Dòng sự kiện:
Chuyện thú vị về các bài hát lừng danh của The Beatles
19/02/2018 13:10:11
Câu chuyện thật sự về hoàn cảnh ra đời của những bản hit của ban nhạc huyền thoại The Beatles là điều mà bất kỳ người hâm mộ nào cũng muốn biết.

Bốn thành viên The Beatles.

Mới đây, nhạc sĩ, ca sĩ Paul McCartney của nhóm nhạc Anh lừng danh tiết lộ với tạp chí National Geographic về nguồn cảm hứng đằng sau bài hát nổi tiếng “Lady Madonna” của nhóm năm 1968. Đó chính là bức ảnh một người phụ nữ Việt Nam cho con bú, được tạp chí National Geographic này đăng năm 1965. Dòng chú thích của bức ảnh: “Núi Madonna, một đứa trẻ đang bú mẹ...” đã cho ông ý tưởng để viết nhan đề và câu mở đầu cho bài hát này.

Không chỉ “Lady Madonna”, những bài hát nổi tiếng khác của The Beatles đều có những điều bí mật hay hoàn cảnh ra đời thú vị. Một số câu chuyện đã được nhiều người biết đến, chẳng hạn như “Penny Lane” là một khu vực thuộc thành phố Liverpool và “Strawberry Field” là nhà trẻ mà John Lennon hay đến chơi đùa khi còn nhỏ, hay McCartney một sáng thức giấc với giai điệu của “Yesterday” ở trong đầu... Các bài hát dưới đây cũng có những chi tiết thú vị tương tự:

I’m looking through you (Album Rubber Soul, 1965)

Chuyện tình cảm giữa McCartney và bạn gái Jane Asher đã truyền cảm hứng cho một số bài tình ca dịu dàng nhất của ông (And I Love Her, Things We Said Today, Here There And Everywhere) cũng như những bài hát đắng cay nhất.

Khi Asher xác định cô không thể từ bỏ sự nghiệp diễn xuất để ở bên người yêu, McCartney đã rất buồn rầu. “Tôi biết tôi ích kỷ”, ông sau này thừa nhận, “Chuyện đó đã gây ra một vài tranh cãi. Jane bỏ đi và tôi nói: Được thôi. Đi đi. Anh sẽ tìm kiếm người khác. Thật rối bời khi không có cô ấy ở bên. Đó chính là lúc tôi viết I’m Looking Through You (Anh tìm kiếm em)”.

Bức ảnh truyền cảm hứng cho “Lady Madonna”.

Eight days a week (Album Beatles for Sale, 1965)

Câu chuyện thật đằng sau bài hát này sẽ khiến bạn phải bất ngờ. Sau khi bị tịch thu bằng lái xe một năm vì lỗi chạy quá tốc độ, McCartney không thể tự lái xe được. Trong một lần tài xế chở ông tới nhà của John Lennon, McCartney hỏi người lái xe: “Công việc của anh có bận không?”. Người này đáp: “Bận rộn ư? Tôi đã làm việc tám ngày một tuần”. Ngay lập tức, McCartney chạy vào trong nhà khoe với Lennon: “Tôi có một tiêu đề bài hát”. Và họ đã bắt tay vào viết bài hát Eight days a weeks (Tám ngày một tuần) trong một tiếng sau đó.

She said she said (Album Revolver, 1966)

Tháng 8/1965, The Beatles tổ chức một buổi tiệc trong căn hộ họ thuê ở Benedict Canyon cho một vài người bạn, bao gồm diễn viên Peter Fonda. Buổi tối hôm đó, Lennon và George Harrison đã dùng ma túy khiến George cảm tưởng mình như sắp chết vì ảo giác. Fonda, một người từng trải hơn trong việc sử dụng ma túy, đã làm mẫu cho những người còn lại. “Tôi nói với anh ấy rằng không có gì lo sợ cả. Tôi biết cảm giác giống như chết là thế nào bởi vì khi còn nhỏ, tôi vô tình tự bắn vào bụng mình và tim tôi đã ba lần ngừng đập ở trên bàn phẫu thuật”, Fonda kể lại những lời ông nói với Geogre lúc đó. Khi ấy Lennon đi ngang qua và nghe thấy câu “Tôi biết cảm giác giống như chết là thế nào”. Câu nói của Fonda đã cho Lennon cảm xúc để viết ra câu mở đầu trong bài “She said she said” (Cô ấy nói vậy).

Paperback Writer (Album 45rpm single, 1966)

Cho đến năm 1966 thì đa số các bài hát của The Beatles đều viết về tình yêu nam nữ. Chính cô của McCartney đã thách ông mở rộng chủ đề sáng tác. “Bà cô Mill của tôi nói: ‘Tại sao cháu luôn viết về tình yêu thế? Cháu có thể viết về một con ngựa hoặc một hội nghị thượng đỉnh hoặc thứ gì thú vị không?”, Paul McCartney kể lại, “Vì thế tôi nghĩ: “Được thôi cô Mill. Cháu sẽ cho cô thấy...”. Kết quả là ca khúc “Paperback Writer” (tác giả viết sách), một câu chuyện về một chàng trai muốn trở thành tiểu thuyết gia, đã ra đời. Người này đã hứa sẽ làm mọi thứ để sở hữu một cuốn sách bán chạy nhất.

Bìa giới thiệu “Paperback Writer”.

Happiness is a warm gun (Album The White Album, 1968)

Lennon tiết lộ nhan đề bài hát này bắt nguồn từ... ổ đạn. Đôi khi ông nói đó là một nhan đề bao hàm: “Tôi đã nghĩ - một điều không tưởng để nói đến. Một khẩu súng ấm nóng khi bạn vừa bắn thứ gì đó”. Sau nhiều năm nghiên cứu thêm, người ta đã phát hiện ra tiêu đề bài hát “Happiness is a warm gun” (Hạnh phúc là khẩu súng ấm nóng) xuất phát từ câu chuyện của Warren W. Herlihy trên tờ tạp chí “The American Rifleman” kể về việc truyền niềm say mê bắn súng cho cậu con trai nhỏ. Nhan đề gốc đăng trên tạp chí này là “Happiness Is A Warm Puppy”.

Ob - la - di Ob - la - da (Album The White Album, 1968)

Tay trống conga người Nigeria Jimmy Scott trong nhóm Georgie Fame & The Blue Flames chính là chủ nhân của cụm từ lạ lẫm trên. Nó mang một ý nghĩa đặc biệt trong ngôn ngữ bộ tộc của ông, điều mà ông chưa từng chia sẻ với ai. Lúc biểu diễn, ông hét lên “Ob - la - di” với khán giả và họ sẽ hét đáp lại “Ob - la - da”. Tiếp đến ông nói: “Cuộc sống vẫn tiếp diễn”. Năm 1984, McCartney nói: “Jimmy đã bực tức khi tôi viết một bài hát về nó bởi vì ông ấy muốn chia lợi nhuận. Tôi trả lời: “Thôi nào Jimmy. Đó chỉ là một cách diễn đạt. Nếu anh viết ra bài hát, anh sẽ được chia tiền”.

Let it be (Album 45rpm, 1970)

Bài hát “Let it be” (Hãy kệ nó) có giai điệu như nhạc trong nhà thờ, với ca từ về sự thông thái, mẹ Mary và ánh sáng. Nhiều người cho rằng vì McCartney là người Công giáo La Mã nên bài hát “Let it be” thường được giả định là một bài thánh ca thời hiện đại. Ngay cả tác giả cũng thừa nhận nó nghe “rất tôn giáo”. Tuy nhiên, bài hát không có ý nghĩa như vậy. Nó ra đời trong khoảng thời gian nhóm rock The Beatles tan rã và Paul đã nằm mơ thấy mẹ của mình (tên là Mary) nói lời an ủi ông. “Bà ấy mất khi tôi 14 tuổi nên tôi đã không được nghe giọng mẹ mình lâu rồi và giấc mơ đó thật tuyệt vời. Nó cho tôi sức mạnh. Trong thời khắc đen tối nhất của tôi, mẹ Mary đã đến bên tôi”.

She’s leaving home (Album Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, 1967)

Bài hát được sáng tác dựa theo một mẩu tin trên báo mà Paul McCartney đọc được, nói về vụ một cô gái bỏ nhà ra đi. Ngày 27/2/1967, Daily Mail đăng trên trang nhất tiêu đề: “Một nữ sinh tài năng (trình độ A) bỏ lại xe hơi và biến mất”. Cô gái 17 tuổi Melanie Coe, đã bỏ nhà ra đi và để lại tất cả. Bố cô gái đã nói rằng: “Tôi không tưởng tượng được rằng tại sao con bé lại ra đi, nó có mọi thứ ở đây”.

Chỉ với một mẩu tin đó, McCartney đã có hứng để sáng tác ca khúc “She’s leaving home” (Cô ấy bỏ nhà ra đi). Điều thú vị là cô gái Melanie Coe về sau nói rằng những ca từ trong bài hát cứ như là viết riêng cho cô, vì rất giống với tâm tư, hoàn cảnh của cô bấy giờ.

She came in through the bathroom window (Album Abbey Road, 1969)

Bài hát này được Paul McCartney lấy cảm hứng từ một sự việc có thật. Một hôm, một nhóm các cô gái trẻ vị thành niên hâm mộ The Beatles đã đột nhập vào căn nhà của ông ở St. John’s Wood. Một cô gái trong nhóm đã bắc thang gỗ trèo qua cửa sổ nhà tắm của McCartney vào bên trong, sau đó mở cửa cho những người khác vào.

Margo Bird chính là thiếu nữ đột nhập vào nhà của McCartney. Cô này đã theo dõi danh ca từ lâu nên biết rõ thời điểm ông thường dắt chó đi dạo. Trong lần đột nhập, Bird đã lấy trộm một số quần áo của nam ca sĩ cùng với vài tấm ảnh và phim ảnh.

Paul McCartney đã yêu cầu cô gái trẻ trả lại những tấm ảnh yêu thích cho mình. Dù bực mình nhưng sự việc cũng tạp cảm hứng cho ông viết ca khúc “She came in through the bathroom window” (Cô ấy trèo vào qua cửa sổ nhà tắm).

Theo Báo Tin tức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến