh, được tuyển chọn chu đáo, tập luyện kĩ càng, được trang bị đầy đủ và thiện chiến nhất.

Ý tưởng táo bạo của Blackburn dường như đã chinh phục được Allen: “Tại sao chúng ta chỉ muốn giải thoát cho một nhóm mà không quan tâm đến cả trại, nếu điều kiện cho phép”. Lợi dụng vị trí khá hẻo lánh và sơ hở của trại giam Hy Vọng, Allen cho rằng có thể tiến hành một trận tập kích bất ngờ  vào trại Sơn Tây và bốc tất cả đi bằng trực thăng.

Thuyết trình…rồi lại…thuyết trình

Cũng ngày 25/5/2014, Blackburn và Mayer đã xin được gặp Tướng 4 sao Earle G.Wheeler – chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân từ năm 1964. Sau khi thuyết trình xong, được “bật đèn xanh”, kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Trung tướng Donald Bennett – Giám đốc Cục tình báo quân đội Mỹ (DIA).

Ngày 27/5/1970, Blackburn và Mayer đến gặp Trung tướng John Vogt – Chỉ huy cơ quan Hỗ hợp tác chiến của lực lượng Không quân Mỹ. Ông này đã thốt lên: “Lạy Chúa! Thế bao giờ anh báo cho Chính phủ biết về công việc quan trọng này?”.

Ngày 1/6/1970, Trung tướng John Vogt và Tướng Bennett cân nhắc, bàn bạc rất kĩ các phương án được nêu ra, với những tình huống rất cụ thể trong việc tập kích giải thoát tù binh Mỹ.

Sau rất nhiều lần thuyết trình với các đơn vị liên quan: Hội đồng tham mưu trưởng, các Phụ tá tham mưu trưởng,…Cuối cùng ngày 17/7/1970, bản báo cáo kế hoạch khá hoàn chỉnh đã được đặt trên bàn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Melvin Laird. Mặc dù lo ngại về độ chính xác  của tin tức tình báo, Laird vẫn đưa ra lệnh tiếp tục triển khai kế hoạch.

Phía Mỹ tính toán rằng: nhanh nhất cũng phải mất 30 phút trong điều kiện ban ngày bình thường các đơn vị cơ động tác chiến mới đến được trại tù binh, nếu cuộc đổ bộ xuống sân trại trót lọt, tốp biệt kích sẽ xông vào khu giam giữ để bảo vệ tù binh…

Thực tế, biệt kích Mỹ đã triển khai bản kế hoạch tuyệt mật ấy ra sao? (Còn tiếp)

Hoàng Hà (lược trích theo tác phẩm "Phi công Mỹ ở Việt Nam" của nhà văn Đặng Vương Hưng).

 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến