Dòng sự kiện:
Cơ sở nào để nhà máy điện Lee & Man chuyển sang công nghệ đốt than?
25/09/2018 16:25:55
Trong khi được quy hoạch là nhà máy nhiệt điện sinh khối, nhưng khi đưa vào vận hành, thì nhà máy nhiệt điện nằm trong Tổ hợp dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam lại sử dụng công nghệ đốt than.

Vậy cơ sở nào để nhà máy này chuyển đổi công nghệ than?

Nhà máy nhiệt điện than nằm trong Tổ hợp dự án nhà máy Giấy Lee & Man của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam.

Tại quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), thì ở phần phụ lục I về danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2016-2020, nhà máy nhiệt điện của Lee & Man thuộc Tổ hợp dự án nhà máy giấy Lee & Man là nhà máy “Nhiệt điện sinh khối Lee & Man” với công suất 125 MW do Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper (Hồng Kông- Trung Quốc) làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, khi đưa vào vận hành phát điện, dự án nêu trên lại chuyển sang sử dụng công nghệ đốt than.  

Trao đổi với TBKTSG Online qua điện thoại, bà Phạm Thị Dung, Giám đốc cao cấp của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam xác nhận, dự án điện của đơn vị này sử dụng công nghệ đốt than.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc dự án có xin chuyển sang công nghệ đốt than hay không? Bà Dung trả lời: “Vì sao phải xin chuyển sang công nghệ đột than?” và tỏ ra khá ngạc nhiên trước câu hỏi này.

Theo bà Dung, ở Việt Nam, hiện đơn vị này chỉ có một dự án duy nhất ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Trong khi đó, ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, quy hoạch nhà máy nhiệt điện sinh khối thì phải đốt bằng sinh khối, trong khi lại chuyển sang đốt than thì chắc chắn đã làm sai quy hoạch.

“Quy hoạch một đằng, làm một nẻo, mà không biết họ có xin phép ai không, ai cho phép cái đấy, cần phải làm rõ”, ông cho biết.

Nhà máy điện Lee & Man (khoanh đỏ) được quy hoạch là nhà máy "nhiệt điện sinh khối Lee & Man", chứ không phải sử dụng than.

Giả sử, nếu chủ đầu tư là Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã xin phép và được sự đồng ý để chuyển đổi, thì liệu đơn vị cho phép chuyển đổi đã căn cứ vào đâu? Còn ngược lại, Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam đã làm trái quy định.

Một trường hợp xin chuyển đổi tương tự, từ nhiệt điện than sang nhiệt điện khí hóa lỏng đã không được phép.

Cụ thể, trước đó, UBND tỉnh Long An đã có công văn số 3570/UBND-KT ngày 15/8 gửi Bộ Công Thương xin chuyển hai dự án nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 thuộc Trung tâm điện lực Long An (2.800 MW) từ công nghệ đốt than sang sử dụng khí hóa lỏng, thì Bộ Công Thương đã khẳng định không có cơ sở để thực hiện chuyển đổi theo yêu cầu của địa phương.

Theo đó, tại công văn số 7344/BCT-ĐL về quy hoạch Trung tâm điện lực Long An do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký ngày 12/9 cho biết, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016, tại tỉnh Long An được quy hoạch phát triển hai nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than.

Vì vậy, theo Bộ Công Thương, đơn vị này không đủ cơ sở để phê duyệt Quy hoạch Trung tâm điện lực Long An sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng như yêu cầu của tỉnh Long An.

Rõ ràng, với trả lời như trên của Bộ Công Thương, thì cũng đồng nghĩa không có cơ sở để chuyển đổi công nghệ của nhà máy nhiệt điện sinh khối Lee & Man sang sử dụng công nghệ đốt than. Trong khi, thực tế dự án này lại bị chuyển đổi?

Tổ hợp dự án nhà máy giấy Lee & Man được quy hoạch xây dựng gồm, nhà máy sản xuất giấy, bến cảng, khu xử lý chất thải và dự án điện. Riêng dự án nhà máy sản xuất bột giấy hiện đã ngưng.

Sau khi dự án nhà máy giấy Lee & Man đưa vào vận hành thử nghiệm vào năm 2017, đã liên tiếp xảy ra sự cố phát tán mùi hôi, khói bụi, tiếng ồn và đã rất nhiều lần bị người dân sống xung quanh dự án lên tiếng phản đối.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến