Dòng sự kiện:
Có hiện tượng nhiều mỏ khoáng sản ở Thanh Hóa bán vật liệu cao hơn giá niêm yết
26/05/2023 12:53:57
Nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa phản ánh, các mỏ khoáng sản trên địa bàn đang bán giá thực tế cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết thể hiện trong hóa đơn thuế.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa, thời gian qua, giá vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao, nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thi công các công trình trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, nhiều mỏ khoáng sản như đất, đá, cát, sỏi… lại có những cách thức tăng giá VLXD một cách tinh vi, các đơn vị này thường bán giá thực tế cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết được thể hiện trong hóa đơn thuế. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi thi công các dự án và trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh, mà còn gây thất thu thuế cho Nhà nước.

“Nguồn cung vật liệu thì khan hiếm dẫn đến giá cả vật liệu tăng cao. Trong khi đó, tại các mỏ vật liệu, chúng tôi bị ép phải mua với giá cao hơn nhiều lần so với giá ghi trong hóa đơn. Nếu không mua, thì biết làm sao, chúng tôi không có nguồn vật liệu nào thay thế. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ có biện pháp điều chỉnh hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện một nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết.

Khan hiếm nguồn cung vật liệu khiến giá cả tăng cao 

Trước tình trạng này, ngày 25/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát về giá, chống thất thu thuế trong hoạt động khoáng sản và tháo gỡ vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác quản lý khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản.

Tuy nhiên, công tác quản lý, giám sát, kiểm soát về giá vật liệu xây dựng, kiểm soát về sản lượng khai thác thực tế so với kê khai thuế còn nhiều bất cập.

“Có nhiều doanh nghiệp phản ánh phải mua vật liệu xây dựng là tài nguyên khai thác với giá cao nhưng người bán khi lập hóa đơn, giá ghi trên hóa đơn lại thấp, không đúng với giá thực tế người mua phải thanh toán; hoặc doanh nghiệp mua vật liệu xây dựng là tài nguyên khai thác của chủ mỏ có hoạt động khai thác khoáng sản nhưng thực tế lại không xuất hóa đơn cho người mua khi thanh toán do sản lượng khai thác đã vượt quá công suất cấp phép khai thác. Điều này dẫn đến tình trạng để hợp pháp hóa đầu vào, bên mua đã mua hóa đơn không hợp pháp, sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp khác (doanh nghiệp không có hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản).... “, văn bản nêu.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, kịp thời phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản, thuế, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động phối hợp với Sở Xây dựng rà soát nhu cầu vật liệu xây dựng để tham mưu và thực hiện các thủ tục đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đủ điều kiện, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, mang lại nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước.

Kiểm tra, rà soát trữ lượng được phép khai thác, trữ lượng còn lại tại các mỏ vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhất là các vi phạm như: khai thác khoáng sản trái phép; khai thác ngoài ranh giới được cấp phép; báo cáo không đúng, không đầy đủ theo sản lượng khai thác thực tế.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Xây dựng: Tổ chức khảo sát, điều tra thông tin giá vật liệu xây dựng, tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá vật liệu xây dựng trên địa bàn đối với các loại vật liệu xây dựng phổ biến và chủ yếu có trên địa bàn theo định kỳ hằng tháng, quý; tổng hợp báo cáo kết quả khảo sát giá, phải xác định rõ tên, địa chỉ, đơn vị khai thác, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và các căn cứ để xác định giá đến hiện trường xây lắp trên địa bàn để kịp thời cập nhật, công bố hàng tháng (hoặc sớm hơn) giá những loại vật liệu có biến động lớn để các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được biết, thực hiện.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp cố tình vi phạm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá vật liệu tại các mỏ đang khai thác để không xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được công bố; trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc tổ chức, cá nhân trên địa bàn có biến động giá lớn để tránh trường hợp các doanh nghiệp liên kết để nâng giá, ảnh hưởng đến việc xây dựng công trình; phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan thường xuyên rà soát, cập nhật các loại vật liệu xây dựng chủ yếu vào danh mục để công bố giá kịp thời hàng tháng, hàng quý, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng…

UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ngành và các đơn vị liên quan khác gồm: Cục quản lý thị trường, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện phối hợp thực hiện theo chức năng, nhiệm được giao nhằm tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản.

Lương Diễn

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến