Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/11
11/11/2021 05:15:08
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

BVSC xác định mức giá mục tiêu của PNJ của CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận là 121.800 đồng/CP sau khi chuyển mô hình DCF sang cuối 2022, tương đương mức lợi nhuận kỳ vọng là 15% tại giá đóng cửa 09/11/2021.

PNJ đang được giao dịch tại mức PE dự phóng 2022 là 16,6 là tương đối hấp dẫn so với mức PE trượt bình quân từ 2016 đến nay là 19x. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PNJ.

Đồng thời, duy trì đánh giá tích cực với triển vọng trung và dài hạn của (1) thị trường bán lẻ trang sức Việt Nam cũng như (2) khả năng chiếm lĩnh thị trường nhờ các lợi thế cạnh tranh về thương hiệu, tập khách hàng, năng lực phân tích nắm bắt xu hướng thị trường cũng như chế tác của PNJ.

Rủi ro: (1) diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tiếp diễn trên Toàn cầu cũng như tại Việt Nam với sự xuất hiện của các biến chủng mới đe dọa kỳ vọng các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn và (2) rủi ro lạm phát đình trệ của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu tiêu dùng của người dân, đặc biệt với nhóm sản phẩm trang sức.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá mục tiêu 53.800 đồng/CP dựa trên: (i) tăng trưởng hạn mức hoạt động nhờ nguồn vốn cải thiện mạnh mẽ; (ii) chất lượng tài sản được nâng cao hơn nhờ chủ động trích lập dự phòng; (iii) CASA tăng trưởng nhờ chuyển đổi số; (iv) khả năng sinh lợi hàng đầu.

Luận điểm đầu tư: Tăng trưởng hạn mức hoạt động nhờ nguồn vốn cải thiện mạnh mẽ. Với việc hoàn thành thương vụ bán 49% vốn điều lệ FEC trong tháng 10/2021 dự kiến đem về cho VPBank khoảng 1.4 tỷ USD và theo đó vốn chủ sở hữu của VPBank kỳ vọng đạt mức hơn 96 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021. CAR dự kiến đạt 17%, một phần giúp VPBank có được phê duyệt hạn mức hoạt động từ NHNN, trong đó có hạn mức tín dụng - yếu tố cốt lõi cho sự tăng trưởng của VPBank trong tương lai.

Bên cạnh đó, VPB đẩy mạnh cho vay bán lẻ và cho vay tiêu dùng nhờ nền tảng công nghệ. Sự tham gia của SMBC kỳ vọng giúp VPBank duy trì vị thế dẫn đầu trong mảng cho vay tiêu dùng với hơn 50% thị phần. Hơn nữa, ngân hàng số VPBank Neo đã chứng minh được hiệu quả khi trong 9 tháng đầu năm đã thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới với hơn 95 triệu giao dịch online là nền tảng cho mảng cho vay bán lẻ đạt tốc độ tăng trưởng cao trong tương lai.

Thêm vào đó, VPB tăng cường trích lập dự phòng đảm bảo chất lượng tài sản. Trong 9 tháng năm 2021, việc tăng cường trích lập dự phòng giúp LLR hợp nhất và riêng lẻ của VPBank cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ LLR hợp nhất và riêng lẻ lần lượt đạt 73,6% và 78,9% vào cuối quý III/2021 so với mức 73,1% và 69,8% cùng thời điểm năm 2020.

Tuy nhiên, do tỷ lệ nợ xấu có sự gia tăng khiến chi phí tín dụng tăng nhẹ từ mức 4,6% trong quý II lên 4.,8% trong quý III. VPBank vẫn thận trọng duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận trước thuế và trước trích lập dự phòng (PPOP) hơn 50%.

Một luận điểm đầu tư khác là tăng trưởng CASA khả quan nhờ chuyển đổi số hiệu quả. Tỉ lệ CASA liên tục tăng trưởng từ cuối năm 2020 đến quý III/2021 ghi nhận đạt mức 22.1% nhờ những thay đổi trong chiến lược tiếp cận khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi kỳ vọng cổ đông chiến lược SMBC sẽ thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi bằng ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn.

Ngoài ra, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm phát triển đa dạng hệ sinh thái và quy mô tệp khách hàng trong các mảng cho vay khách hàng cá nhân và SMEs, tỷ lệ CASA của VPB dự kiến sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Trong 9 tháng năm 2021, dù chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 32,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank vẫn đạt hơn 11,7 nghìn tỷ đồng, tăng gần 25% trong đó Ngân hàng mẹ đạt gần 11 nghìn tỷ đồng tăng trưởng hơn 75%. NIM 9 tháng 2021 hợp nhất đạt 8,5%, riêng Ngân hàng mẹ ghi nhận con số đầy khả quan ở mức 5,4% so với 4,6% trong 9 tháng năm 2020.

Chúng tôi kỳ vọng NIM của ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo nhờ duy trì vị thế độc tôn trong mảng cho vay tiêu dùng. Nguồn thu từ phí bảo hiểm chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu nguồn thu ngoài lãi, kỳ vọng VPBank sẽ đàm phán lại hợp đồng thương vụ bancassurance độc quyền với AIA để thu về khoản phí “trả trước” cao hơn.

Dù vậy, vì chưa có kế hoạch cụ thể nên chúng tôi tạm chưa yếu tố này vào mô hình định giá nhưng chúng tôi kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra trong năm 2022. ROA và ROE tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có khả năng sinh lợi cao nhất ngành.

Định giá: Chúng tôi định giá cổ phiếu VPB với mức giá mục tiêu 53.800 đồng/CP dựa trên 2 phương pháp Thu nhập thặng dư (RI) và so sánh P/B và P/E. Chúng tôi sử dụng chi phí sử dụng vốn cổ phần (Re) ở mức 13.2% cho phương pháp RI và mức P/B 2.2x cũng như P/E 13.3x cho phương pháp định giá tương đối (so sánh P/B và P/E).

Khuyến nghị mua cổ phiếu VRE với giá mục tiêu 39.000 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail, với giá mục tiêu 39.000 đồng/cổ phiếu (+25%) dựa trên 3 luận điểm chính.

Đó là lợi thế rất lớn từ hệ sinh thái Vingroup và các dự án lớn vừa triển khai như trung tâm thương mại Vincom Mega Mall (VMM) Ocean Park (tháng 12/2020) hay sắp triển khai như VMM Smart City (kỳ vọng quý IV/2021), Vincom Plaza (VCP) Mỹ Tho, Bạc Liêu, VMM Grand Park (kỳ vọng 2022).

Rào cản tương đối cao: (1) nguồn cung đất đai rất hạn chế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, (2) rất ít các dự án khu đô thị lớn như các dự án của Vinhomes và (3) thương hiệu của Vingroup là nhà phát triển dự án chất lượng cao đã chứng minh trong 10 năm qua.

Nhà phát triển và điều hành bất động sản bán lẻ lớn nhất và phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, vượt xa các đối thủ khác. Mảng bán lẻ hiện tại có tỷ lệ thâm nhập thấp với dư địa tăng trưởng lớn trong khi VRE có vị thế đầu ngành để tận dụng được sự tăng trưởng này.

Sự tăng trưởng dài hạn của VRE được kỳ vọng với sự dịch chuyển chiến lược tập trung vào các trung tâm thương mại quy mô lớn (Vincom Center – VCC và VMM) do (i) thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển hơn do đó nhu cầu về trung tâm thương mại lớn và tích hợp sẽ tăng lên, và (ii) dễ dàng thu hút các thương hiệu quốc tế và khách thuê cố định với sức chống chịu tốt hơn với các gián đoạn như thời điểm dịch.

Rủi ro đầu tư: Rủi ro lớn nhất chúng tôi thấy tại thời điểm này là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã và sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của VRE. Trong năm 2021, VRE dự kiến chi 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ khách thuê.

Tuy nhiên, chúng tôi có 3 luận điểm. Cụ thể, dù tình hình dịch bệnh còn phức tạp nhưng với quyết tâm của chính phủ trong việc tăng độ phủ của vắc xin toàn dân cũng như các chính sách thúc đẩy kinh tế, chúng tôi quan sát quá trình phục hồi đã bắt đầu. 78/80 trung tâm thương mại đã quay lại hoạt động với lượng khách tham quan trong nửa đầu tháng 10/2021 đã xấp xỉ gấp 2 lần lượng khách cả tháng 9/2021.

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng ngành bán lẻ phục hồi mạnh mẽ hơn dần dần về mức trước dịch bệnh đồng thời hưởng lợi từ tâm lý “Revenge shopping” (tạm dịch “Mua sắm trả thù”) sau khi thị trường được mở cửa trở lại.

Chúng tôi cho rằng, thị giá của VRE vẫn chịu áp lực từ tác động tiêu cực từ làn sóng dịch lần thứ tư và đã chiết khấu những thông tin không thuận lợi từ dịch bệnh cũng như các gói hỗ trợ khách thuê mới.

VRE được hưởng lợi từ dòng tiền dài hạn (50 năm cho 1 trung tâm thương mại), tăng trưởng ổn định qua các năm nên thời gian dịch dù có kéo dài đến đơn vị năm thì triển vọng dài hạn vẫn còn đó, đồng thời với kế hoạch và thực tế mở mới các trung tâm thương mại như hiện tại sẽ giúp kết quả kinh doanh VRE bật mạnh sau khi tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu HT1 tại ngưỡng 29.3

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên đang hình thành xu hướng tăng giá khá tích cực sau khi hồi phục từ ngưỡng đáy 23.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50, ủng hộ xu hướng tăng giá.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 25.5, chốt lãi tại ngưỡng 29.3 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 23.0.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến