Theo sử sách, các vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm việc thưởng Tết cho các bậc công thần, quan lại, dân chúng, nô tì nhằm mục đích cho các thần dân của mình đón một năm mới đầm ấm, an dân bình trị.
Ngày nay, chuyện thưởng Tết đã trở thành một phong tục đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc mỗi dịp Tết đến xuân về. Tuy nhiên, không giống như thời hiện tại thưởng Tết được thực hiện sớm trước ngày Tết Nguyên Đán còn dưới triều Nguyễn, các vua mới ban thưởng cho quần thần của mình vào đúng dịp Tết.
Tranh vẽ đại lễ ngày mùng 1 Tết ở Thế Miếu – Đại nội Huế năm 1923.
Sử sách ghi, sau lễ khánh hạ là lễ ban yến và ban thưởng theo cấp bậc phẩm hàm. Trước đó, Phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ và Bộ Binh chịu trách nhiệm kê soạn danh sách yến hưởng ban thưởng, Bộ Lễ vẽ thành sơ đồ rồi chuyển giao cho Bộ Hộ chiếu lệ phân thưởng.
Theo Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, việc làm cỗ phục vụ yến tiệc do quan tại Quang Lộc tự giao cho bộ Binh lựa chọn sai phái binh lính đến sở thực hiện, xong việc lại về ngũ.
Tiệc yến đãi được tổ chức trong 2 ngày, mùng 1 và mùng 2. Thân phiên, hoàng thân, quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở lên và các chức tước trong họ phân chia ngồi theo thứ bậc ăn yến vào ngày mùng 1 tại điện Cần Chánh và nhà giải vũ hai bên điện. Quan văn lục phẩm, quan võ ngũ phẩm và ủy viên các tỉnh tới kinh ăn yến vào mùng 2 tại Viện Đãi Lậu.
Trong Châu bản Minh Mạng tập 12 viết, các quan tới dự yến đều được ban thưởng tiền vàng theo thứ bậc phẩm cấp. Các quan chưa mãn tang không được dự yến nhưng vẫn được ban thưởng và quy yến ra giá tiền để cấp thêm.
Dụ chuẩn ban ngày 10 tháng 12 năm Minh Mạng thứ 7 quy định hoàng tử và công tôn mỗi người được thưởng 20 lượng; quan viên văn võ: chính nhất phẩm mỗi người thưởng cấp 12 lượng, tòng nhất phẩm thưởng cấp 10 lượng, chính nhị phẩm thưởng 8 lượng, tòng nhị phẩm thưởng 6 lượng, chính tam phẩm thưởng 5 lượng, tòng tam phẩm thưởng 4 lượng, chính tứ phẩm thưởng 3 lượng, tòng tứ phẩm thưởng 2 lượng 5 tiền, chính ngũ phẩm thưởng 2 lượng. Các quan tại kinh nhưng không trong ban lệ theo châu khuyên và châu điểm đã phê duyệt thì căn cứ phẩm hàm mỗi người giảm bớt một lượng. Các quan ngoài kinh tới chầu từ chính ngũ phẩm trở lên chuẩn cấp thưởng đúng theo phẩm hàm đã định, quan từ tòng ngũ phẩm trở xuống thưởng 1 lạng. Quan hành tẩu phòng Văn thư và Chính đội trưởng, đội trưởng, suất đội trong Thị Nội, cai đội, suất đội các quân thưởng 1 lượng.
Trong Châu bản Minh Mạng tập 39 còn nói về việc ban thưởng cho các bậc cao niên, con cháu hiếu thảo và những người làm việc siêng năng. Theo đó, Ân chiếu ban năm Minh Mạng thứ 11 quy định các kỳ lão trên 100 tuổi ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng 1 lạng bạc. Các địa phương có con hiếu, cháu thuận, chồng nghĩa, vợ tiết thì quan quản lý nơi ấy xác thực cho rõ rồi tấu lên cho Bộ Lễ làm biểu dâng. Các châu phủ huyện xem xét những ai siêng năng chăm chỉ việc nông vụ thì lập tức ban thưởng để khích lệ cho đúng với lời dạy: gốc của thiên hạ lấy nông làm trọng.
Còn dưới thời vua Tự Đức, cứ mỗi dịp tết đến, vị hoàng đế này lại có cách thưởng riêng. Sử sách ghi, Tết năm Mậu Thân (1848), ngồi giữa các quan, vua Tự Đức đem bài thơ ngự chế do mình làm, đưa cho quần thần xem rồi thong dong bảo rằng:“Trẫm muốn vua tôi thân nhau như một thân thể, chẳng khác gì cha con trong một gia đình, chớ đợi thưởng mà cố gắng, chớ đợi phạt mới răn sợ. Các ngươi nên cố gắng, khuyến khích lẫn nhau, chớ để cho văn thì yên lặng, võ thì chơi bời, đó là lòng mong mỏi của trẫm”. Sau đó, vua Tự Đức ra lệnh cho đem bài thơ ban trong ngoài.
Đến tết năm Tân Mùi (1871), vua Tự Đức lại có cách thưởng khác khi khai ân cho các quan đã bị giáng hoặc chức, các quan viên lớn nhỏ mắc lỗi bị xử phạt, tội phạm…:“Tết Nguyên đán năm nay, chuẩn cho quan viên nào đã vì tội công mà phải cách được lưu tại chức, cho đổi làm giáng 4 cấp; tội tư thì cho đổi làm giáng 5 cấp. Lại chuẩn cho từ nay trở đi gặp các tiết Vạn thọ, Nguyên đán, bất luận là phạm tội công hay tội tư, phàm người bị cách hay giáng được lưu tại chức, thì đều được dự vào ân điển”.
Có thể thấy, bên cạnh việc mong muốn củng cố tình đoàn kết, mang lại sức mạnh tinh thần cho triều đình, qua việc thưởng tết, các vua triều Nguyễn còn thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của các quần thần.
Kỳ Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy