Nhiều vướng mắc về đất đai, tài chính
Quá trình cổ phần hóa (CPH) tại các DNNN là chủ trương lớn, với mong muốn đem lại nhiều kết quả tích cực như huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp CPH.
Theo mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2017 – 2020 cả nước sẽ thực hiện CPH 127 doanh nghiệp. Trong đó, năm 2017 tiến hành CPH 44 doanh nghiệp, năm 2018 là 64 doanh nghiệp, năm 2019 CPH 18 doanh nghiệp và năm 2020 là 1 doanh nghiệp.
Thời gian qua, việc cổ phần hóa DNNN đang được triển khai và có những kết quả nhất định. Tuy nhiên, điểm lại các đơn vị nằm trong danh mục DNNN hoàn thành CPH (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, thì việc cổ phần hóa DNNN chưa đúng theo kế hoạch và còn rất nhiều việc phải làm.
Theo Danh mục DNNN hoàn thành CPH (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, Transerco nằm trong kế hoạch năm 2018. (Ảnh: Hà Cường)
Về vấn đề này, mới đây (ngày 28/3) Bộ Tài chính cho rằng, xét về tổng thể tiến độ CPH, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN đều chậm so với kế hoạch. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, cả nước tiến hành CPH 64 doanh nghiệp, nhưng trên thực tế chỉ có 23 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH. Tính đến hết năm 2018, có 35/526 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Lý giải về việc doanh nghiệp chật vật thoái vốn, cổ phần hóa DNNN trong thời gian qua, lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng cho biết, một trong những nguyên nhân bởi vướng mắc đất đai, tài chính nên cần thời gian để xử lý, việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của nhiều doanh nghiệp quy mô lớn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm rằng, sau một số sai phạm liên quan đến CPH doanh nghiệp nhà nước bị phát hiện và xử lý nghiêm, đang có tình trạng sợ trách nhiệm trong triển khai CPH. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho tiến độ CPH chậm. Một vấn đề khác được dư luận đặc biệt quan tâm, thời gian qua nhiều khu đất đắc địa sau vài năm CPH đã nhường chỗ cho các dự án chung cư cao tầng, còn các “đại gia” thì thâu tóm được đất vàng.
Trước đó, đã có nhiều chỉ đạo thông qua Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về việc tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Từ đầu năm 2019 đến nay, công tác chỉ đạo đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN cũng nhiều lần được nhắc đến.
Khu đất 32 Nguyễn Công Trứ được UBND TP Hà Nội giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quản lý, sử dụng đã bị "xẻ thịt" làm ki-ốt, cho công ty khác thuê làm địa điểm kinh doanh. (Ảnh: Hà Cường)
Mới đây (ngày 5/1/2019), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg, về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Chỉ thị nêu rõ, các DNNN thuộc diện CPH cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp CPH theo đúng quy định.
Ngoài ra, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong quý I/2019, vẫn chưa có thêm doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH và đồng thời chưa có doanh nghiệp thực hiện thoái vốn.
Ai bật đèn xanh cho DNNN “xẻ thịt” đất vàng cho thuê?
Thực hiện chủ trương chung, TP. Hà Nội cũng có nhiều DNNN nằm trong lộ trình CPH. Theo Danh mục DNNN hoàn thành CPH (hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu) theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, trong năm 2018 sẽ tiến hành cổ phần hóa 64 doanh nghiệp.
Cụ thể, năm 2018, TP. Hà Nội tiến hành cổ phần hóa 11 doanh nghiệp (chưa kể 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), trong đó bao gồm Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Transerco. Tuy nhiên, con số 14 doanh nghiệp trên (chiếm 16% tổng số doanh nghiệp CPH năm 2018) đã bị lỡ kế hoạch CPH trong năm 2018 và đương nhiên Transerco cũng nằm trong số các DNNN đó.
Là một DNNN nằm trong lộ trình phải CPH, Transerco cũng được chờ đợi sau khi CPH sẽ có nhiều nguồn lực của xã hội đầu tư, để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm tăng hiệu quả hoạt động và cơ hội phát triển của đơn vị này sau khi CPH. Có thể nói, Transerco như một điển hình của quá trình CPH, thoái vốn DNNN trong suốt thời gian qua. Theo tìm hiểu, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty vận tải Hà Nội hiện là ông Nguyễn Hoàng Trung. Trước khi ngồi ghế Chủ tịch, ông Nguyễn Hoàng Trung giữ chức vụ Tổng Giám đốc (từ ngày 1/6/2016).
Khu "đất vàng" trước đây là trụ sở Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch - Newway. (Ảnh: Hà Cường)
Được biết, Transerco nằm trong Ðề án Tái cơ cấu các DNNN giai đoạn 2011 - 2015 và hướng đến năm 2020 của Chính phủ và TP. Hà Nội. Tính đến năm 2016, Transerco đã thoái vốn nhà nước tại bốn công ty: TNHH MTV Bến xe Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội); Xí nghiệp Xe điện Hà Nội (Công ty Cổ phần Xe điện Hà Nội); Xí nghiệp Vận tải du lịch (Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch - Newway); Xí nghiệp xe buýt Liên Ninh (Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Liên Ninh).
Nói về Transerco, cũng cần nhắc thêm về vấn đề sử dụng đất tại đơn vị này. Transerco hiện đang quản lý, sử dụng nhiều khu “đất vàng” rộng hàng nghìn mét vuông và có vị trí đắc địa. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều phản ánh liên quan đến việc Transerco sử dụng đất sai mục đích. Thay vì với chức năng chính là thực hiện vai trò phát triển giao thông công cộng, bến bãi, giao thông tĩnh của Thủ đô Hà Nội, thì Transerco “xẻ thịt” đất công cho thuê.
Số liệu thống kê và trong các báo cáo tài chính Transerco cho thấy, trong số các đơn vị thành viên không có cái tên “Hà Nội Ford”. Trên thực tế, trên khu đất vàng 94 Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội) đang tọa lạc showroom ô tô “Hà Nội Ford” rộng hàng trăm mét vuông. Ngoài ra, thời gian qua dãy ki-ốt (32 Nguyễn Công Trứ) cũng mọc lên và biến tướng thành nơi kinh doanh buôn bán,… Người dân trên địa bàn cho biết, giá thuê vị trí trên để làm Showroom ô tô lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng, giá cho thuê ki-ốt cũng cao ngất ngưởng.
Ngoài ra, khu đất rộng hàng chục nghìn m2 nằm cạnh Nghĩa trang Mai Dịch (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) được UBND TP. Hà Nội giao cho Transerco xây dựng hệ thống các khu dịch vụ xe buýt tại điểm Mai Dịch, nhưng trước đây cũng bị biến thành sân bóng, bãi rửa xe,...
Showroom ô tô "Hà Nội Ford" rộng hàng trăm mét vuông, nằm ở vị trí đắc địa giao cắt tại số 32 Nguyễn Công Trứ - 94 Ngô Thì Nhậm - khu đất do Transerco quản lý, sử dụng. (Ảnh: Hà Cường)
Trước thực trạng đáng báo động này, nhiều ý kiến hoài nghi rằng tại sao chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm những tồn tại trên? Với việc “xẻ thịt” đất công cho thuê sai mục đích, số tiền mà Transerco thu được từ việc cho thuê đó sẽ chui vào túi ai? Liệu số tiền trên có được hạch toán, báo cáo và nộp thuế cho Nhà nước hay không?
Trong khi việc sử dụng đất sai mục đích trên đang phá vỡ quy hoạch và khiến cho mỹ quan đô thị trở nên nhếch nhác. Không quá khi nói, nó như một “vết dao rạch mặt” đô thị Thủ đô, hình ảnh mà suốt thời gian qua chính quyền TP. Hà Nội đã xây dựng “trật tự, văn minh đô thị”.
Có thể nói, việc CPH, thoái vốn nhà nước ở DNNN và câu chuyện vi phạm trật tự xây dựng, hay “xẻ thịt” đất công cho thuê sai mục đích trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn đang rất “nóng”. Quá trình CPH tại Transerco đang diễn ra ì ạch, trong khi việc “xẻ thịt” đất vàng sử dụng đất sai mục đích vẫn ngang nhiên diễn ra, đây là điều mà các cấp quản lý Nhà nước cần lưu tâm.
Theo tìm hiểu, trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 1 cũng cho biết sẽ kiểm toán việc xác định giá trị doanh nghiệp, thực hiện CPH doanh nghiệp Nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của TP. Hà Nội giai đoạn 2013 - 2017. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cũng nằm trong “tầm ngắm” bị kiểm toán báo cáo tài chính.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng phát biểu: “Có một điều không mới đang làm chậm tiến độ CPH, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng nói ra. Đó là mối lo CPH, thoái hết vốn nhà nước thì không còn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc nữa, không còn xe đưa, xe đón, quyền lợi không còn. Đó là chưa kể trong quá trình điều hành doanh nghiệp không tránh khỏi sai sót, nay đưa ra CPH, nhiều vấn đề sẽ được làm rõ, khiến lãnh đạo doanh nghiệp e ngại nếu khới ra không khéo bị xử lý thì gay…”. |
Theo Reatimes
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy