Ảnh minh họa
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố danh sách hàng loạt tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai ở một số địa phương: Phú Yên, Đồng Nai, Phú Thọ, Sơn La, Hà Tĩnh, Điện Biên… Đây là các đơn vị vi phạm đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường trong những tháng đầu năm 2021.
Nhiều dự án bị thu hồi đất
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai trường hợp tổ chức doanh nghiệp vi phạm pháp luật đất đai ở địa phương. Theo đó, qua rà soát, kết quả thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng đất từ năm 2014 đến nay, tỉnh Phú Yên có 21 dự án, công trình vi phạm với tổng diện tích trên 2,347 triệu m2 đất đã đăng công khai theo quy định. Trong số này có 13 dự án của các tổ chức doanh nghiệp đã bị xử lý thu hồi đất.
Các vi phạm đất đai của các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn Phú Yên chủ yếu là không còn nhu cầu sử dụng, không đưa đưa đất vào sử dụng; không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đầy đủ; không triển khai một phần dự án để đưa đất vào sử dụng; chậm tiến độ đầu tư công trình; tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp…
Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho biết, trong số 21 đơn vị, có một số doanh nghiệp có diện tích đất vi phạm lớn. Điển hình như Công ty trách nhiệm hữu hạn trồng cây kiểng xuất khẩu Phú Yên (dự án Dự án Trồng cây kiểng xuất khẩu tại xã An Phú) với diện tích hơn 1,304 triệu m2 không đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó còn có các dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Asia Hawai Ventures hơn 495,5 nghìn m2 không còn sử dụng đất; Công ty TNHH Thanh Tùng 100.000m2 không đưa đất vào sử dụng; Công ty TNHH Phát triển Nông kiến Kuan-Liên 100.000m2 chậm đưa đất vào sử dụng và không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; Công ty Cổ phần Thuận Thảo với hơn 79.000 m2 không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đầy đủ; không triển khai một phần dự án để đưa đất vào sử dụng…
Trong tháng 6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai cũng đã có Công văn gửi Tổng cục Quản lý đất đai về việc công khai các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất của các tổ chức được nhà nước giao đất, cho thuê đất và đã có văn bản báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý đối với 54 dự án với tổng diện tích 673,43ha.
Qua rà soát, Đồng Nai đã phát hiện 39 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích 507,53ha phải công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Tổng cục Quản lý đất đai theo quy định.
Các sai phạm của các doanh nghiệp chủ yếu là chưa hoàn thành công tác bồi thường, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính; chủ đầu tư có văn bản không tiếp tục thực hiện dự án; chậm đưa đất vào sử dụng; chưa triển khai dự án; chậm tiến độ xây dựng…
Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có quyết định, văn bản chỉ đạo thu hồi, bãi bỏ quyết định giao đất, thuê đất đối với 12 dự án với tổng diện tích 33,85ha. Tỉnh này cũng đã có văn bản gia hạn tiến độ sử dụng đất và Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục theo dõi xử lý đối với 27 dự án với 473,68ha.
Trong số này, có nhiều dự án của tổ chức doanh nghiệp có diện tích đất vi phạm lớn như: Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà ở và Đô thị IDICO; Công ty Cổ phần thức ăn và thức uống Gạo; Công ty Cổ phần Licogi 16; Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Nhật Quang (đã sáp nhập vào Công ty Cổ phần Phát triển Địa ốc Sông Tiên)…
Chậm đưa đất vào sử dụng, sai mục đích
Thời gian qua, nhiều tỉnh khác đã công khai các trường hợp tổ chức doanh nghiệp vi phạm đất đai. Cuối tháng 5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La đã có báo cáo công khai 13 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai và gỡ bỏ những thông tin vi phạm trên cổng thông tin điện tử đã được các tổ chức khắc phục xong.
Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La cho biết, trong 13 tổ chức, doanh nghiệp trên, có nhiều trường hợp có diện tích đất vi phạm lớn như: Công ty Cổ phần hoa học hữu nghị Việt Nam- Hàn Quốc với tổng diện tích 2,976 triệu m2; Công ty TNHH MTV Hồng Kông Sơn La hơn 107.000 m2; Công ty Cổ phần Du lịch Công đoàn Mộc Châu hơn 72,5 nghìn m2 không đưa đất vào sử dụng đúng tiến độ…
Cũng trong tháng 5/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông của tỉnh cũng đã thực hiện công khai vi phạm trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh đối với 29 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Được biết, các trường hợp vi phạm của tỉnh này cũng chủ yếu là chậm đưa đất vào sử dụng. Một số doanh nghiệp sử dụng đất vi phạm với diện tích lớn như: Công ty cổ phần Bảo Sơn hơn 147.280m2; Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Thăng Long với diện tích hơn 126.716m2; Công ty trách nhiệm hữu hạn chế biến thực phẩm GOC hơn 41.512m2; Công ty TNHH chè Đức Tỵ gần 41,2 nghìn m2; Công ty cổ phần đầu tư công nghệ mới với 40,56 nghìn M2; Công ty TNHH Minh Hiếu Phú Thọ với 33.372 m2; Công ty cổ phần Texnam gần 39,5 nghìn m2…
Tiếp tục thực hiện chế độ công khai vi phạm theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cũng đã tổng hợp, công khai danh sách về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai đến năm 2021 đối với 30 tổ chức vi phạm, với các hành vi vi phạm chủ yếu là sử dụng đất sai mục đích; không đưa đất vào sử dụng; chậm đầu tư; qua kiểm tra hậu kiểm các tổ chức này vẫn chưa khắc phục các tồn tại.
Trong đó có một số tổ chức sử dụng đất vi phạm với diện tích lớn như: Công ty TNHH PhoneSack Việt Nam với diện tích 299.815 m2; Chi nhánh Công ty TNHH dịch vụ và thương mại tổng hợp Quý Gia tại Hà Tĩnh với diện tích 136.300m2; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Mỹ Hưng 134.360; Công ty Cổ phần đô thị và xây dựng Đại Thành với 52.000 m2…
Việc công bố công khai về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của Tổng cục Quản lý đất đai được thực hiện hàng năm theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Theo các chuyên gia, hoạt động này góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất tại các địa phương...
Tác giả: Nhĩ Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy