Là người tiên phong thực hiện những nghiên cứu mở đường cho chuyên ngành hồi sức tích cực, bác sĩ Thảo đã có trên 30 công trình nghiên cứu khoa học lớn, được đưa vào ứng dụng thực tiễn bên cạnh hàng trăm nghiên cứu khác. Đã có hàng ngàn bệnh nhân tưởng chừng như hết cơ hội sống đã được phục hồi sức khỏe và trở về với gia đình nhờ những ứng dụng đó.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo và Bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới trong khu điều trị COVID-19 của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Bác sĩ nghiên cứu khoa học để cứu người
Ước mơ trở thành bác sĩ cứu người của Phạm Thị Ngọc Thảo được nhen lên từ khi còn là một cô bé ở vùng quê nghèo Trà Vinh. Khi đó, chứng kiến người bà gầy yếu và ra đi đau đớn với căn bệnh ung thư di căn giai đoạn cuối, Thảo đã quyết tâm trở thành bác sĩ. Một năm sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo về công tác tại Khoa Chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Chợ Rẫy (nay là Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU)), nơi cực nhọc nhất, thường xuyên điều trị cho các bệnh nhân nặng và gắn bó đến nay trong cương vị Phó Giám đốc phụ trách khối Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Tận mắt chứng kiến nhiều bệnh nhân của mình đau đớn, khổ sở, mong manh giữa lằn ranh sinh - tử, nữ bác sĩ luôn khát vọng cải thiện những gì hiện có để cứu chữa, chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân. Vì vậy, không quản ngày đêm, bác sĩ Thảo vừa làm việc, vừa tiếp tục học nâng cao chuyên ngành và nghiên cứu khoa học.
Các đề tài nghiên cứu mang tính mở đường mà PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo đã đóng góp có thể kể đến: "Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh", "Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng"….
Thành công của đề tài nghiên cứu khoa học này đã giúp ngành hồi sức cấp cứu cứu sống nhiều bệnh nhân tưởng như không còn hy vọng, góp phần làm giảm sự tiến triển của suy đa tạng, giảm chi phí chữa bệnh và thời gian nằm viện của bệnh nhân. Với những nghiên cứu có giá trị đó, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo nhận Giải thưởng Kovalevskaya dành cho nhà khoa học nữ năm 2016 cùng nhiều giải thưởng cao quý khác.
Đặc biệt, đề tài “Ứng dụng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) trong điều trị Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS) và viêm cơ tim cấp” của bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo tạo nên kỳ tích trong y khoa tại Việt Nam.
PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo được tặng nhiều huân chương, bằng khen cao quý và mới đây là Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.
Cách đây hơn 10 năm, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo dẫn đầu đội ngũ hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy đi học tại Đức về kỹ thuật ECMO, là một kỹ thuật đỉnh cao của chuyên ngành hồi sức với kỳ vọng nhanh chóng trở về cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, về Việt Nam, khi triển khai gặp nhiều khó khăn về nhân lực, nguồn lực, Bảo hiểm Y tế chưa đưa kỹ thuật này vào danh mục thanh toán. Lúc này, bác sĩ Thảo là người “đứng mũi chịu sào”, đối mặt với các biến chứng, tai biến trong quá trình thực hiện và tìm cách cải tiến, đưa kỹ thuật trở thành thường quy.
Đến nay, tại Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện trên 500 ca ECMO, trong đó tỉ lệ cứu sống thành công hơn 71%. Để triển khai kỹ thuật ECMO và đưa vào hoạt động liên tục, bác sĩ Thảo còn tập trung cho các học trò nghiên cứu khoa học về ứng dụng kỹ thuật hiện đại này.
"Chính những kết quả nghiên cứu khoa học đã giúp ứng dụng và cải tiến rất nhiều trong hoạt động về kĩ thuật ECMO đối với bệnh nhân hồi sức, đặc biệt là suy tim cấp viêm cơ tim cấp và trường hợp suy hô hấp cấp tiến triển là một trong những cái mà bệnh COVID-19 gây ra đó là tổn thương phổi rất nặng", Bác sĩ Thảo nói.
Thủ lĩnh hồi sức trăn trở truyền nghề
Đồng hành cùng bác sĩ Thảo ở ICU gần 30 năm qua, với TS.BS chuyên khoa 2 Phan Thị Xuân, nguyên Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, bác sĩ Thảo là người đồng nghiệp, người lãnh đạo nhiệt tình, chu đáo. Cùng là phụ nữ, áp lực nghề nghiệp mỗi ngày điều trị cho hàng chục bệnh nhân nặng, bác sĩ Xuân thêm khâm phục vì cường độ làm việc, phong cách, sự cống hiến và ‘”lửa nghề” của bác sĩ Thảo.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Xuân nhớ lại, những ngày đầu thành lập bộ môn Hồi sức cấp cứu- Chống độc- Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo được phân công chủ nhiệm bộ môn. Bác sĩ Thảo lịch trình làm việc dày đặc, chưa có thư ký và bộ môn chưa có một giảng viên nào chính thức. Thiếu nhân lực, thiếu thốn nhiều thứ, bác sĩ Thảo tất bật như con thoi, từ làm việc hành chính đến lên chương trình giảng dạy, kế hoạch, định hướng của bộ môn…Mỗi ngày, bác sĩ Thảo di chuyển liên tục từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến trường để đảm nhiệm công tác đào tạo chuyên ngành Hồi sức cấp cứu.
"Rồi bác sĩ Thảo tìm nguồn tài trợ cho máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, tìm các nguồn vận động tiền để chi trả cho những bệnh nhân nghèo để bệnh nhân được hưởng kỹ thuật cao. Bác sĩ Thảo làm việc suốt ngày suốt đêm, không có thứ Bảy, Chủ nhật 7, làm việc cường độ rất cao", Bác sĩ Xuân kể.
Đến nay, bộ môn Hồi sức cấp cứu chống độc có nhiều đóng góp cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và chuyên ngành Hồi sức cấp cứu của TP.HCM cũng như cả nước nói chung. Hàng năm, từ đây, có nhiều công trình được công bố trên tạp chí trong nước, báo cáo trong các hội nghị trong nước và quốc tế. Nhiều bác sĩ trẻ tài năng của ngành y được “ra lò”, có thể triển khai được nhiều kỹ thuật khó, mới của thế giới. Nhờ vậy, thời gian qua, TP.HCM có thể đối mặt với đại dịch COVID-19, y bác sĩ sử dụng được nhiều kỹ thuật cao để nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Thảo chia sẻ, với ngành y là học tập ở thầy, ở bạn, ở đồng nghiệp đàn em. Trong quá trình đào tạo, kiến thức thay đổi liên tục, vì vậy học tập cần liên tục và suốt đời.
"Những vòng đời của các kiến thức bây giờ rất ngắn. Ví dụ trong vòng khoảng bao nhiêu ngày lại được cập nhật mới, nếu như người làm ngành y không cập nhật thì sẽ bị lạc hậu tri thức. Cho nên đối với đào tạo, chúng tôi rất trăn trở", Bác sĩ Thảo bày tỏ.
Mới đây, PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo vinh dự nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021 vì những cống hiến thầm lặng, hy sinh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước./.