Dòng sự kiện:
Cienco 1: Cái tên hứa rồi… thất hứa
17/04/2019 08:17:50
Trong danh sách 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa (CPH) nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán, có những doanh nghiệp quy mô lớn như Cienco 1.

Tại nhiều diễn đàn, một thời ngành giao thông được nêu lên như một điển hình về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhất là tiến độ cổ phần hóa nhanh. Tuy nhiên, sau động thái nhanh chân chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là sự chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán ở nhiều doanh nghiệp.

Được biết đến là một trong những “ông lớn” về tổng thầu và thi công lĩnh vực hạ tầng nhưng cũng là doanh nghiệp điển hình ngành giao thông thất hứa với cổ đông về đưa cổ phiếu lên sàn là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 - CTCP (Cienco 1). Đáng nói là liên tiếp sau hai kỳ đại hội đồng cổ đông thường niên 2014 và 2015 thông qua phương án niêm yết, đến kỳ đại hội đồng cổ đông năm 2016, Cienco 1 thêm một lần nữa thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên HNX, nhưng gần 3 năm trôi qua, Cienco 1 vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn.

Sau cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Cienco 1 khá trầm lắng. Năm 2016, doanh thu của Tổng công ty chỉ đạt 3.431 tỷ đồng (giảm 40% so với năm 2015), bằng 76% kế hoạch năm. Tương tự, lãi ròng cũng giảm tới 35%, xuống còn gần 57 tỷ đồng, bằng 78% kế hoạch. Theo báo cáo tài chính quý I/2017, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cienco 1 lần lượt đạt 453 tỷ đồng (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2015), và 11,1 tỷ đồng (giảm gần 6% so với cùng kỳ năm 2015).

Câu hỏi được đặt ra, Tổng công ty đưa cổ phiếu lên sàn, hay từ bỏ ý định lên sàn? 

Với hiện trạng công bố thông tin vừa thiếu, vừa chậm như thể hiện tại website của Cienco 1 (www.cienco1.com), có thể hiểu được phần nào lý do chậm trễ lên sàn chứng khoán của đơn vị này, vì khi lên sàn sẽ phải đối mặt với sức ép minh bạch thông tin liên tục theo quy định của pháp luật chứng khoán.

Liên quan đến thông tin tài chính - một trong những thông tin quan trọng mà các cổ đông quan tâm, tại mục “Quan hệ cổ đông” của website Cienco 1, đến ngày 15/2/2019, kết quả hoạt động kinh doanh mới nhất được doanh nghiệp công bố là báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán. Các thông tin về hoạt động kinh doanh năm 2017 - 2018 chưa được công khai.

Ngày 19/02/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 450 triệu đồng đối với Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 – CTCP (Cienco1).

 Một trong những diễn biến mới đây, Cienco1 bị phạt 100 triệu đồng do Công ty không báo cáo UBCKNN theo quy định pháp luật đối với các tài liệu:

- Báo cáo tài chính (BCTC) công ty mẹ và hợp nhất Quý 4/2017, Quý 1/2018; 

- Văn bản giải trình của Công ty về ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán;

- Văn bản giải trình của Công ty về ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 đã soát xét;

- Văn bản giải trình của Công ty về ý kiến kiểm toán đối với BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán;

- Văn bản giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận tại Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của BCTC công ty mẹ Quý 4/2016 so với BCTC công ty mẹ năm 2016 đã kiểm toán;

- Văn bản giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế tại BCTC hợp nhất Quý 2/2017 bị lỗ;

- Văn bản giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận Quý 2/2017 so với Quý 2/2016;

- Văn bản giải trình nguyên nhân chênh lệch lợi nhuận Quý 3/2017 so với Quý 3/2016;Thông báo số 209/TB/PS ngày 19/6/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;

Thêm vào đó, Công ty cũng báo cáo UBCKNN không đúng thời hạn quy định pháp luật đối với các tài liệu:

- Báo cáo thường niên năm 2016, 2017;

- BCTC công ty mẹ và hợp nhất đã kiểm toán năm 2016, 2017;

- BCTC công ty mẹ và hợp nhất Quý 1,2,3 năm 2017;

- BCTC công ty mẹ và hợp nhất 06 tháng đầu năm 2017 đã soát xét;

- Thông báo ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên đối với BCTC hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán; 

- Thông báo ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên đối với BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2017 đã soát xét;

- Thông báo ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của kiểm toán viên đối với BCTC hợp nhất năm 2017 đã kiểm toán;

- Quyết định Hội đồng quản trị (HĐQT) số 309/QĐ-HĐQT ngày 25/9/2017 về việc miễn nhiệm Kế toán trưởng;

- Quyết định HĐQT số 310/QĐ-HĐQT ngày 25/9/2017 về việc bổ nhiệm Kế toán trưởng;

- Quyết định HĐQT số 03/QĐ-HĐQT ngày 05/01/2018 về việc ban hành điều lệ sửa đổi;

- Điều lệ tháng 01/2018 (sửa đổi lần 3);

- Nghị quyết HĐQT số 166/2018/NQ-HĐQT ngày 26/2/2018 về việc mua lại phần vốn góp/cổ phần của CTCP Thương mại Nước giải khát Khánh An tại CTCP Đầu tư BOT Lào Cai - Sapa.

Đồng thời, Cienco1 bị phạt thêm 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán.

Có thể thấy, tình trạng doanh nghiệp hậu cổ phần hóa dây dưa đăng ký giao dịch, niêm yết là một trong những hạn chế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở các bộ, ngành tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây. Để khắc phục tình trạng này, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trình Chính phủ điều chỉnh các cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán để vừa gia tăng quy mô của thị trường, đẩy mạnh tính công khai, minh bạch, nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa…

Còn nhớ, ở thời điểm cổ phần hóa năm 2014, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP (TEDI) đã thông qua chủ trương niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), với mục đích nâng cao thương hiệu, tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của Tổng công ty sau cổ phần hóa, tạo giá trị gia tăng cho các cổ đông, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn. Điều này đã mang lại kỳ vọng cho cổ đông về tính thanh khoản của cổ phiếu, cũng như cải thiện tính minh bạch về hoạt động của TEDI. Thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, thời điểm lên sàn của TEDI vẫn mờ mịt.

Với kết quả kinh doanh mới nhất không mấy khả quan, con đường lên sàn của TEDI không biết kéo dài đến bao giờ? Theo báo cáo tài chính riêng - công ty mẹ, trong quý IV/2018, TEDI đạt 79,4 tỷ đồng doanh thu, 4,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi cùng kỳ năm 2017 lãi hơn 10,8 tỷ đồng. Kết quả này khiến doanh thu và lợi nhuận cả năm 2018 của TEDI suy giảm so với năm 2017. Năm 2018, TEDI lãi 20,3 tỷ đồng, trong khi năm 2017 đạt 28,1 tỷ đồng. Đây cũng là một trường hợp "ông lớn" ngành giao thông thất hứa lên sàn.


 

Mai An

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến