Dòng sự kiện:
Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước năm 2019: Nhiều nơi 'án binh bất động'
11/12/2019 09:00:57
Nhiều đơn vị còn tồn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện cổ phần hoá (CPH), trong đó có hai TP lớn là Hà Nội và TP HCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn 'án binh bất động'.

Ngày 10/12, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về "Tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018; Kết quả tái cơ cấu, CPH doanh nghiệp nhà nước năm 2019".

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cung cấp thông tin tại cuộc họp báo sáng 10/12. (Ảnh: Đức Minh)

Cả năm chỉ có 9 DN được phê duyệt phương án CPH

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2018 và đánh giá kết quả đạt được về tái cơ cấu, CPH DNNN năm 2019. Đồng thời nêu các giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN trong thời gian tới.

Theo Bộ Tài chính, trong năm 2019 có 9 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 3 DN thuộc danh mục các DN CPH theo công văn số 991/TTg-ĐMDN (2 DN) và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg (1 DN) của Thủ tướng. 

Lũy kế giai đoạn 2016 - 2019, đã có 168 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH với tổng giá trị DN là 443.056 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 168 DN đã CPH chỉ có 36/168 DN CPH thuộc danh mục 128 DN CPH theo công văn số 991 và Quyết định 26 (đạt 28% kế hoạch), số DN còn phải thực hiện CPH theo kế hoạch tính đến hết năm 2020 là 92 DN.  

Như vậy, mặc dù đã được nhắc nhở, đôn đốc nhưng tiến độ CPH các DN tiếp tục chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), nhiều đơn vị còn tồn nhiều DN thuộc danh sách phải thực hiện CPH, trong đó có hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM chiếm tới 54% số DN trong danh mục nhưng thời gian qua vẫn "án binh bất động".

Cụ thể, TP Hà Nội còn phải CPH 13 DN (4 tổng công ty), chiếm 14% kế hoạch. TPHCM CPH 38 DN (11 tổng công ty), chiếm 40% kế hoạch. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN CPH 6 DN (3 tập đoàn, 3 tổng công ty). Bộ Công thương CPH 4 DN (3 tổng công ty). Bộ Xây dựng CPH 2 tổng công ty.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết, bên cạnh nhiều lý do, việc chậm CPH cũng còn do những DN phải CPH đều là những DN lớn, nhiều tài sản như Agribank, TKV… nên việc CPH không thể nhanh như các DN nhỏ, mà phải mất rất nhiều thời gian để xử lý đất đai, kiểm đếm tài sản. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các DN phải điều chỉnh tiến độ CPH.

Thoái vốn hiệu quả cao song tiến độ vẫn chậm

Về thoái vốn, tiến độ còn chậm hơn tuy nhiên điểm tích cực là hiệu quả cao, giá trị thu về hơn gấp đôi giá trị sổ sách. Trong năm 2019 có 13 DN thuộc danh mục ban hành theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, đã thoái vốn nhà nước tại 92 đơn vị thuộc Quyết định 1232 với giá trị sổ sách 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước theo Quyết định số 1232 chỉ đạt 7,8% kế hoạch.

Trong đó, những đơn vị còn nhiều DN phải thực hiện thoái vốn theo Quyết định 1232 với giá trị lớn là: Bộ Công thương (thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam); Bộ Giao thông vận tải (thoái 30,4% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty CP và 35,16% vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Công ty CP), Bộ Xây dựng (còn phải thoái vốn tại 8/11 Tổng công ty cổ phần); Thành phố Hà Nội (còn phải thoái vốn tại 31/34 DN).

Đối với các DN thoái vốn nằm ngoài QĐ 1232, lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, cả nước đã thoái 3.785 tỷ đồng, thu về 110.392 tỷ đồng (bao gồm khoản thoái 3.436 tỷ đồng, thu về 109.965 tỷ đồng tại Sabeco). Cùng với việc thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, DNNN theo Đề án cơ cấu lại, tổng kết lại số thoái vốn năm 2019 là 2.687 tỷ đồng giá trị sổ sách, thu về 5.098 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 - 2019 là 24.769 tỷ đồng, thu về 171.072 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực của công tác cổ phần hóa, thoái vốn, đại diện Bộ Tài chính cũng nêu rõ những hạn chế như chậm tiến độ, chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần, chậm bàn giao về SCIC…

Nhiều DN chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường, chậm đổi mới công tác quản trị DN sau cổ phần theo thông lệ và chuẩn mực của các DN trên thị trường chứng khoán, cũng như hạn chế sự giám sát của xã hội với hoạt động DN.

Về nguyên nhân, bên cạnh một số nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan vẫn là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu DN, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của DN, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng

Bộ Tài chính cho biết, kết thúc năm tài chính 2018, có 855 doanh nghiệp có vốn Nhà nước; trong đó, có 505 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 350 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

Tổng vốn Nhà nước đang đầu tư tại 855 doanh nghiệp là 1.533.001 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017; trong đó, doanh nghiệp Nhà nước là 1.368.867 tỷ đồng  và doanh nghiệp có vốn nhà nước là 164.134 tỷ đồng.

Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3.715.187 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2017; có 110/855 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bị lỗ, chiếm 13% tổng số doanh nghiệp có vốn Nhà nước.  

Tổng số phát sinh phải nộp Ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước là 367.712 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2017.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp Nhà nước đều có xu hướng tăng lên so với năm 2017. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước đều đạt được mục tiêu tăng trưởng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung nguồn lực tài chính tái đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động.

Các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn có xu hướng tăng trưởng ổn định, tỷ lệ vốn nhà nước góp tại các công ty cổ phần có xu hướng dịch chuyển gắn liền với quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 180 doanh nghiệp cổ phần, chủ yếu tập trung tại các Tập đoàn, Tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng, sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa hoạt động kém hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ thực tế tại đơn vị để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan không thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu; trong đó, có việc không thực hiện gửi Báo cáo kết quả giám sát tài chính về Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, để việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp đạt hiệu quả, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan đại diện chủ sở hữu tập trung vào giám sát trước, giám sát ngay từ khi lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, lập dự án đầu tư, huy động vốn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn vốn. 

Đồng thời, thực hiện giao kế hoạch sản xuất kinh doanh phải bám sát tình hình thực tế doanh nghiệp có tính đến biến động chung của thị trường, tránh giao chỉ tiêu quá thấp, dễ đạt được, ảnh hưởng đến chất lượng công tác xếp loại doanh nghiệp. Cùng đó, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.

Khánh Linh (T/H)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến