Dòng sự kiện:
Cổ phiếu ngân hàng ở vị thế tốt để đầu tư
24/12/2024 14:13:01
Triển vọng của nhóm ngành ngân hàng năm 2025 được đánh giá đến từ mức tăng trưởng tín dụng dự kiến tương đương mức ước tính đạt được năm 2024, khoảng 15%.

Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho cổ phiếu ngân hàng trong năm 2025

Nhiều nhà băng được nới room tín dụng 2024

Nhóm ngành ngân hàng đang duy trì được mức tăng trưởng tín dụng cao. Tính đến ngày 17/12/2024, tín dụng toàn hệ thống ghi nhận mức tăng hơn 12,5%, cao hơn đáng kể so với mức tăng hơn 9% của cùng kỳ năm 2023 và cao hơn so với trung bình giai đoạn từ năm 2013 đến nay là 14,4%. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ phân khúc khách hàng doanh nghiệp, trong khi tín dụng bán lẻ phục hồi chậm hơn.

Một số ngân hàng tư nhân năng động như TCB, MBB, MSB, TPB được dự báo có thể ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khoảng 20% khi kết thúc năm 2024.

Mới đây, trong đợt nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng đợt 2 năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho Nam A Bank lên 18,4%, VietinBank từ 14% lên 16%, ACB từ 18,4% lên 20,69%, VIB từ 18,4% lên 21,6%, Techcombank từ 18,5% lên 20%, MSB từ 16,3% lên 18,27%.

Việc được cấp thêm room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng mở rộng quy mô kinh doanh, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Theo đó, tín dụng tăng trưởng sẽ mang lại lợi nhuận tích cực cho các ngân hàng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, tăng trưởng tín dụng không chỉ liên quan đến nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng - chứng khoán, mà cả triển vọng của các cổ phiếu tiêu dùng, bán lẻ. Nếu nhà đầu tư chỉ quan tâm nhóm cổ phiếu ngân hàng thì cần lưu ý đến thực trạng và triển vọng, mức định giá dựa trên các tiêu chí tăng trưởng tiền gửi, tăng trưởng biên lãi ròng, thu nhập ngoài lãi, tỷ lệ chi phí/thu nhập. Các tiêu chí này ở một số ngân hàng đang cao hơn mức trung bình như ACB, BID, STB, TCB, VCB.

Việc nới room tín dụng của cơ quan quản lý tạo điều kiện để các ngân hàng có thanh khoản dồi dào tiếp tục đẩy mạnh cho vay trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và chi phí vốn giảm, biên lãi ròng của các ngân hàng lớn có khả năng sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, ở các ngân hàng nhỏ hơn, sự cạnh tranh về lãi suất có thể làm thu hẹp biên lợi nhuận.

“Tôi ưa thích các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như VCB, BID, CTG nhờ hệ khách hàng rộng lớn và nhiều lợi thế đặc biệt, bên cạnh nhóm ngân hàng thương mại có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như ACB, TCB, MBB, OCB”, ông Lê Đức Khánh chia sẻ.

Cổ phiếu có dư địa tăng trưởng năm 2025

Ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, dự báo năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt 15%, tương đương mục tiêu năm 2024 và cao hơn tăng trưởng GDP danh nghĩa xấp xỉ 10%. Bởi lẽ, nền kinh tế nhiều khả năng tiếp tục phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng GDP của Chính phủ ở mức 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%; đầu tư công được Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh trong năm 2025 và kỳ vọng tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn 2026 - 2030; trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa phục hồi rõ nét, làm gia tăng vai trò của kênh tín dụng ngân hàng.

Trên thực tế, việc nới room tín dụng đã diễn ra trong những năm gần đây và các ngân hàng được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ có lợi thế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đang quan tâm nhiều hơn tới việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn có tiếp tục được gia hạn hay không. Đây sẽ là yếu tố tác động mạnh đến ngành ngân hàng trong ngắn cũng như trung hạn.

Theo phân tích của ACBS, nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ. Nhóm các ngân hàng chuyên cho vay cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (VPB, VIB, OCB) có tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ nhóm 2 cao hơn nhóm các ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp lớn (VCB, CTG, BID, TCB). ACBS dự báo, tỷ lệ nợ xấu năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục được phân tích có thể giảm xuống 1,5%, từ mức ước tính 1,6% năm 2024.

Hiện tại, mức định giá theo P/E của ngành ngân hàng là 9,5 lần, thấp hơn gần 1 độ lệch chuẩn so với trung vị lịch sử, phù hợp để đầu tư với tầm nhìn dài hạn, trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận tăng trưởng vừa phải nhưng bền vững.

Ông Cao Việt Hùng đánh giá, một số cổ phiếu nhà băng còn dư địa tăng trưởng như BID, CTG, STB. Trong đó, BID hiện có mức định giá tốt so với lịch sử, CTG có kết quả kinh doanh theo quý liên tục được cải thiện và áp lực trích lập dự phòng nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới, còn STB có triển vọng ghi nhận lợi nhuận cao khi thanh lý các tài sản đảm bảo và khoản nợ tồn đọng.

Ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, năm 2025, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể duy trì từ 14 - 15%. Động lực tăng trưởng là mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn của nền kinh tế; tín dụng bán lẻ tăng tốc, được hỗ trợ bởi sự phục hồi của hoạt động kinh doanh và tiêu dùng, bên cạnh tín hiệu khả quan từ cho vay mua nhà; tín dụng bán buôn ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh, cùng sự phục hồi của thị trường bất động sản, từ đó kéo theo tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng.

“Chúng tôi đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp. Định giá P/B toàn ngành hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm”, ông Hoàng cho biết.

Vị chuyên gia này cho rằng, một số cổ phiếu ngân hàng đáng quan tâm đầu tư dài hạn nhờ có chất lượng tài sản tốt và duy trì được tốc độ tăng trưởng vượt trội so với ngành là ACB, CTG, HDB, MBB, TCB.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến