Dòng sự kiện:
Cô giáo ra đề Văn khuyên nữ sinh 'đừng sống tầm gửi'
08/03/2018 07:10:58
"Phụ nữ muốn gì thì hãy tự mình cố gắng để đạt lấy, đừng nằm chờ sung rụng", cô giáo Nghệ An lồng ghép quan điểm sống qua đề Văn.

Sáng 6/3, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Quỳnh Lưu, Nghệ An) ra một đề văn cho học sinh lớp 12A4 xoay quanh vấn đề về người phụ nữ, được nhiều học sinh đánh giá thú vị và gần gũi. Đây là đề bài viết số 6 trong chương trình Ngữ văn 12, học sinh được làm ở nhà. Cô giáo chọn ngữ liệu phần Đọc hiểu (3 điểm) khá dài, là bài viết "Thư gửi con gái" của tác giả Mèo Xù trong "Bơ đi mà sống" - cuốn sách thể hiện cá tính của người phụ nữ hiện đại.

Bài viết mở đầu như sau:

"Con gái của mẹ!

Ngày xưa mẹ được dạy: "Cuộc đời phụ nữ tựa như cánh bèo trôi, mênh mông vô định chẳng biết đâu mà lần". Mẹ tưởng đó là quan niệm cổ hủ của các cụ ngày xưa thôi, thế mà ngày nay mẹ vẫn thấy nhiều cô gái than ngắn thở dài với nhau một câu khác gần tương tự: "Phụ nữ lấy chồng cũng giống như chơi một canh bạc, thông minh giỏi giang cũng không bằng may mắn".

Mẹ nghĩ phụ nữ thế kỷ 21 rồi, có thể đi Tây về Tàu, đừng nói là ôtô, đến máy bay phụ nữ cũng có thể lái được. Thế thì tại sao lại phải để cuộc đời mình thụ động như một cánh bèo, để cả cuộc đời mình rơi vào tính thế hên xui đỏ đen giống như một canh bạc được? Nếu người phụ nữ cả đời vẫn sống với những quan điểm bi quan như vậy, thì khổ sở hay bất hạnh rơi xuống đầu cô ta cũng là điều dễ hiểu thôi.

Mẹ khuyên con cần biết cách tự chịu trách nhiệm với cuộc đời mình. Hãy luôn chủ động với nó, và hơn hết đừng bao giờ sống tầm gửi vào ai, con muốn có thứ gì, hãy tự cố gắng để đạt được.

Mẹ thấy rất nhiều cô gái sẵn sàng trao thân cho một người đàn ông. Để rồi lúc xảy ra chuyện liền quay ra bắt người đàn ông đó phải chịu trách nhiệm. Đàn ông không chịu trách nhiệm thì lu loa chửi bới họ là đồ Sở Khanh, là đồ vô trách nhiệm. Nhưng mẹ sẽ không dạy con như vậy, mẹ muốn nói với con rằng: "Thân con gái không biết yêu đúng cách, không biết tỉnh táo mà lựa chọn đàn ông, chỉ biết mông muội nhìn vào mỗi chữ yêu, thì lúc xảy ra chuyện đừng trách ai, cũng đừng bắt ai phải chịu trách nhiệm. Cuộc đời con, con còn không có trách nhiệm với nó thì đừng hy vọng người khác phải có...".

Ngày 8/3 là cơ hội để cô giáo Nghệ An đề cập đến lối sống của người phụ nữ hiện đại cho học sinh. Ảnh minh họa: Thành Nguyễn

Phần Làm văn (7 điểm) cũng đề cập đến những vấn đề gần gũi với các em. Câu 1 lấy một ý trong văn bản đọc hiểu và yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm của mình. Câu 2 bàn về hình tượng người đàn bà làng chài trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu. Từ đó, các em liên hệ thực tế đời sống hiện nay và đưa ra nhận xét về người phụ nữ hiện đại.

Cô Hà chia sẻ, đã chứng kiến nhiều nữ sinh không làm chủ được mình, có thai ngoài ý muốn, phải nghỉ học giữa chừng. Một bộ phận giới trẻ đang có những biểu hiện lệch lạc về yêu đương, nhầm lẫn giữa phóng khoáng và vô trách nhiệm. "Tôi ra đề văn này cho lớp mình chủ nhiệm, là lớp chọn khối khoa học xã hội, có 35/37 em nữ nhằm định hướng thêm cho các em về kỹ năng sống, nhất là thái độ với tình yêu và trách nhiệm với cuộc đời mình", cô giải thích.

Với dạng đề ngoài sách giáo khoa, cô giáo tôn trọng quan điểm của học sinh và sẵn sàng chấm điểm cao nếu các em lập luận thuyết phục.

Là học sinh của lớp 12A4, Lê Minh Anh cho biết cô Hà rất tâm lý, các em có cơ hội bày tỏ nhiều điều thông qua bài làm. Bên cạnh thực trạng chung của xã hội, Minh Anh ấn tượng với tình mẫu tử trong đề văn. Những trăn trở của một người mẹ trong thời hiện đại khiến em thấy xúc động, liên hệ với bản thân và câu chuyện của bạn bè.

Nữ sinh kể đây không phải lần đầu cô giáo chủ nhiệm tạo cảm hứng cho cả lớp bằng chủ đề gần gũi với cuộc sống. "Ai theo dõi Facebook của cô Hà có thể đoán được đề văn tiếp theo, qua những bài báo cô chia sẻ. Lớp em từng làm bài liên quan đến sự kiện U23 Việt Nam, giàn khoan HD-981", Minh Anh nói.

Là một trong hai nam sinh của lớp, Nguyễn Hữu Huy rất hứng thú với đề văn. "Nhiều bạn nữ không có trách nhiệm với bản thân, quá dễ dãi trong cuộc sống. Thực tế, khi có chuyện xảy ra, các bạn phải chịu thiệt thòi hơn nam giới rất nhiều, những nỗi đau tinh thần sẽ kéo dài mãi. Do đó, đề văn của cô rất thực tế và cũng phù hợp với dịp 8/3", Huy nhận xét.

Theo VnExpress

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến