Dòng sự kiện:
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/1
19/01/2023 05:38:07
Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 19/1 của các công ty chứng khoán.

Khả năng điều chỉnh tăng dự báo cho năm 2023 đối với BMP

CTCK SSI (SSI)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 với doanh thu đạt 1,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6% so với quý trước và 1% so với cùng kỳ năm trước nhưng khả quan hơn dự báo của chúng tôi do ảnh hưởng kém tích cực từ thị trường BĐS thấp hơn dự kiến trong quý 4/2022 đối với doanh số bán hàng của BMP.

Chúng tôi cho rằng kết quả này là do ống nhựa của BMP chủ yếu được sử dụng trong những giai đoạn sau của quá trình xây dựng, khiến những diễn biến kém tích cực từ thị trường bất động sản ảnh hưởng chậm hơn đến sản lượng bán hàng của BMP – đặc biệt khi so sánh với các công ty sản xuất thép và xi măng.

Lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số quý 4/2022 của BMP đạt 248 tỷ đồng, tăng 42% so với quý trước và 117% so với cùng kỳ. Kết quả tích cực này chủ yếu nhờ 1) sản lượng bán hàng ổn định và 2) biên lợi nhuận gộp tăng trong bối cảnh giá nhựa đầu vào thuận lợi. Biên lợi nhuận gộp quý 4/2022 của BMP đạt 33,7% – gần mức biên lợi nhuận cao kỷ lục của công ty – so với 25,7% trong 9 tháng đầu năm 2022 và 15,3% trong cả năm 2021.

Doanh thu cả năm 2022 của BMP đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (tăng 28% so với năm trước) với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 696 tỷ đồng (tăng trưởng 225% từ mức cơ sở thấp trong năm 2021). Kết quả kinh doanh năm 2022 của BMP vượt dự báo của chúng tôi, do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo năm 2023, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Ngành Ngân hàng vẫn còn nhiều câu hỏi cần giải đáp

CTCK SSI (SSI)

Tín dụng tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2021, trong đó cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh theo hướng giảm dư nợ cho vay trái phiếu doanh nghiệp. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 được NHNN ước tính đạt 14,5% (so với mức 13,6% năm 2021).

Lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ với lợi suất sinh lời của tài sản và chi phí trích lập dự phòng quay trở lại mức bình thường. Do kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2021 bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và kết quả năm 2022 chưa phản ánh tác động của việc lãi suất cho vay tăng lên cũng như sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản, chúng tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận cả năm sẽ đạt khoảng 35% so với cùng kỳ.

Chất lượng tài sản vẫn được duy trì trong quý 3 nhưng có thể suy giảm từ quý 4/2022. Đối với các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ trên tổng dư nợ của các khoản nợ xấu được báo cáo, trái phiếu VAMC & nợ cơ cấu thuộc chu kỳ trước, các khoản vay tái cơ cấu do Covid lần lượt là 1,47%; 0,14% và 0,57%.

Các quy định pháp lý được nghiên cứu xây dựng theo hướng chặt chẽ hơn để đảm bảo hoạt động an toàn và bền vững cho hệ thống. Quan điểm này phần nào đã được thể hiện từ cuối năm 2021, khi Thông tư 16/2021 được ban hành nhằm giới hạn những loại trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng có thể mua, hay việc giữ nguyên thời gian hạ hạ trần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (MLTL).

NHNN cũng đã nghiên cứu một loạt các dự thảo theo hướng quy định chặt chẽ hơn về sự an toàn trong hoạt động của ngành ngân hàng.

Tác giả: N.T

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến