Có “sân sau”, nhiều doanh nghiệp ngồi không hưởng lợi
12/01/2015 18:08:04
Nhiều doanh nghiệp "sân sau" có những chỗ dựa để không phải làm gì nhiều mà vẫn thu hoạch được. Và họ cũng được che chắn khỏi nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp khác thường gặp phải trên thương trường.

Tin liên quan

Che chắn cho “sân sau”

Có ý kiến cho rằng, đa số doanh nghiệp trong số hàng nghìn doanh nghiệp phá sản trong nhiều năm qua là “doanh nghiệp sân sau” hoặc được lập ra để tham gia vào các dự án dùng ngân sách. Khi ngân sách được siết chặt lại thì doanh nghiệp cũng hết vai trò.

Từ trái qua: Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, TS. Lê Đăng Doanh.

Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận, thực tế số doanh nghiệp ngưng hoạt động chiếm tới gần 1/3 tổng số doanh nghiệp Việt Nam thì khó có thể số lớn là doanh nghiệp "sâu sau" được.

Theo bà Lan, các doanh nghiệp "sân sau" có những chỗ dựa để không phải làm gì nhiều mà vẫn thu hoạch được, và họ cũng được che chắn khỏi nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp khác thường gặp phải trên thương trường.

Liên quan đến con số thống kê gần 200.000 doanh nghiệp “chết”, bà Lan cho biết, đây là con số doanh nghiệp đăng ký tạm ngưng hoạt động với các cơ quan nhà nước, chứ không phải con số doanh nghiệp đăng ký phá sản.

Theo bà Lan, số các doanh nghiệp chính thức giải thể cũng mới chỉ vào khoảng vài nghìn, và số này mới phải thực hiện các quy trình luật pháp quy định, kể cả giải quyết công nợ và tài sản.

Hầu hết các doanh nghiệp ngưng hoạt động chủ yếu vì những khó khăn về thị trường tiêu thụ, về giá cả đầu vào liên tục tăng cao khiến họ không thể có lãi trong hoạt động.

Những doanh nghiệp ngưng hoạt động này không thể nói là tạo những hệ lụy về nợ xấu hay tạo nên nợ xấu mới. Nợ xấu là vấn đề khác và đang được giải quyết giữa ngân hàng và các doanh nghiệp có nợ với họ, phần lớn phải là những doanh nghiệp "còn sống".

Phải cạnh tranh sòng phẳng

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, về cấp độ doanh nghiệp, trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh thì bản thân cũng có sự cạnh tranh giữa các quốc gia và các địa phương.

“Nhiều thị trường quan trọng mở ra, cơ hội tăng lên nhưng doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được những cơ hội này hay không vẫn là câu hỏi rất lớn”, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo ông Tuấn, nhiều khảo sát và nghiên cứu của VCCI cho thấy, mức độ quan tâm và hiểu biết về các hiệp định thương mại mới của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa ở Việt Nam vẫn còn dừng ở mức độ rất hạn chế.

Ở một góc nhìn khác, theo TS. Lê Đăng Doanh, các doanh nghiệp Việt Nam cần cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, tạo sự khác biệt hơn là cạnh tranh qua giá. Bởi vì, do phải nhập khẩu lớn, chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang ở mức khá cao so với nhiều nước nhất là Trung Quốc...".

Các doanh nghiệp phải đầu tư vào khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để có thể trụ vững trên thị trường trong nước và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo bizlive.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến